5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa: "Tiết học yêu nước" không giáo án, con ghi nhớ suốt đời không quên!

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Trẻ con chưa thể đọc hết những trang Sử dày cộm, nhưng có thể ghi nhớ suốt đời một buổi sáng dậy từ 5 giờ, theo mẹ cha hòa vào dòng người rợp đỏ.

5h sáng, cậu bé Tiến Thành (9 tuổi) ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) trở mình, lay mẹ dậy. Thường ngày, đến giờ đi học còn ngái ngủ, vậy mà hôm nay, em lại là người giục mẹ trước. Vì hôm qua mẹ đã hứa: Sáng sớm, cả nhà sẽ lên TP.HCM xem diễu binh.

Những chuyến đi lúc 5h sáng

Tối hôm trước, trong lúc mẹ chuẩn bị áo dài, cờ đỏ sao vàng cùng đủ thứ cho chuyến đi, Thành cứ líu ríu hỏi: “Mình sẽ đi qua những đâu hả mẹ? Đại bác bắn ở đâu? Trực thăng có bay mang cờ không?”. Hàng chục thắc mắc nhỏ khiến niềm háo hức trong em như được nhân lên gấp bội. Vốn mê Lịch sử, với Thành, đây không chỉ là một chuyến đi thông thường, mà là một hành trình mới mẻ đáng chờ đợi. Chị Mơ - mẹ bé Thành kể, cả đêm, những đứa trẻ không ngủ được vì háo hức.

Để không bỏ lỡ một khoảnh khắc quan trọng nào, nhà chị Mơ xuất phát từ lúc 5h sáng. Qua Bến Bạch Đằng, qua Dinh Độc Lập, đến 2h chiều, cả nhà đã len qua dòng người, cố định ở góc vỉa hè của đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

Bé Tiến Thành và Tuệ An

Hoà vào dòng người dần ken đặc, chị Mơ nói, dù theo lịch 21h mới diễu binh, nhưng nếu không “xí chỗ” trước thì rất khó có nơi đứng xem, hoặc có tầm nhìn đủ rõ. “50 năm mới có một lần, vinh dự lắm”, chị tâm sự. Vì thế, dù cho con nghỉ một buổi học và xác định chuyến đi này sẽ kéo dài đến gần 20 tiếng, từ lúc đi (5h sáng) cho tới lúc về (12h khuya), cả nhà vẫn rất háo hức.

Cùng xuất phát từ Bình Dương, gia đình chị Thuỳ Trang (27 tuổi) khởi hành từ đầu giờ trưa, sau đó cũng nhanh chóng đến một trong những tuyến đường mà đội hình diễu binh sẽ đi qua. Con trai chị, Minh Khang, năm nay 5 tuổi. Con chưa biết thế nào là yêu nước, con chỉ mê khi xem những clip diễu binh trên tivi, tự tập theo chú bộ đội. Con ước mơ trở thành một người lính.

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

Chị Thuỳ Trang (27 tuổi) cùng con trai Minh Khang

“Tháng 4 này tôi cùng con xem lại những video về lịch sử, theo dõi các buổi tập duyệt diễu binh. Và rồi, chính con trai tôi mới 5 tuổi thôi, lại là người giục mẹ cho bằng được lên TP.HCM để xem tận mắt. 

Có thể con chưa hiểu hết về ngày 30-4, càng chưa thể khái quát được thế nào là lòng yêu nước. Nhưng tôi tin, có những điều không cần phải giảng giải quá nhiều. Khi con đứng giữa thành phố ngập tràn cờ hoa, khi nghe tiếng quân nhạc rộn ràng và thấy từng tốp người lính sải bước qua phố, một hạt giống tự hào đã lặng lẽ được gieo vào tim con”, chị Trang nói.

Một gia đình khác đến từ Bình Dương là chị Âu Mai Chi và anh Trần Quốc Long cũng đi từ nhà lúc 5h sáng. Ban đầu, chị còn đắn đo vì sợ các con còn nhỏ, khó chịu khi phải chờ đợi lâu giữa đám đông. Nhưng rồi nghĩ đến dịp 50 năm mới có một lần, anh chị quyết định chuẩn bị thật chu đáo, để mang đến cho con một kỷ niệm đáng nhớ trong đời.

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

Gia đình chị Âu Mai Chi và anh Trần Quốc Long khởi hành từ 5h sáng

“Món quà trưởng thành” để con biết trân quý độc lập

Anh Nguyễn Văn Tú (Cần Giuộc, Long An) đã lên TP.HCM nhiều lần, nhưng lần này, thành phố hiện lên khác hẳn trong anh. Phố đông vui, vỉa hè ken đặc người mặc áo cờ đỏ sao vàng, tay cầm cờ, mắt sáng bừng. Chuyến đi này, anh không đi một mình. Bên anh là hai cậu con trai 8 và 10 tuổi—Tuấn Kiệt và Thành Trung.

Ba cha con tìm được một chỗ đẹp trên đường Nguyễn Du. Họ chuẩn bị tinh thần đợi 7 tiếng. Nhưng lũ trẻ không hề buồn chán. Khi đoàn đầu tiên đi qua, đứa trẻ hét lên phấn khích. Tiếng hét bị lấn át bởi đám đông, nhưng ánh mắt các em thì lấp lánh niềm vui. Những gì từng chỉ thấy trên tivi, nay sống động trước mắt.

