3 dấu hiệu dự báo con cái lớn lên không thân thiết với bố

Minh Châu,
Chia sẻ

"Thời hạn vàng để làm một người bố thực sự – chỉ có 10 năm".

*Bài viết của "Mẹ mọt sách"- một blogger nổi tiếng chuyên viết về đề tài giáo dục tại Trung Quốc:

Con bạn có thân với bố không? Hay chỉ tìm đến bố khi cần tiền?

- "Con gái tôi ba tháng không gọi tiếng 'bố', hôm qua mở miệng là để xin tiền sinh hoạt". 

- "Con trai chuẩn bị thi đại học, thà hỏi ý kiến cư dân mạng chứ không thèm hỏi tôi". 

- "Hồi nhỏ nó còn cưỡi lên người tôi chơi Siêu nhân, giờ gặp nhau còn lúng túng hơn gặp khách hàng",...

Rất nhiều bà mẹ chia sẻ với tôi rằng, con cái họ ngày càng xa cách với cha, như những người dưng sống chung nhà.

Nhưng thực ra, sự xa cách ấy không phải đến khi con lớn mới xuất hiện. Mầm mống đã được gieo từ thuở thơ ấu – khi bố vắng bóng trong hành trình trưởng thành của con.

Là một người mẹ từng nuôi hai con, tôi đã đọc không ít sách nuôi dạy trẻ và trò chuyện với nhiều chuyên gia tâm lý trẻ em. Từ đó, tôi rút ra được những dấu hiệu cảnh báo sớm – cũng như cách "gỡ nút thắt" cho mối quan hệ cha con – đều có cơ sở khoa học vững chắc.

3 dấu hiệu dự báo con cái lớn lên không thân thiết với bố - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

1. Trẻ không thân với bố – dấu hiệu đã có từ khi còn nhỏ

Chị gái tôi là một ví dụ điển hình. Khi con trai chị ba tuổi, bé vẫn thường quấn lấy bố đòi bế, đòi chơi. Nhưng từ khi anh rể thăng chức, công việc bận rộn khiến anh đi sớm về muộn, cuối tuần cũng hiếm khi rảnh rỗi.

Dần dần, khoảng thời gian bố bên con ngày càng ít.

Lần tôi đến chơi, đọc được bài văn "Bố của em" của cháu: cả bài chỉ toàn "Bố đi làm thêm", "Bố ngủ bù cuối tuần"… Thậm chí, khi té ngã, bé gọi "mẹ ơi!" theo phản xạ. Nhận giấy khen, bé cũng chỉ chạy đến ôm mẹ. Ngay cả truyện trước khi ngủ, cũng đòi mẹ đọc.

Đó chính là biểu hiện của hiện tượng "gắn bó đơn tuyến" – một khái niệm trong tâm lý học trẻ em.

Theo thuyết gắn bó của nhà tâm lý học John Bowlby (Anh), giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là thời kỳ vàng để trẻ hình thành mối liên kết an toàn với người chăm sóc. Nếu bố vắng mặt trong các tương tác thường ngày, trẻ sẽ mặc định rằng "bố là người xa lạ". Sợi dây tình cảm dần dần lỏng lẻo, cho đến khi không còn kết nối.

Một biểu hiện khác thường thấy: Có những ông bố mỗi lần xuất hiện là để hỏi bài, trách mắng hay ra lệnh. Lâu dần, trẻ hình thành cảm giác né tránh giống như né thầy cô – vì gắn bó với bố đồng nghĩa với áp lực và chỉ trích.

2. Vì sao "cha ruột" lại thành "người xa lạ"?

Dưới đây là 3 lý do phổ biến khiến mối quan hệ cha – con trở nên xa cách. Dù đau lòng, nhưng đều là sự thật:

(1) Thiếu thời gian bên nhau – cảm xúc cũng "nợ phí"

Một người bạn tôi có chồng luôn miệng nói: "Đàn ông kiếm tiền là đủ". Về nhà là dán mắt vào điện thoại, con đến gần liền phẩy tay: "Đi tìm mẹ con đi."

Theo lý thuyết "tài khoản cảm xúc", mỗi lần bố dành thời gian chất lượng cho con là một lần "gửi tiền" vào tài khoản ấy – như cùng chơi lego, chạy nhảy ngoài sân. Ngược lại, mỗi lần thờ ơ, từ chối hay cáu gắt là một lần "rút tiền".

Nếu bố liên tục rút mà không nạp, sớm muộn gì tài khoản ấy cũng "âm", và tình cảm cha con sẽ đóng băng.

Nghiên cứu cho thấy: Trẻ có cha dành ít hơn 6 giờ/tuần cho mình sẽ có nguy cơ gặp khó khăn giao tiếp ở tuổi dậy thì cao gấp 3 lần so với trẻ được cha đồng hành thường xuyên.

(2) Chỉ biết giao nhiệm vụ – thiếu tương tác tình cảm

Anh trai tôi là kiểu bố "nhiệm vụ": đưa đón con thì dán mắt vào điện thoại, kèm bài thì chỉ chăm chăm soi lỗi sai. Việc gắn bó duy nhất là... giám sát con luyện đàn.

