20% trẻ em trên toàn cầu phải sống trong tình cảnh thiếu nước sạch

Quỳnh Chi,
Chia sẻ

Hơn 1,42 tỷ người trên khắp thế giới, bao gồm 450 triệu trẻ em, đang sống ở các khu vực có nguy cơ bị tổn thương cao hoặc cực kỳ cao về nước.

Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), điều này có nghĩa, cứ 5 trẻ em trên thế giới thì có 1 trẻ không có đủ nước để sử dụng cho nhu cầu hàng ngày của bản thân. Theo một báo cáo mới của UNICEF, trẻ em ở hơn 80 quốc gia đang phải sống ở những khu vực có nguy cơ bị tổn thương do nước cao hoặc cực kỳ cao.

Vùng Đông và Nam châu Phi có tỷ lệ trẻ em sống ở những khu vực có nguy cơ bị tổn thương do nước cao hoặc cực kỳ cao nhiều nhất với hơn một nửa số trẻ em (58%) gặp khó khăn trong việc tiếp cận đủ nước mỗi ngày. Tiếp theo là khu vực Tây và Trung Phi (31%), Nam Á (25%) và Trung Đông (23%). Nam Á là nơi có số lượng trẻ em bị thiếu nước sạch nhiều nhất với hơn 155 triệu trẻ sống ở các khu vực có nguy cơ bị tổn thương do nước cao hoặc cực kỳ cao.

Báo cáo xác định 37 quốc gia "điểm nóng", nơi trẻ em phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch đặc biệt nghiêm trọng và cần được hỗ trợ khẩn cấp. Danh sách này bao gồm Afghanistan, Burkina Faso, Ethiopia, Haiti, Kenya, Niger, Nigeria, Pakistan, Papua New Guinea, Sudan, Tanzania và Yemen.

 - Ảnh 1.

1/5 trẻ em trên thế giới bị thiếu nước sạch cho nhu cầu hàng ngày. (Ảnh: UNICEF)

Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết trong một thông cáo báo chí: "Cuộc khủng hoảng nước trên thế giới đã và đang diễn ra và tình trạng biến đổi khí hậu sẽ làm cho khủng hoảng này trở nên tồi tệ hơn. Trẻ em là nạn nhân chịu thiệt thòi nhất. Khi giếng bị cạn nước, trẻ em phải bỏ học để lấy nước. Khi hạn hán xảy ra, nguồn cung cấp lương thực suy giảm, trẻ em bị suy dinh dưỡng, còi cọc. Khi lũ lụt xảy ra, trẻ em dễ mắc bệnh vì nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Và khi lượng nước suy giảm, trẻ em không thể vệ sinh tay để chống lại bệnh tật".

Báo cáo mới là một phần của sáng kiến "Water Security for All" (An ninh nước cho tất cả) của UNICEF nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận với các dịch vụ nước bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sáng kiến nhằm huy động các nguồn lực, đẩy mạnh kết nối, đổi mới và ứng phó toàn cầu tại các điểm nóng thiếu nước đã được xác định.

Bà Fore nói: "Chúng ta phải hành động ngay để giải quyết cuộc khủng hoảng nước và ngăn khủng hoảng này trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta chỉ có thể đạt được an ninh nguồn nước cho mọi trẻ em thông qua đổi mới, đầu tư và hợp tác, đồng thời bằng cách đảm bảo các dịch vụ bền vững và có khả năng chống chịu với các cú sốc khí hậu. Vì trẻ em và hành tinh, chúng ta phải hành động".

Chia sẻ