Xem phim Sex Education rồi nghĩ đến những tin tức gần đây mà tôi giật mình: Câu nói này trong phim đúng quá, cha mẹ nào cũng nên nghe!
Có một câu thoại mà mãi về sau tôi mới thấy sức nặng của nó.
Tôi xem phim Sex Education từ năm ngoái, khi rảnh rỗi sau một đợt làm việc dài. Phim hài hước, có phần "ngổ ngáo", nhưng xen giữa những câu chuyện tình yêu tuổi học trò là vô số thông điệp khiến người lớn như tôi phải chững lại.
Có một câu thoại mà mãi về sau tôi mới thấy sức nặng của nó. Jean Milburn – mẹ của Otis, cũng là một chuyên gia trị liệu – nói với một người bạn:
“Your generation is so touchy. Information is empowering”. (Tạm dịch: Thế hệ của các con quá nhạy cảm. Nhưng thông tin là điều mang lại sức mạnh).
Khi nghe câu đó lần đầu, tôi chỉ thấy “ừ thì cũng đúng” – nhưng rồi cũng nhanh chóng quên đi. Vì tôi vốn vẫn tự tin rằng mình là một người mẹ cởi mở. Tôi chưa từng né tránh chuyện giới tính, vẫn hay đùa rằng: “Thời nay rồi, ai còn ngại mấy chuyện đó.” Và hơn cả, tôi nghĩ con mình “ngoan”, “không phải lo mấy chuyện đó đâu”.

Jean Milburn
Thế rồi, một loạt vụ việc được báo đài đăng tin gần đây khiến tôi phải nghĩ lại.
Đó là vụ việc trong vòng 2 năm, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) ghi nhận 992 trường hợp trẻ dưới 16 tuổi mang thai và sinh con. Hay vụ việc một cậu bé 16 tuổi ở Quảng Ninh tự lộn bao quy đầu vì thiếu kiến thức và kết quả phải nhập viện điều trị trong đau đớn.
Trên các diễn đàn phụ huynh mà tôi tham gia, không ít người kể về con bị quấy rối ở trường, mà khi bố mẹ hỏi “sao không nói”, thì nhận được câu trả lời: “Con ngại”. “Con tưởng đó là lỗi của con”. “Con không biết nói sao”.
Câu thoại trong phim Sex Edcuation khiến tôi phải suy nghĩ lại
Tôi nghĩ mãi về những điều đó. Về chuyện “thông tin là sức mạnh”. Chúng ta thường mặc định: trẻ con thì nên giữ sự hồn nhiên, nên tránh xa những điều “người lớn”. Nhưng nếu không được học, thì làm sao các con biết đâu là ranh giới? Nếu không ai nói cho con biết điều đúng sai, thì các con sẽ học từ đâu?
Chúng ta nghĩ im lặng là bảo vệ. Nhưng đôi khi, chính sự im lặng mới là nguy cơ thật sự.
Tôi nhớ lại chính mình. Là một bà mẹ từng khẳng định rằng “chuyện đó để sau rồi nói”, tôi đã bỏ lỡ không ít cơ hội. Có lần tôi bắt gặp con trai lớp 5 chăm chú đọc bài báo về một vụ bê bối học đường. Tôi gạt đi, nói: “Trẻ con biết mấy chuyện đó làm gì”. Nhưng đáng ra, tôi có thể ngồi xuống, nói với con một điều đơn giản: “Con có câu hỏi nào không? Nếu có thì mẹ sẽ giúp con hiểu”.
Giáo dục giới tính không chỉ là chuyện “dạy con về cơ thể” hay “chuyện ấy” như nhiều người nghĩ. Đó còn là dạy con về tôn trọng bản thân, hiểu ranh giới, biết từ chối, và cả cách nhờ sự giúp đỡ khi cần.
Khi tôi nhìn con đang lớn lên từng ngày, tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè, mạng xã hội, thế giới bên ngoài, tôi nhận ra: Tôi không thể luôn đi theo để bảo vệ con. Nhưng tôi có thể trao cho con kiến thức, để con tự bảo vệ mình.
Tôi viết những dòng này không phải vì nghĩ mình đúng. Mà là để tự nhắc bản thân – và có thể, nhắc thêm một người cha, người mẹ nào đó: Đừng chờ “lúc thích hợp”. Đừng nghĩ “con chưa cần biết”.
Hãy nói. Vì thông tin không bao giờ là thứ đáng xấu hổ. Nó là sức mạnh. Và đôi khi, một cuộc trò chuyện đúng lúc có thể bảo vệ con khỏi cả một tương lai sai lạc.