1 ngành tưởng khó xin việc nhưng thực chất cần 10.000 người/năm, mới ra trường cũng có thu nhập 18 triệu đồng/tháng
Đây sẽ là ngành lúc nào cũng trong tình trạng khát nhân lực.
Công nghiệp bán dẫn đóng vai trò then chốt trong sản xuất thiết bị điện tử, máy tính và các thiết bị di động thông minh, nhờ khả năng tận dụng tính chất đặc biệt của chất bán dẫn — vật liệu có độ dẫn điện nằm giữa chất dẫn điện và chất cách điện. Các vi mạch hay còn gọi là chip, được chế tạo từ chất bán dẫn, chính là "bộ não" điều khiển hầu hết thiết bị công nghệ hiện nay.
Không chỉ có ý nghĩa trong ngành điện tử, công nghiệp bán dẫn còn là nền tảng cho sự phát triển của tự động hóa, vận tải, ô tô, hàng không vũ trụ và cả lĩnh vực quốc phòng. Tầm quan trọng của ngành này đối với sự phát triển khoa học - kỹ thuật và kinh tế toàn cầu ngày càng được khẳng định.
Nhu cầu lớn, cung chưa đủ
Tại hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, các chuyên gia kinh tế dự báo trong khoảng 5 năm tới ngành bán dẫn tại Việt Nam cần khoảng 20.000 người; 10 năm tới là 50.000 người trình độ đại học trở lên. Trong khi số nhân lực thiết kế vi mạch hiện khoảng 5.000 người.
Mỗi năm, nhu cầu mới ước tính từ 5.000 - 10.000 kỹ sư, trong khi khả năng cung ứng thực tế chưa đạt 20%.

Theo thống kê từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, tính đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cách xa nhu cầu thị trường. Để chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ đã xác định ngành bán dẫn là lĩnh vực chiến lược cần tập trung phát triển và đầu tư. Vi mạch bán dẫn là một trong 8 sản phẩm quốc gia tiếp tục phát triển đến năm 2030.
Bên cạnh đó, với làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào ngành bán dẫn, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành đối tác chiến lược của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Báo cáo từ Công ty Technavio cho thấy, giai đoạn 2021–2025, thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Thu nhập hấp dẫn cả với người mới ra trường
Ở quy mô toàn cầu, mức thu nhập cho kỹ sư ngành bán dẫn còn cao hơn đáng kể. Tại Mỹ, kỹ sư bán dẫn có thu nhập trung bình gần 8.500 USD mỗi tháng. Tại Nhật Bản, tập đoàn sản xuất chip Tokyo Electron đang trả khoảng 305.000 yên/tháng (tương đương gần 2.200 USD) cho các sinh viên mới tốt nghiệp có thể tham gia làm việc ngay lập tức.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ cộng đồng vi mạch, mức lương sau thuế trong năm đầu tiên đi làm của kỹ sư thiết kế chip vào khoảng 220 triệu đồng/năm (trên 18 triệu đồng/tháng).
Khi tích lũy được 5 năm kinh nghiệm, thu nhập trung bình có thể đạt hơn 330 triệu đồng/năm. Với 15–20 năm kinh nghiệm, kỹ sư trong lĩnh vực này có thể nhận mức lương từ hơn 800 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng mỗi năm.
Trên nhiều nền tảng tuyển dụng trực tuyến, vị trí kỹ sư bán dẫn có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên được chào mời với mức lương từ 1.000 USD/tháng. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Đài Loan, Trung Quốc, đặt tại Khu công nghiệp Duy Tiên (Hà Nam), hiện đang tuyển dụng kỹ sư bán dẫn với mức lương trên 1.000 USD.
Tăng tốc đào tạo nhân lực bán dẫn
Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, đặc biệt ở các lĩnh vực công nghệ cao. Nguyên nhân sâu xa đến từ sự chênh lệch giữa năng lực đào tạo và nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực đòi hỏi sự đầu tư lớn về nguồn lực và trình độ kỹ thuật, đồng thời đặt ra yêu cầu cao đối với đội ngũ nhân sự. Để khắc phục điểm nghẽn này, các trường đại học cần chủ động nâng cao năng lực giảng dạy, cơ sở vật chất và hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương nhằm đào tạo nguồn nhân lực đón đầu nhu cầu thị trường.

Chia sẻ với truyền thông, Giáo sư Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN, cho biết lần đầu tiên Việt Nam đang xây dựng bộ Chuẩn chương trình đào tạo đại học cho ngành vi mạch bán dẫn, gắn kết chặt chẽ với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động.
Theo GS. Trình, cơ hội cho nhân lực ngành bán dẫn là rất lớn. Sinh viên được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này có thể làm việc không chỉ trong ngành bán dẫn mà còn ở nhiều ngành công nghệ cao khác, cả trong nước lẫn quốc tế. Ông cũng lưu ý, không dễ đào tạo sinh viên cho lĩnh vực này, vì đòi hỏi cao về năng lực toán, lý, hóa, kỹ năng mềm và ngoại ngữ.
Vì vậy, các trường đại học cần hết sức cẩn trọng trong việc thiết kế chương trình đào tạo và lựa chọn đầu vào, đảm bảo chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có các ngành kỹ thuật, có thể chuyển đổi hoặc mở rộng đào tạo nhân lực bán dẫn. Ngoài ra, 35 cơ sở đã trực tiếp tham gia đào tạo các ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn.
Với sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ thông tin, triển vọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian tới.
(Tổng hợp)