10 ngày uống nước cốt chanh sau khi ngủ dậy buổi sáng: Người phụ nữ nhận về 2 thứ khiến ai cũng hoang mang

Đậu Đậu,
Chia sẻ

Gần đây, một xu hướng khác đang được lan truyền: Uống nước cốt chanh nguyên chất vào sáng sớm với lời quảng bá rằng có thể "thanh lọc cơ thể", thậm chí "đẩy lùi bách bệnh".

Ăn sáng bằng... nửa lít cốt chanh

Mạng xã hội lâu lâu lại xuất hiện thêm những trào lưu mới: Trào lưu thải độc đại tràng bằng cà phê, uống nước muối đặc buổi sáng...

Gần đây, một xu hướng khác đang được lan truyền: Uống nước cốt chanh nguyên chất vào sáng sớm với lời quảng bá rằng có thể "thanh lọc cơ thể", thậm chí "đẩy lùi bách bệnh".

Trên mạng xã hội facebook, có không ít bài đăng chia sẻ về lợi ích của thói quen kỳ lạ này. Một cư dân mạng chia sẻ, chị uống tới 300-500ml nước cốt chanh (tương đương 6-15 trái chanh) vào sáng sớm khi bụng đói. Theo chị, cách này giúp cơ thể khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, da dẻ sáng mịn, thậm chí chữa cả viêm dạ dày, viêm khớp, tiểu đường, ung thư.

uong-nc-cot-chanh.jpg

Nhiều người uống nước cốt chanh vào buổi sáng để giảm cân, thải độc.

Một tài khoản tên N.M.T cũng cho biết anh đang uống 300-400ml nước cốt chanh vào mỗi buổi sáng. Đây là cách giúp anh thải độc trong cơ thể.

10 ngày uống nước cốt chanh sau khi ngủ dậy buổi sáng: Người phụ nữ nhận về 2 thứ khiến ai cũng hoang mang- Ảnh 2.

Một người phụ nữ thậm chí còn bày tỏ, bản thân chị đã duy trì uống nước cốt chanh buổi sáng trong vòng 10 ngày. Khoẻ mạnh đâu chưa thấy, người phụ nữ này gặp phải 2 vấn đề nghiêm trọng: Đau bụng quặn; nôn ra nước như mật...

vo-gay-roc-met-la-khi-uong-nuoc-cot-chanh-thanh-loc-co-the-chong-gop-y-lien-quat-lai-toi-dang-thai-d-beba87bd-a-e-93d7-4cb5eca1f-1742524527-242-width660height550.jpg

Một bài đăng chia sẻ bản thân bị đau bụng, buồn nôn sau 10 ngày uống nước cốt chanh.

Không những vậy, có không ít người tự xưng là bác sĩ và đưa ra những lời khuyên về tác dụng của việc uống nước cốt chanh vào buổi sáng đối với sức khoẻ.

Nhưng thực sự, liệu việc tiêu thụ lượng lớn nước cốt chanh khi bụng đói có mang lại lợi ích sức khỏe, hay tiềm ẩn những rủi ro đáng lo ngại?

Có nên uống nước cốt chanh để thải độc, giảm cân?

Không thể phủ nhận, chanh là một loại trái cây giàu dinh dưỡng. Theo ThS.BS Đoàn Thu Hồng (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), chanh chứa hàm lượng vitamin C cao (khoảng 18,6mg/quả), giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ chống oxy hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra, axit citric trong chanh giúp ngăn ngừa sỏi thận bằng cách làm tăng thể tích nước tiểu và giảm nguy cơ kết tinh sỏi.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng flavonoid trong chanh có thể giúp giảm cholesterol xấu, cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ tiêu hóa bằng cách kích thích tiết dịch vị. Khi sử dụng đúng cách, nước chanh pha loãng có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Dù chanh có nhiều lợi ích, nhưng theo các bác sĩ việc uống nước cốt chanh nguyên chất với lượng lớn, đặc biệt là khi bụng đói, có thể gây ra những tác hại đáng kể.

1-neu-khong-thich-uong-nuoc-dun-soi-7308.jpg

1. Tổn thương dạ dày

Axit citric có trong chanh làm tăng tiết dịch vị, gây kích ứng niêm mạc dạ dày, đặc biệt đối với những người có tiền sử viêm loét dạ dày hoặc trào ngược dạ dày thực quản. Nước chanh không chữa viêm dạ dày mà còn có thể làm bệnh nặng thêm.

2. Mòn men răng, ê buốt răng

Nồng độ axit cao trong nước cốt chanh có thể ăn mòn men răng, gây ê buốt và làm răng trở nên nhạy cảm hơn. Việc uống chanh nguyên chất mà không pha loãng hoặc không súc miệng sau khi uống có thể làm tăng nguy cơ sâu răng.

3. Rối loạn tiêu hóa, mất cân bằng điện giải

Việc tiêu thụ quá nhiều chanh có thể gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy do lượng axit cao kích thích ruột. Ngoài ra, nếu kết hợp uống chanh với muối theo một số phương pháp lan truyền trên mạng, có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến huyết áp và chức năng thận.

4. Nguy cơ đau đầu, ảnh hưởng thần kinh

Chanh chứa một lượng nhỏ axit amin tyramine, nếu tiêu thụ quá mức có thể làm giãn mạch máu, gây đau đầu, đặc biệt là ở những người dễ bị đau nửa đầu.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) nhấn mạnh rằng cơ thể con người đã có hệ thống thải độc tự nhiên qua gan, thận và hệ tiêu hóa. Việc uống nước cốt chanh không thể thay thế vai trò của các cơ quan này hay chữa trị các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, viêm khớp, tiểu đường.

Hơn nữa, việc lạm dụng nước chanh để giảm cân nhanh chóng cũng không mang lại hiệu quả bền vững. Một số người có thể giảm cân do mất nước tạm thời, nhưng không phải là cách giảm cân an toàn và lâu dài.

Lời khuyên sử dụng chanh đúng cách

Thay vì chạy theo trào lưu thiếu cơ sở khoa học, bạn có thể tận dụng lợi ích của chanh một cách an toàn:

Pha loãng nước chanh: Sử dụng 1-2 thìa nước cốt chanh pha với 250-500ml nước lọc, có thể thêm mật ong hoặc gừng để giảm độ chua.

Không uống khi bụng đói: Uống nước chanh sau bữa ăn để hạn chế tác động của axit lên niêm mạc dạ dày.

Bảo vệ men răng: Uống nước chanh bằng ống hút và súc miệng bằng nước lọc sau khi uống để tránh mòn men răng.

Hạn chế lượng tiêu thụ: Chỉ nên uống 1-2 ly nước chanh pha loãng mỗi ngày, không nên uống nước cốt chanh nguyên chất.

Lắng nghe cơ thể: Nếu gặp các triệu chứng như đau dạ dày, ê buốt răng, tiêu chảy hoặc đau đầu, nên ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trào lưu uống nước cốt chanh nguyên chất khi bụng đói là một ví dụ điển hình của việc lan truyền thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội. Dù chanh có nhiều lợi ích sức khỏe khi sử dụng hợp lý, nhưng việc lạm dụng có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng.

Thay vì chạy theo các trào lưu chưa được khoa học chứng minh, việc duy trì chế độ ăn uống cân bằng, vận động hợp lý và lắng nghe cơ thể mới là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.

Chia sẻ