5 sai lầm khi vệ sinh tủ lạnh bạn phải tránh tuyệt đối
Nếu mắc những sai lầm này, bạn sẽ vô tình biến chiếc tủ lạnh thành ổ chứa vi khuẩn nguy hiểm nhất trong căn bếp.
Tủ lạnh là một trong những nơi cần phải làm sạch thường xuyên vì nó chứa thực phẩm của gia đình. Một chiếc tủ lạnh đảm bảo vệ sinh sẽ giúp bạn cất giữ thức ăn được lâu, mang lại những bữa ăn tươi ngon, bổ dưỡng.
Trong quá trình vệ sinh tủ lạnh, bạn cần phải tránh tuyệt đối những sai lầm dưới đây. Nếu không bạn sẽ vô tình biến chiếc tủ lạnh trở thành ổ chứa vi khuẩn nguy hiểm nhất trong căn bếp.
1. Không làm sạch tay nắm cửa hàng ngày
Bạn không cần phải làm sạch tủ lạnh mỗi ngày nhưng tay nắm cửa thì lại là ngoại lệ. Trong quá trình nấu nướng, bạn sẽ thường xuyên phải mở đóng tủ lạnh để lấy đồ ăn. Khi dùng bàn tay bẩn chẳng hạn như dính thịt sống để mở tủ lạnh, hành động đó rất dễ làm vi khuẩn lây lan.
Lau tay nắm cửa không mất nhiều thời gian, bạn chỉ cần xịt một chút chất khử trùng lên tay nắm rồi lau sạch là xong.
2. Không dọn sạch đồ ăn ra ngoài trước khi lau kệ tủ lạnh
Khi vệ sinh phía trong tủ lạnh, trước lúc bắt đầu lau các giá, kệ và ngăn kéo tủ, bạn hãy loại bỏ tất cả thực phẩm bên trong. Việc làm này giúp làm sạch trong lòng tủ lạnh một cách triệt để, không bỏ sót ngóc ngách nào.
Nếu không muốn/không thể làm trống cả tủ lạnh, bạn có thể làm trống từng ngăn, lau sạch rồi cất đồ lại, sau đó làm trống ngăn kế tiếp.
Đối với các lọ dưa chua hoặc lọ mứt cất trong tủ, bạn cũng cần dùng một miếng vải mềm thấm chất khử trùng để lau sạch bề mặt bên ngoài trước khi để lại vào tủ lạnh.
3. Không phân biệt được làm sạch và khử trùng
Có một sự khác biệt không nhỏ giữa làm sạch và khử trùng. Làm sạch nghĩa là bạn loại bỏ các vết ố, vết bẩn, bụi bẩn nhưng hành động đó sẽ không tiêu diệt được vi khuẩn, vi trùng, virus. Còn khử trùng chính là tiêu diệt các loại vi khuẩn sau bước làm sạch, từ đó giảm thiểu mầm bệnh sinh sôi trong nhà.
Tủ lạnh được khử trùng nghĩa là không có mầm bệnh trên bất kỳ bề mặt nào. Vi khuẩn hoàn toàn có thể phát triển và sinh sôi trên các bề mặt chết, ví dụ như kệ tủ lạnh. Do vậy việc vệ sinh, khử trùng kỹ lưỡng tủ lạnh là rất quan trọng.
Sau khi dọn hết thực phẩm trong tủ lạnh ra ngoài, phía bên trong cần lau bằng một miếng vải sạch thấm chất khử trùng.
Bạn nên khử trùng tủ lạnh bao lâu một lần? Nó tùy thuộc vào hiện trạng tủ lạnh và mức độ sử dụng của bạn. Tuy nhiên gợi ý cho bạn là hãy khử trùng tủ lạnh một tuần một lần để đảm bảo vệ sinh tốt nhất.
Nếu các bộ phận bên trong của tủ lạnh có thể tháo rời, bạn hãy rửa chúng trong bồn rửa hoặc máy rửa bát. Tuy nhiên hãy chú ý làm sạch bồn rửa trước nhé!
4. Không có biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây lan vi khuẩn
Sau khi tủ lạnh đã được khử trùng thì điều quan trọng là phải giữ nó ngăn nắp để ngăn ngừa khả năng vi khuẩn phát triển và lây lan.
Đầu tiên là bạn phải kiểm tra kỹ thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Ví dụ 1 miếng phô mai đã bị mốc, vi khuẩn trên miếng phô mai sẽ dễ dàng lây lan sang các thực phẩm tươi khác. Tiếp theo là bạn cần đậy nắp các hộp đựng thực phẩm đúng cách để không có thứ gì bị lộ ra ngoài. Và hãy nhớ đừng để tủ lạnh quá đầy, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng làm lạnh từ đó khiến thực phẩm bị hỏng nhanh.
5. Không thường xuyên dọn dẹp thực phẩm hỏng
Hãy định kỳ kiểm tra ngày hết hạn để loại bỏ các thực phẩm không còn dùng được nữa. Rau củ, trái cây để quá lâu trong tủ lạnh đã bị thối, nếu không được dọn dẹp sẽ làm môi trường tủ lạnh bị ô nhiễm. Đây là một bước rất quan trọng bạn không nên bỏ qua.
Theo: Thekitchn