Chuột bao tử ăn sống, gà khô để nguyên lông là 2 trong 5 món ăn kỳ quái nhất Trung Quốc, người phàm ăn nhất cũng ái ngại
Những món ăn này món thì có cách chế biến vô cùng rùng rợn, món thì nguyên liệu chỉ nhìn thôi, mọi người cũng thấy sợ.
Nền ẩm thực Trung Hoa vốn tự hào với bề dày lịch sử lâu đời và tinh tế. Nhưng trong đó xuất hiện không ít những món ăn được đánh giá là "kinh dị".
Chuột bao tử
Với nhiều người, những món ăn từ chuột luôn là nỗi khiếp sợ, thử thách. Trong đó, món chuột bao tử được xem là món ăn kinh dị nhất, thậm chí nếu nói nó là tàn bạo nhất trong số những món ăn kỳ dị cũng không sai.
Chuột bao tử là một món ăn của Trung Quốc. Món này có tên San Zhi Er còn được biết đến với cái tên "3 tiếng thét". Nguyên liệu chính của món này là những chú chuột con mới sinh. Những con chuột non này trước đó được cho ăn mật ong để thịt chúng trở nên ngọt, sau đó để sống nguyên ngoe nguẩy trên đĩa.
Ngoài thứ nguyên liệu chính này còn có các gia vị khác như rau thơm đi kèm nhưng nhưng cái quyết định vẫn là nước sốt được chế biến đặc biệt để nhúng những chú chuột trước khi thưởng thức.
Việc ăn sống một chú chuột thực sự là thử thách không thể vượt qua với nhiều người. Nhưng với niềm tin là món này sẽ giúp tăng cường sinh lực cho cả nam lẫn nữ, làm tăng khả năng duy trì hoạt động phòng the, một số người vẫn xem nó là món đặc sản quý hiếm.
Tuy nhiên theo khoa học, chuột là loại động vật lây truyền rất nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người. Khi chuột mẹ mang bệnh, đương nhiên chuột con cũng sẽ bị lây một số căn bệnh từ mẹ. Quý ông thưởng thức món chuột sơ sinh tưởng rằng sạch sẽ nhưng thực chất món ăn này chứa đầy hiểm họa.
Đầu thỏ sốt cay
Những chiếc đầu thỏ xếp chồng lên nhau xét về mặt hình ảnh thực sự có thể khiến du khách giật mình hoặc chí ít cũng không mấy hứng thú. Nhưng tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, đây là một món ăn vô cùng được ưa thích.
Cụ thể đầu thỏ sẽ được nấu rất cay đúng kiểu Tứ Xuyên. Khi ăn, thực khách dùng tay bốc, nhấc đầu thỏ khỏi sốt cay, đập vỡ rồi hút phần óc béo ngậy bên trong. Đây là món ăn đêm rất được ưa chuộng, thường nhắm cùng bia. Du khách có thể thấy các quán hàng bán món ăn này khắp nẻo đường phố ở Thành Đô, Tứ Xuyên.
Đầu thỏ được xếp vào dạng món ăn kinh dị không chỉ bởi hình thù trần trụi của những chiếc đầu đã qua chế biến mà còn bởi với nhiều người, thỏ được xem như thú cưng.
Lẩu thức ăn bò
Trong số những món ăn đầy thử thách của Trung Quốc, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến món lẩu thức ăn bò của người dân Đài Châu, tỉnh Quý Châu. Thành phần của món ăn này sẽ là dịch lấy từ những thức ăn chưa tiêu hóa hết trong dạ dày và và ruột của bò.
Để làm món này người ta phải chọn những con bò khỏe mạnh, trước khi mổ bò, người ta sẽ cho bò ăn no cỏ tươi kèm với thảo dược. Sau khi, những thức ăn lấy từ dạ dày và ruột sẽ được vắt lấy thứ chất lỏng đặc sệt, cho thêm mật bò cùng gia vị, tất cả bỏ vào nồi, đun sôi vặn nhỏ lửa và thưởng thức.
Thường phải đến ngày Tết người dân địa phương mới dám làm món lẩu đặc biệt này cùng người thân sì sụp trong tiết trời lạnh giá ngày đầu năm. Mùi hương từ nồi "lẩu thức ăn bò" có vị đắng, khi ăn cũng sẽ có vị thuốc và có chút đăng đắng. Tùy theo khẩu vị của thực khác, có thể gia giảm hương vị trong nồi lẩu nhưng khó có thể làm mất được vị đặc trưng của thức ăn bò chưa tiêu hóa hết.
Rắn cắn gà
Rắn cắn gà là món ăn được chế biến theo cách có một không hai. Người ta sẽ cho rắn cắn gà rồi chế biến cả rắn, cả gà nấu thành món ăn gọi là canh long phụng. Trong quá trình chế biến, độc của rắn ở nhiệt độ cao sẽ chuyển hóa thành protein không độc, mà tạo nên hương vị tươi ngon cho món ăn.
Món ăn này thậm chí còn được đặt một cái tên khá thi vị "canh long phụng". Tuy vậy, thịt rắn vốn không phải là ai cũng ăn được. Thêm vào đó cách chế biến có phần đáng sợ này lại càng khiến nhiều người không dám nếm.
Gà sấy khô nguyên… lông
Gà vốn là loại thực phẩm thông dụng, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Tuy vậy với món gà sấy nguyên lông thế này thì hẳn sẽ có những người e ngại khi thưởng thức, bởi hình dạng những con gà còn nguyên lông của món ăn.
Tuy vậy, để chế biến này đòi hỏi người làm cần có kinh nghiệm và độ khéo léo. Cụ thể sau khi cắt tiết, gà vẫn để nguyên lông. Điều này đòi hỏi việc lấy nội tạng phải có kinh nghiệm, đồng thời tuyệt đối không được để nước dây vào gà. Kế đó con gà nguyên lông được ướp với hỗn hợp muối, hạt tiêu, hoa hồi, quế và các loại gia vị khác rang khô.
Sau khi tẩm ướp cả bên trong lẫn bên ngoài bằng hỗn hợp muối, gà được buộc khéo để giữ muối không rơi ra, sau đó treo lên và phơi khô trước gió. Sau khi khô, thịt gà sẽ có vị cực kỳ thơm ngon. Sau một tháng phơi, món gà đã hoàn tất và bạn có thể bỏ lông gà. Đây là một món ăn ngon trong dịp Tết Nguyên đán, có điều cách chế biến của nó vô cùng cầu kỳ.