5 mẫu bàn ăn có khuyết điểm khó chấp nhận, biết rồi chẳng còn muốn mua

Phác Thái Anh,
Chia sẻ

Những kiểu bàn ăn này tuy có ngoại hình bắt mắt nhưng cần cân nhắc kỹ trước khi mua.

Đối với thiết kế nội thất, bàn ăn là một trong những món đồ tưởng đơn giản mà lại vô cùng rắc rối. Chọn sai kiểu bàn không chỉ khiến việc sử dụng hằng ngày trở nên bất tiện mà còn gây ra nhiều phiền toái về lâu dài: từ chiếm diện tích, khó vệ sinh cho đến nguy cơ hư hỏng nhanh chóng. Dưới đây là 5 kiểu bàn ăn được yêu thích vì vẻ ngoài bắt mắt nhưng thực tế lại không quá phù hợp để sử dụng trong đời sống thường ngày.

1. Bàn ăn mặt đá phiến

Không thể phủ nhận bàn ăn mặt đá phiến đẹp và sang, nhưng khi dùng cũng dễ gặp nhiều bất cập. Mặt đá phiến rất dễ nứt hoặc vỡ nếu không được gia cố chắc chắn bằng lớp đỡ bên dưới. Cạnh bàn cũng cực kỳ dễ sứt mẻ chỉ sau vài lần va chạm nhẹ, đặc biệt nếu trong nhà có trẻ nhỏ hoặc thói quen kéo ghế mạnh tay. Thêm vào đó, đá phiến cấp thấp thường thấm màu thực phẩm và rất khó tẩy sạch. Bạn sẽ sớm nhận ra mặt bàn bắt đầu loang vàng khi nước rau, nước mắm hay nước ép bị đổ ra mà không được lau kịp. Với độ bền yếu và khả năng chống bẩn kém, bàn đá phiến tuy trông đẹp mắt nhưng hoàn toàn không đáng để đầu tư.

5 mẫu bàn ăn có khuyết điểm khó chấp nhận, biết rồi chẳng còn muốn mua- Ảnh 1.

2. Bàn ăn mặt kính

Bàn kính là lựa chọn của nhiều người yêu thích phong cách hiện đại, tối giản. Thế nhưng, thực tế sử dụng lại là một cơn ác mộng với những ai ưa sạch sẽ. Chỉ cần chạm nhẹ tay là mặt bàn đã loang lổ dấu vân tay, vết dầu mỡ hay vệt nước thì bám rất dai, lau kỹ mấy cũng vẫn còn vệt mờ. Chưa kể, kính dễ trầy xước nếu bạn dùng dao, thìa va quệt nhẹ trong bữa ăn, thậm chí có thể nứt nếu đặt nồi nóng trực tiếp lên trên. Tóm lại, bàn ăn mặt kính hợp để chụp hình hay trưng bày showroom hơn là dùng mỗi ngày trong gia đình.

5 mẫu bàn ăn có khuyết điểm khó chấp nhận, biết rồi chẳng còn muốn mua- Ảnh 2.

3. Bàn ăn tròn lớn

Dù bàn tròn mang lại cảm giác sum họp và mềm mại, nhưng nó lại không phù hợp với những không gian sống có diện tích hạn chế. Việc kê bàn tròn đòi hỏi không gian xung quanh phải rộng rãi để đảm bảo lối đi và khoảng cách kéo ghế thoải mái. Nếu đặt trong phòng ăn nhỏ, bạn sẽ nhanh chóng thấy mọi thứ trở nên chật chội, vướng víu. Hơn nữa, bàn tròn khiến diện tích ở phần cạnh bị lãng phí, không thể tận dụng tốt như bàn hình chữ nhật. Nó cũng khó phối hợp với bố cục nội thất hiện đại, nơi thường ưu tiên các đường thẳng và góc cạnh để tiết kiệm không gian. Nếu không sở hữu một phòng ăn riêng rộng rãi, bàn tròn là lựa chọn không nên cân nhắc.

5 mẫu bàn ăn có khuyết điểm khó chấp nhận, biết rồi chẳng còn muốn mua- Ảnh 3.

4. Bàn gỗ dài

Bàn gỗ nguyên tấm dài, rộng mang lại cảm giác đẳng cấp và mạnh mẽ, thường được những gia đình chuộng phong cách tối giản lựa chọn. Tuy nhiên, sau khi sử dụng bạn sẽ thấy nó bất tiện đến mức nào. Kích thước lớn khiến bàn chiếm gần như toàn bộ không gian phòng ăn, làm việc đi lại khó khăn. Muốn di chuyển bàn cũng khó khăn vì nó quá nặng, bạn cần ít nhất hai đến ba người mới khiêng nổi. Chưa kể, mặt bàn to bản rất dễ bám bụi, dầu mỡ, nếu không được lau chùi cẩn thận sẽ nhanh xuống màu, mất thẩm mỹ. Nếu nhà bạn không đủ rộng và không có nhu cầu tổ chức tiệc thường xuyên, hãy tránh xa mẫu bàn này.

5 mẫu bàn ăn có khuyết điểm khó chấp nhận, biết rồi chẳng còn muốn mua- Ảnh 4.

5. Bàn ăn chân kim loại

Không ít người bị hút mắt bởi những mẫu bàn có khung kim loại bóng bẩy, thời thượng. Tuy nhiên, đây là kiểu thiết kế có tuổi thọ sử dụng thấp và dễ phát sinh lỗi. Sau một thời gian ngắn, phần sơn bên ngoài dễ bong tróc, để lộ lớp kim loại bị rỉ sét bên trong. Cấu trúc chân bàn thường chỉ được bắt vít đơn giản, dẫn đến tình trạng lỏng lẻo, rung lắc khi dùng. Trong một số trường hợp, khung bàn còn bị móp méo hoặc gãy nếu chịu tải trọng lớn hoặc bị va đập mạnh. Chính vì thế, dù thiết kế đẹp đến đâu, bàn chân kim loại cũng không phải là giải pháp lâu dài cho không gian ăn uống thường ngày.

5 mẫu bàn ăn có khuyết điểm khó chấp nhận, biết rồi chẳng còn muốn mua- Ảnh 5.

Tổng hợp

Chia sẻ