Ý nghĩa thật sự của lễ đen, nạp tài và quan niệm “bán con gái”, “mua con dâu”
Trong đám cưới hệ trọng của đời người rất khó tránh khỏi bỡ ngỡ, vướng mắc, thậm chí mất lòng... Tiền thách cưới là 1 trong những lý do phổ biến nhất.
Trong các mâm quả của nhà trai đưa sang nhà gái trong lễ hỏi theo phong tục Việt Nam, dù ở miền Nam hay Bắc, ngoài những mâm lễ vật trầu cau, chè mứt... thì còn có tráp nhỏ phủ vải nhung không thể thiếu đựng khoản tiền gọi là lễ đen hay tiền nạp tài (đôi khi tráp này được gộp chung với trầu cau). Khoản tiền này thường được yêu cầu phải là tiền mới, không nhàu nát, để trong phong bao đỏ song hỷ - có thể chỉ 1 phong bì hoặc chia thành 3, 5 phong bì theo số bát hương trên bàn thờ tổ tiên của nhà gái, nhìn chung thường là số lẻ.
Đôi khi, phong tục được truyền lại theo thời gian mà không kèm theo sự giải thích, người sau chỉ nhìn người trước mà học theo một cách máy móc nên dễ dẫn đến những diễn giải sai lầm. Khoản tiền lễ đen hay nạp tài (đôi khi còn gọi là tiền dẫn cưới, hay tiền nát) cũng bị rơi vào trường hợp như vậy, khi có những người quan niệm đây là khoản tiền mà nhà gái bán con cho nhà trai, hay nhà trai đã mua dâu từ nhà gái, từ đó có những phát ngôn hay suy nghĩ gây khó chịu cho người khác.
Thật ra, có không chỉ một giải thích về ý nghĩa của lễ đen hay nạp tài, và tất cả đều mang tính nhân văn và sâu sắc hơn nhiều quan niệm mua bán nhiều người vẫn đang lầm tưởng:
- Lễ đen được coi như món quà để tỏ lòng cám ơn từ nhà trai gửi đến nhà gái vì công sinh thành, nuôi dưỡng con dâu của họ;
- Cũng có người coi đây là khoản tiền mà nhà trai góp vào cho việc sắm sửa, chuẩn bị của cô dâu mới trước đám cưới về nhà chồng;
- Nhiều người khác coi đây như sự tượng trưng cho tục thách cưới từ thời xưa, và do tục này đã dần được xóa bỏ, lễ cưới hiện đại do hai bên gia đình cùng lo liệu nên khoản tiền “thách cưới” này sẽ được căn cứ tùy vào hoàn cảnh của hai bên và đôi vợ chồng trẻ.
Ở miền Bắc, tiền lễ đen thường theo số lẻ, có thể là 9 triệu, 15 triệu hoặc hơn; còn ở miền Nam, tiền nạp tài thường được tính chẵn, có thể là 10-20 triệu. Tuy nhiên, đây luôn được coi là chuyện tế nhị, là thành tâm thành ý khó quy đổi thành giá trị vật chất nên nên không ai đưa ra con số cụ thể cho mọi trường hợp, và thật sự đã có nhiều chuyện bi hài nảy sinh từ đó, nhất là khi hai bên gia đình chưa có nhiều cơ hội tìm hiểu và bàn bạc cởi mở với nhau trước đám cưới.
Tuy nhiều người trẻ, hiện đại ngày nay không mấy quan tâm đến các phong tục cũ nhưng đôi khi không có cách nào khác, nếu muốn đám cưới của mình diễn ra thuận lợi, khởi đầu cho cuộc hôn nhân hòa hợp, viên mãn thì chính hai nhân vật chính nên đứng ra kết nối - thăm dò ý kiến của gia đình mình, thuyết phục, bàn bạc với nhau để thống nhất được con số hợp ý cả đôi bên. Cùng với đó, tất nhiên, hai phía gia đình cũng không nên quá đặt nặng hình thức, nhất là với thứ đã mang tính chất tượng trưng như việc thách cưới, mà làm khó lẫn nhau và ảnh hưởng đến hạnh phúc của con cháu mình.
Tổng hợp