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

Anh Nguyễn Văn Tú (Cần Giuộc, Long An) cùng hai con

Một nhóm phụ huynh ở Thủ Đức đã lên kế hoạch từ đầu tháng 4, rủ nhau tổ chức chuyến đi xem diễu binh cho các con như một “lớp học công dân đặc biệt”. Họ gọi vui đó là “buổi dã ngoại tinh thần” – nơi bài học không nằm trên trang giấy, mà hiện ra sống động trên từng con đường, từng chiếc xe quân đội, từng lá cờ đỏ tung bay giữa phố phường rợp nắng.

Chị Minh, một phụ huynh trong nhóm, chia sẻ: “Chúng tôi chuẩn bị kỹ lắm. Trước hôm đi, mỗi phụ huynh kể cho con một câu chuyện lịch sử mà mình từng xúc động nhất. Sáng sớm trên xe, thay vì để con cầm điện thoại, chúng tôi đố nhau về các cột mốc lịch sử, giải thích cho con vì sao có ngày 30-4, vì sao hòa bình lại đáng quý đến vậy”.

Tới nơi, họ cùng nhau căng bạt, chia đồ ăn, phát cờ nhỏ cho bọn trẻ. Dưới cái nắng tháng Tư, lũ trẻ háo hức, chăm chú quan sát đoàn xe diễu hành, lắng nghe tiếng nhạc quân đội rộn ràng. Một phụ huynh bật cười khi con gái 8 tuổi reo lên: “Mẹ ơi, con thấy máy bay rồi! Nó bay mang theo cờ luôn kìa!”.

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

Em Minh Khang (9 tuổi) ở Quận 7, TP.HCM vẫy cờ đầy tự hào

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

Những em nhỏ trước Dinh Độc Lập

“Không cần giảng bài, cũng không cần kiểm tra cuối buổi, chỉ cần ánh mắt của các con hôm nay – lấp lánh sự ngưỡng mộ, tò mò và tự hào – là biết lớp học này đã thành công rồi”, chị Minh nói. Với những người làm cha mẹ, đó là một ngày dài nhưng xứng đáng, vì họ đã gieo vào tim con một điều thiêng liêng: Tình yêu đất nước.

Còn em Thanh Vy (học sinh lớp 9, quận 4, TP.HCM) thì gọi khoảnh khắc này là “món quà trưởng thành” mẹ dành cho em. Từ quận 4 qua trung tâm không xa, nhưng vì phải đợi tan học mới ra đường được nên 3 mẹ con bị “kẹt” lại phía ngoài tuyến diễu binh. Dù vậy, cảm nhận không khí hào hùng cũng khiến họ dâng lên cảm xúc khó tả.

Khi đoàn xe, đoàn diễu hành lướt qua, tiếng hô vang dội giữa lòng thành phố khiến em lặng người. “Chính lúc ấy, con càng thấy trân quý giá trị của hòa bình. Vì chỉ trong hòa bình, chúng ta mới được sống những giây phút đẹp đẽ và tự hào như thế này”, em nói.

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

Em Thanh Vy (học sinh lớp 9, quận 4, TP.HCM) gọi khoảnh khắc này là “món quà trưởng thành”

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

Những nụ cười tươi hết cỡ dù đợi chờ, trú mưa

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

Những em nhỏ tranh thủ đọc sách đợi tới giờ diễu binh

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

Vì một lần vẫy cờ là một lần con dâng lên niềm hạnh phúc

5h sáng háo hức theo bố mẹ vượt đường xa:

Những hàng dài người vẫn háo hức chờ đợi đoàn quân đi qua, mặc có lúc trời đổ mưa

“Con chưa đủ lớn khôn để hiểu về Tổ quốc

Chưa biết giá của từng thước đất và vì sao có những tượng đài

Nhưng mẹ vẫn dạy con từ thơ ngây về lòng yêu Tổ Quốc…” (Cẩm Thị Đào).

Đúng là con trẻ có thể chưa hiểu về lòng yêu nước. Thế nhưng, chúng ta – những người lớn – có thể gieo vào lòng con hạt mầm của tình yêu ấy, mỗi ngày một chút, bằng những trải nghiệm chân thực và giản dị như thế.

Là để các con lần đầu biết đến cảm giác lặng người khi thấy quốc kỳ tung bay trên cao, hiểu rằng sau sắc đỏ ấy là máu của bao người đã ngã xuống, là khát vọng sống còn của cả một dân tộc từng bị chia cắt. 

Trẻ con chưa thể đọc hết những trang Sử dày cộm, nhưng có thể ghi nhớ suốt đời một buổi sáng dậy từ 5 giờ, theo mẹ cha hòa vào dòng người rợp đỏ, nắm tay nhau đứng giữa quảng trường, để lần đầu thấy yêu một điều gì đó lớn hơn bản thân mình.

Có thể sau này, con sẽ quên tên từng chiếc xe thiết giáp hay tên của những đội hình diễu binh, nhưng con sẽ nhớ cảm giác hồi hộp khi tiếng đại bác nổ vang giữa trời xanh. Sẽ nhớ ánh mắt lấp lánh của mẹ, cái nắm tay siết nhẹ của cha, sẽ nhớ cả lời thì thầm năm ấy: 

“Con ơi, mình may mắn được sinh ra trong thời bình, nhưng đừng quên giá trị của tự do, độc lập”.

Chia sẻ