50 năm sau cái chết của cậu bé Rayford - trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến HIV: Chúng ta còn cách phương thuốc chữa khỏi bệnh bao xa?

HN,
Chia sẻ

Nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi trường hợp tử vong liên quan tới HIV đầu tiên được ghi nhận và 2 bệnh nhân được chữa khỏi. Điều này có ý nghĩa gì với 37 triệu người vẫn còn sống chung với căn bệnh?

Trường hợp tử vong liên quan tới HIV đầu tiên - đội ngũ y tế đã không thể đưa ra câu trả lời

Không ai biết thứ gì đã giết chết Robert Rayford - cậu bé mang hai dòng máu Mỹ Phi mới chỉ 15 tuổi khi đến bệnh viện thành phố St Louis cuối năm 1968. Đội ngũ nhân viên y tế đã không thể đưa ra câu trả lời.

Tình trạng sưng phù không thể lý giải ở cơ quan sinh dục của Rayford nhanh chóng lan rộng khắp cơ thể cậu bé. Vi khuẩn Chlamydia đã có mặt trong máu Rayford. Một khối tổn thương màu tía, kích cỡ nhỏ, ở phía trong đùi báo hiệu bệnh ung thư. Nhưng đây là triệu chứng bệnh phổ biến ở người lớn tuổi, chứ không phải ở một cậu bé da đen mới tuổi teen và chưa từng rời khỏi Missouri như Robert Rayfort.

Rayford gần như không nói gì suốt 18 tháng điều trị tại 3 bệnh viện. Và rồi vào buổi tối 15/5/1969, bệnh viêm phổi đã cướp đi mạng sống của Rayford. Nhưng cơ thể cậu đã "chịu khuất phục" từ trước đó. Ngay cả với những căn bệnh không thể làm khó dễ được người khác thì khi tấn công Rayford cũng khiến cậu bé khổ sở. Bối rối vì tình trạng sức khỏe suy giảm nghiêm trọng của cậu, các bác sĩ đã thuyết phục gia đình Rayford đăng ký khám nghiệm tử thi và bảo quản các mẫu vật để điều tra thêm sau này.

Artboard 1 (2)

Khoảng 20 năm sau, một trong các bác sĩ của cậu bé chia sẻ với St Louis Post-Dispatch: "Rayford là một cậu bé 15 tuổi bình thường, chọn cách im lặng trước người lớn, nhất là khi tôi là người da trắng, còn cậu ấy da đen". Thời điểm đó, Rayford chỉ tiết lộ với bác sĩ rằng, cậu bé có quan hệ tình dục với một cô bạn hàng xóm và không chịu nói gì thêm.

Vào giữa những năm 1980, một chuyên gia trẻ ở Đại học Tulane, New Orleans (Mỹ), đã thử nghiệm các mẫu lấy từ cơ thể Rayford. Phát hiện cho thấy sự hiện diện của bệnh Aids - căn bệnh không có một biện pháp điều trị bệnh nào hiệu quả và retrovirus - loại virus đã giết chết hơn 35 triệu người trên toàn thế giới, khi đã xâm nhập cơ thể thì sẽ không có cách nào "đàn áp" được nó.

Ở Mỹ, bệnh Aids tàn phá các cộng đồng người nghiện hút, lao động tình dục, nam giới đồng tính, lưỡng tính cùng với người Mỹ - Phi và xóa sổ cả một thế hệ những người truyền cảm hứng sáng tạo, trong đó có nhiếp ảnh gia Peter Hujar, họa sĩ David Wojnarowicz, người tiên phong trong nghệ thuật khiêu vũ Willi Ninja và ngôi sao Hollywood Rock Hudson.

2 bệnh nhân đã chữa khỏi HIV theo những cách khác nhau

Trường hợp Timothy Ray Brown, được biết đến là "bệnh nhân Berlin", người đã thuyên giảm bệnh HIV được hơn 10 năm (từ năm 2007).

Biện pháp điều trị cho Brown khá dữ dội. Ông phải trải qua xạ trị toàn thân và 2 ca cấy ghép tế bào gốc riêng biệt. Ông trải qua một ca phẫu thuật ghép tủy xương, trong đó bao gồm cả việc cấy ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị bệnh bạch cầu. Nhưng thật bất ngờ, tế bào gốc được cấy ghép lại đến từ một bệnh nhân mang gene đột biến CCR5 - một dạng gene đồng thụ thể với HIV-1. Kết quả, căn bệnh thế kỷ của Brown bỗng thuyên giảm nhanh chóng, và giữ ở mức an toàn không thể lây nhiễm từ đó đến nay.

