Xu hướng thi tốt nghiệp THPT đề mở, câu hỏi ngoài SGK: Bộ GD&ĐT lưu ý gì?

Hà Cường/VTC News,
Chia sẻ

Đề thi tốt nghiệp THPT các năm gần đây xuất hiện câu hỏi mở, nội dung nằm ngoài sách giáo khoa.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình, chủ yếu ở lớp 12. Do đó, học sinh dựa theo chương trình và sử dụng sách giáo khoa là tài liệu chính để ôn tập.

Ngoài ra, các em có thể tham khảo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT công bố hồi đầu tháng 3/2023 để biết định dạng, cấu trúc đề thi và làm thử các bài kiểm tra theo dạng đề sau mỗi chương, chủ đề trong quá trình học.

Xu hướng thi tốt nghiệp THPT đề mở, câu hỏi ngoài SGK: Bộ GD&ĐT lưu ý gì? - Ảnh 1.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp. (Ảnh minh hoạ: C.H).

Vụ trưởng cũng lưu ý thêm, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn vài năm trở lại đây bắt đầu sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội. Trong tương lai, nhất là khi tổ chức thi tốt nghiệp với học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc sử dụng tác phẩm đã học trong sách giáo khoa để đưa vào đề thi sẽ không còn nữa.

Năng lực, kỹ năng của học sinh chỉ thực sự được đánh giá chính xác khi đề thi sử dụng ngữ liệu mới lạ. Cách này cũng tránh việc học sinh học thuộc lòng máy móc và làm theo văn mẫu. Do đó, để tránh học tủ hay đoán đề, các em cần luyện tập để có kỹ năng trả lời các câu hỏi theo yêu cầu của chương trình và trong đề thi.

Theo ông, để đạt được điểm cao, học sinh cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập với từng môn học. Để dễ nhớ, các em xây dựng đề cương dạng sơ đồ hóa theo từng chương, từng chủ đề của chương trình học.

Sau đó, học sinh luyện tập theo các câu hỏi, bài tập liên quan, trước khi mở rộng luyện tập theo yêu cầu vận dụng kiến thức. Bằng cách này, các em sẽ nắm vững và vận dụng được kiến thức theo bốn mức độ yêu cầu của đề thi tốt nghiệp THPT là nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

Về phía giáo viên, ông Thành đề nghị, thầy cô thường xuyên kiểm tra, đánh giá, bổ sung mảng kiến thức còn yếu, còn thiếu giúp các em hiểu bản chất và biết cách vận dụng trong các tình huống cuộc sống. Đề thi có một tỷ lệ câu hỏi gắn với thực tiễn nên nếu học sinh được rèn luyện, kiểm tra với các hình thức đa dạng hơn sẽ không bỡ ngỡ với những câu hỏi như vậy.

Ngoài ra, việc luyện quá nhiều đề hay làm nhiều bài tập nhưng không có tính hệ thống là không cần thiết, gây quá tải. Giáo viên chỉ nên cho học sinh luyện tập theo đề thi với số lượng phù hợp, chủ yếu giúp các em biết cách thức làm bài ở các mức độ khác nhau, phân bố thời gian hợp lý và rèn luyện khả năng tập trung khi làm bài.

Chia sẻ