Cháu tôi từng nói: "Bố cháu giống cái camera biết nói".

Trẻ không chỉ cần bố hiện diện, mà còn cần sự hiện diện của trái tim bố.

Nếu con hào hứng khoe sản phẩm thủ công, mà bố chỉ hờ hững buông câu "cũng được", trẻ sẽ thấy như đang chia sẻ với người máy. Nhưng nếu bố ngồi xuống, hỏi: "Con nghĩ ra ý tưởng này thế nào? Bố thấy rất bất ngờ đấy!" – thì lúc đó, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng và ghi nhận.

(3) Dạy con bằng cách so sánh – khiến trẻ không còn muốn chia sẻ

Tôi từng chứng kiến một cảnh tượng đau lòng: Đứa trẻ khoe bài kiểm tra 98 điểm với bố, chỉ nhận lại câu: "Em họ con được 100 kia kìa, sao con mất 2 điểm?".

Ngay lập tức, nụ cười tắt ngấm, tờ giấy khen bị vò nhàu trong tay.

Khoa học thần kinh cho thấy: khi trẻ chia sẻ niềm vui với cha mẹ, não sẽ tiết ra hormone oxytocin – tăng cảm giác thân mật và tin cậy. Nhưng nếu bị dội gáo nước lạnh bằng lời chê bai, quá trình đó sẽ bị ức chế. Lâu dần, trẻ không còn muốn mở lòng với bố nữa.

3. Làm gì để cải thiện tình cảm cha con?

Chồng tôi từng là một ông bố "tránh nhiệm vụ": con thấy bố là né. Nhưng giờ, hai cha con có thể ngồi tâm sự cả tiếng. Đó là nhờ ba bí quyết nhỏ, dễ thực hiện nhưng rất hiệu quả:

(1) Mỗi ngày 10 phút "đồng hành song song"

Tâm lý học gọi đây là "trò chơi song song": bố cùng con làm điều con thích (chơi lego, đá bóng, xúc cát), vừa chơi vừa trò chuyện nhẹ nhàng.

Chồng tôi mỗi tối đều chơi lego với con út, giả vờ vụng về để nhờ con giúp: "Con ơi, miếng này gắn chỗ nào thế?".

Con lập tức trở thành "huấn luyện viên", hào hứng hướng dẫn, tự tin chia sẻ.

Loại tương tác này sẽ kích thích não trẻ tiết ra dopamine – "hormone hạnh phúc", giúp trẻ cảm thấy bố là người bạn đồng hành, không phải giám khảo.

(2) Nắm bắt "khoảnh khắc mong manh" – chia sẻ thay vì giáo huấn

Theo gợi ý của chuyên gia tâm lý, chị tôi đã khuyên chồng thử "thể hiện điểm yếu trước mặt con": một hôm, anh giả vờ không bê nổi thùng đồ và nhờ con giúp.

Con chạy đến giúp ngay. Anh nhân cơ hội kể: "Hồi nhỏ, bố chẳng ai giúp, phải tự mình lo hết", Con bất ngờ hỏi: "Bố hồi bé cũng hay sợ à?" – và cuộc trò chuyện đầu tiên về tuổi thơ giữa hai cha con bắt đầu.

Trẻ rất nhạy cảm với những chia sẻ thật lòng từ bố mẹ – đặc biệt là khi bố không hoàn hảo. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách tâm lý.

(3) Duy trì “Ngày của bố” – dấu ấn riêng chỉ hai cha con

Nhà tôi có "Ngày của bố" vào mỗi thứ Bảy – chồng tôi sẽ dành riêng thời gian đưa con đi làm một việc có ý nghĩa.

Một hôm, chồng tôi bận họp. Con trai nói: "Không đi cũng không sao đâu bố". Nhưng chồng tôi vẫn hủy cuộc hẹn để giữ đúng lời hứa: "Đây là giao ước của hai bố con mà!".

Kể từ đó, mỗi cuối tuần là một lần con háo hức chờ đợi, khoe với bạn bè: "Bố tớ mỗi tuần đều làm một điều đặc biệt với tớ!".

Sự đều đặn trong tương tác này sẽ hình thành "dấu ấn hạnh phúc" trong não trẻ – nơi mỗi lần nghĩ đến bố là một lần gắn liền với cảm giác ấm áp và đáng nhớ.

Gần đây, tôi đọc được một câu khiến tôi lặng đi: "Thời hạn vàng để làm một người bố thực sự – chỉ có 10 năm".

Khi con vào tuổi dậy thì, bạn muốn ôm, con sẽ né. Muốn hỏi han, con sẽ bảo bạn phiền.

Vậy nên, đừng đợi đến khi hối tiếc. Hãy bắt đầu từ hôm nay – chỉ cần 10 phút mỗi ngày, nhưng chất lượng và trọn vẹn.

Chia sẻ