Artboard 1 copy (1)

Đầu năm nay, một bước đột phá đã được công bố: Nhóm các nhà nghiên cứu ở Anh đã điều trị thành công cho một người đàn ông, được gọi là "bệnh nhân London". Họ tuyên bố, người bệnh đã ở giai đoạn thuyên giảm được 18 tháng. Bệnh nhân London được chẩn đoán nhiễm virus HIV vào năm 2003. Nhưng năm 2012, người này nhận chẩn đoán thứ 2: u lympho Hodgkin - một dạng ung thư hệ miễn dịch. Biện pháp điều trị duy nhất còn lại là hoá trị cường độ cao, tiếp đến là phẫu thuật cấy ghép tuỷ xương có chứa tế bào gốc cần thiết để xây dựng lại hệ miễn dịch đã bị suy yếu của người bệnh. Ca cấy ghép cũng đã mở ra cơ hội để điều trị bệnh HIV của "bệnh nhân London".

Các nhà khoa học đã lựa chọn một người hiến tặng bị đột biến gen hiếm gặp, có khả năng kháng HIV. Khi HIV làm nhiễm trùng tế bào đích của mình, nó làm việc này thông qua một protein trên bề mặt tế bào tên là CCR5. Nhưng đột biến gen làm thay đổi hình dáng CCR5, khiến HIV chẳng còn chỗ nào để bám víu. Hệ miễn dịch của bệnh nhân London được tái tạo bằng các tế bào kháng HIV và virus này đã bị loại bỏ khỏi máu bệnh nhân. Quan trọng hơn là khác với bệnh nhân Berlin, 16 tháng trước khi bỏ thuốc anh đã không cần phải trải qua xạ trị.

Artboard 1 copy 2 (1)

Tuy nhiên, Giáo sư Ravindra Gupta, trưởng nhóm điều trị cho "bệnh nhân London", tỏ ra thận trọng khi lưu ý rằng, giảm tác hại của quá trình điều trị không đồng nghĩa với việc làm cho nó an toàn hay khả thi hơn. Những nguy cơ mà bệnh nhân có thể phải đối mặt bao gồm:

- Cấy ghép tế bào gốc tiềm ẩn nguy cơ của chính nó: khi phần được cấy ghép vào không phù hợp, cơ thể sẽ nổi loạn và thậm chí, có thể khiến bệnh nhân trả giá bằng sinh mạng.

- Mọi thứ tùy thuộc vào việc tìm được người hiến tặng có đột biến gen CCR5 và nhóm máu cũng phù hợp với bệnh nhân nhận cấy ghép. Giáo sư Gupta khẳng định: "Để tìm được sự kết hợp của các yếu tố này quả thực cực kỳ hiếm hoi".

Artboard 1 copy 3 (2)

50 năm sau cái chết của Rayford, tin tức về bệnh nhân thứ 2 chữa khỏi virus HIV đang làm dấy lên những hi vọng lớn lao

Cơ thể con người có thể chiến đấu chống lại phần lớn virus nhưng virus HIV truyền bệnh và quét sạch mọi tế bào có thể tiêu diệt nó - điển hình là CD4 T. Khi virus tấn công các tế bào CD4 T, nó cướp mất bộ máy bên trong tế bào và bắt đầu sản xuất hàng ngàn bản sao của chính mình, sau đó, xâm nhập dòng máu. Tế bào nhiễm bệnh nhiều hơn và chu kỳ trên tái diễn. "Một khi CD4 T bị loại bỏ, bạn không còn gì để chèo lái hệ miễn dịch của mình nữa", tiến sĩ Carl Diefenbach, giám đốc Bộ phận Aids tại Viện Dị ứng và bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, giải thích.

Liệu pháp kháng retrovirus đã cứu sống hàng triệu người bằng cách ngăn virus không tự sao chép và cho phép các tế bào CD4 T hồi phục, giúp cho hệ miễn dịch hoạt động trơn tru.

Nhưng nó không thể xóa bỏ tận gốc virus HIV khỏi cơ thể. Đó là bởi khi virus HIV xâm nhập tế bào vật chủ, đôi khi nó làm một điều cực kỳ bất thường: Kết hợp ADN của mình vào ADN của tế bào. Khi đó, nó chuyển sang trạng thái ẩn mình, gieo mầm của chính mình tại những vị trí kín đáo trong khắp cơ thể để có thể hoạt động mà không thể bị phát hiện, miễn dịch với retrovirus.

Tiến sĩ Dieffenbach, giám đốc Bộ phận Aids tại Viện Dị ứng và bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, nhấn mạnh: "Yếu tố khiến bệnh của bạn nặng hơn chính là bởi một virus nguyên vẹn đang trú ngụ ở một nơi nào đó của cơ thể, bên trong một tế bào CD4 T, và tới một thời điểm, nó sẽ thức giấc rồi lan rộng".

Trong khi đó, nhiều phương pháp khác đang được phát triển và 2 trong số này đã thu hút sự chú ý của dư luận vào năm ngoái.

Phương pháp đầu tiên liên quan tới kháng thể: Các protein hình chữ Y được sản sinh để ứng phó với các chất ngoại lai trong máu.

