5 quy tắc vàng Marie Kondo khuyên áp dụng để có một căn bếp sạch gọn "bất chấp" diện tích to nhỏ
Áp dụng những quy tắc này, không gian bếp của bạn dù nhỏ hẹp đến đâu thì vẫn luôn sạch sẽ, ngăn nắp và thuận tiện khi sử dụng.
Bếp là một khu vực quan trọng nhưng cũng dễ bị bừa bộn, lại thường có diện tích khá nhỏ trong căn nhà. Việc lưu trữ và tổ chức để khu vực chức năng này luôn gọn gàng, sạch sẽ là điều rất quan trọng, đồng thời không hề dễ dàng.
Marie Kondo, chuyên gia lưu trữ nổi tiếng người Nhật Bản, đã đưa ra những quy tắc vàng để tổ chức một căn bếp. Áp dụng các quy tắc này, dù không gian bếp của bạn nhỏ hẹp đến đâu thì vẫn luôn sạch sẽ, ngăn nắp và thuận tiện khi sử dụng.
1. Luôn chú ý tạo không gian dễ lau chùi
Marie cho biết: “Nhà bếp dễ lau chùi sẽ khiến việc nấu nướng trở nên thú vị hơn. Một cách đơn giản là thêm lớp lót vào các kệ, không chỉ giúp nó nhìn sạch sẽ mà còn khiến việc dọn dẹp đơn giản hơn”.
Cô cũng đề xuất đặt các khay, ngăn nhỏ trong lòng ngăn kéo, điều đó làm quá trình thu gọn nhanh gọn gấp nhiều lần: “Các ngăn kéo trông sẽ thật ngăn nắp, vật dụng nào cũng có một nơi mặc định để cất giữ sau khi sử dụng xong”.
2. Làm một cuộc kiểm tra mang tên “niềm vui”
“Hãy nhìn lại các món đồ đang sở hữu trong nhà bếp, chúng có khơi dậy niềm vui cho bạn hay không? Những chiếc đĩa là ví dụ điển hình nhất về thứ bạn sử dụng hàng ngày. Vì vậy nếu chúng không khơi gợi niềm vui cho chủ nhà, hãy cảm ơn vì những gì chúng đã làm được cho cuộc sống của bạn rồi loại bỏ ra khỏi căn bếp”, Marie nói.
Quan niệm đồ vật mang lại niềm vui cho con người là một trong những tư tưởng nổi bật của Marie Kondo. Áp dụng lý thuyết ấy vào việc dọn dẹp, lưu trữ nhà cửa, bạn sẽ thấy công việc sắp xếp, tổ chức không gian sống được nâng lên một tầm cao mới.
“Nếu bạn có những chiếc đĩa chỉ sử dụng 1, 2 lần mỗi năm vào dịp đặc biệt, rõ ràng việc lưu trữ chúng trong bếp sẽ chiếm mất khoảng không gian quý giá. Tại sao bạn không thử kết hợp nó trong cuộc sống hàng ngày? Nếu đó là món đồ yêu thích khiến bạn cảm thấy vui vẻ, tại sao chỉ sử dụng mỗi năm vài lần? Hãy coi các bữa ăn hàng ngày của bạn như một dịp đặc biệt, sử dụng những chiếc đĩa ấy để có khoảng thời gian ăn uống tràn đầy niềm vui”, Marie gợi ý.
3. Giữ quầy bếp sạch sẽ và rõ ràng nhất có thể
Khi nói đến những mẹo sắp xếp cho không gian bếp nhỏ, Marie khuyến nghị nên giữ quầy bếp của bạn thật sạch sẽ. Đó là một trong những điều quan trọng nhất cần ghi nhớ. “Nó giúp không gian rộng rãi và dễ thở hơn”, cô nói.
“Đơn giản bạn chỉ cần đặt các chai, lọ và gia vị vào tủ bếp, dọn sạch khu vực trên quầy, xung quanh bồn rửa và mặt bếp nấu. Khi có ít đồ hơn trên quầy bếp, quá trình lau chùi, dọn dẹp cũng dễ và nhanh hơn nhiều”, chuyên gia lưu trữ này cho biết.
4. Loại bỏ các dụng cụ nhà bếp không dùng đến
Thật là "tội lỗi" khi để các thiết bị, dụng cụ nhà bếp không sử dụng đến chiếm chỗ trong ngăn kéo. Marie gợi ý đã đến lúc chúng ta phải loại bỏ chúng, bất kể kích thước nhà bếp của bạn to hay nhỏ.
“Nếu bạn đang giữ những thiết bị như máy trộn bột hoặc máy làm bánh mì nhưng cả một năm qua không sử dụng đến, điều đó cho thấy chúng không còn đủ khả năng khơi dậy niềm vui trong cuộc sống của bạn nữa”, cô nói.
Theo nguyên tắc “niềm vui”, bạn nên loại bỏ các món đồ như vậy để không gian bếp thoáng đãng hơn, đồng thời có chỗ cho những thứ mới mẻ, thú vị. “Đã đến lúc bạn để nó ra đi với lòng biết ơn”, Marie nói.
5. Lưu trữ tủ lạnh ở mức công suất 70%
“Bằng cách để trống ra một ít không gian trong tủ lạnh, bạn sẽ nhìn thấy tất cả đồ đạc trong đó, cũng như có thêm chỗ đặt thức ăn thừa”, Marie giải thích về con số 70% cô đưa ra.
Ngoài ra nếu đồ ăn chật kín, tủ lạnh sẽ thiếu khoảng trống để không khí lạnh lưu thông, thực phẩm được làm lạnh kém, hiệu quả bảo quản suy giảm.