Tương tự biện pháp điều trị cho bệnh nhân London và Berlin, hướng tiếp cận này lấy những người có khả năng kháng HIV tự nhiên làm điểm khởi đầu. Những người này, được mệnh danh là "người kiểm soát tối cao", sinh ra kháng thể có thể trung hòa HIV khi nó di chuyển qua các tế bào, chặn đứng sự lây lan của virus.

Artboard 1 copy 4 (1)

Nhiều năm trước, tiến sĩ Marina Caskey của Đại học Rockefeller và các đồng nghiệp đã chia tách và bắt đầu sản xuất được những kháng thể này trong phòng thí nghiệm. Năm 2017, Caskey ngừng liệu pháp kháng retrovirus cho một nhóm các bệnh nhân HIV và tiêm cho họ 2 kháng thể trong vòng 6 tuần. Trong điều kiện bình thường, virus có thể phản ứng lại một cách nhanh chóng. Trong trường hợp này, nó bị ức chế trung bình trong 21 tuần. Caskey phát biểu: "Điều thực sự thú vị là một trong số đó đã bị ức chế gần 90 tuần". Thời gian này dài gần với khoảng thời gian thuyên giảm của bệnh nhân London.

Điều đáng nói là các kháng thể đã không còn hiện diện từ lâu trong máu người bệnh, vậy mà virus HIV vẫn chưa tái xuất. Điều này có nghĩa là tiêm kháng thể chắc chắn phải dẫn tới khả năng kiểm soát dài hạn nào đó được điều hòa bởi chính hệ miễn dịch của người bệnh.

Ngoài ra, còn một số cảnh báo khác – có những bệnh nhân bị HIV đã không đáp ứng với kháng thể và khi chỉ truyền mỗi kháng thể, virus có thể phát triển khả năng đề kháng. Nhưng đây vẫn là một phát hiện tuyệt vời.

Hướng tiếp cận thứ 2 được thử nghiệm vào năm ngoái, có tên "kick and kill" (tạm dịch: đá và diệt). Trước hết, bạn đánh thức virus trong trạng thái bất hoạt để nó lộ diện, sau đó, bạn tấn công virus.

"Các tế bào nhiễm trùng tiềm ẩn có vẻ giống với các tế bào không bị nhiễm trùng. Do đó, cơ thể không có cách nào phân biệt chúng nhưng nếu các tế bào đó bắt đầu biểu thị protein virus lên bề mặt, chúng sẽ trở thành mục tiêu", giáo sư John Frater của Đại học Oxford, giải thích.

Rắc rối trong phương pháp này nằm ở chỗ để chữa khỏi HIV cho một người bệnh, cần phải tái kích hoạt gần như toàn bộ virus. Nhưng một cú đá đủ mạnh để đánh thức virus mà không gây tổn hại cho bệnh nhân thì vẫn chưa được tìm ra.

Ngang (3)

Chi phí tốn kém nhưng việc tìm ra phương thuốc chữa khỏi bệnh vẫn cực kỳ quan trọng

Khó khăn và chi phí đi kèm với các phương pháp này khiến một số người tranh luận rằng, tiền bạc chi cho nghiên cứu về thuốc chữa HIV tốt hơn là nên sử dụng để cung cấp liệu pháp kháng retrovirus cho 15 triệu người vẫn chưa tiếp cận được liệu pháp này hay mở rộng mức độ dễ tiếp cận của PrEP - một loại thuốc dùng hàng ngày có tác dụng ngăn chặn hiệu quả nguy cơ nhiễm HIV.

Tuy nhiên, Deborah Gold, giám đốc điều hành Quỹ Aids Quốc gia Mỹ, nhận định: "Việc tìm ra phương thuốc chữa khỏi bệnh vẫn cực kỳ quan trọng. Chúng ta đâu thể quên rằng, HIV là đại dịch toàn cầu và vẫn tiếp tục là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở nhiều nước trên khắp thế giới. Biện pháp điều trị vẫn còn đắt đỏ và không dễ tiếp cận. Vì vậy, phương thuốc chữa khỏi bệnh sẽ là giải pháp".

Gold mong rằng, mọi người sẽ bày tỏ sự hào hứng với các biện pháp điều trị mới tương đương với những phương thuốc chữa khỏi bệnh tiềm năng. Bởi lẽ, trong khi HIV không còn là bản án tử hình ở các quốc gia giàu có, nó vẫn là một gánh nặng. Với những người không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí hay giá cả hợp lý, gánh nặng do HIV mang lại càng thêm rõ nét.

Và khi thuốc không thể được kê đơn hay chỉ sẵn có một cách lẻ tẻ, tồn tại một nguy cơ thực sự là HIV kháng thuốc một ngày nào đó sẽ trỗi dậy. 

Xem bài gốc trên trang Theguardian.

Chia sẻ