WHO kêu gọi ngăn đậu mùa khỉ trở thành đại dịch thứ hai sau COVID-19

Ban Thời sự/TTXVN,
Chia sẻ

Người phát ngôn của WHO Margaret Harris đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay ngăn chặn đậu mùa khỉ trở thành đại dịch toàn cầu như COVID-19.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới hiện ghi nhận hơn 22.000 ca mắc đậu mùa khỉ tại 78 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng khoảng 5.000 trường hợp so với một tuần trước đó.

Các nhà khoa học cũng đã phát hiện hơn 50 đột biến của virus đậu mùa khỉ, trong đó có chủng siêu lây nhiễm tại châu Âu.

Mới đây, Tây Ban Nha và Brazil là những quốc gia đầu tiên bên ngoài châu Phi ghi nhận những ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ.

Sau hơn 2 tháng kể từ khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên của đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kích hoạt mức cảnh báo cao nhất, coi đây là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Điều đó đồng nghĩa với việc WHO đánh giá đợt dịch này là mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng và các nước cần phối hợp để ngăn chặn chuỗi lây lan sớm nhất có thể, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu.

 - Ảnh 1.

Hình ảnh hiển vi điện tử virus đậu mùa khỉ (màu cam) được nhìn thấy trong một tế bào bị nhiễm bệnh (màu nâu) được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: AP)

Trong đợt dịch đậu mùa khỉ này, phần lớn số ca bệnh ghi nhận đến nay là ở châu Âu, đặc biệt trong nhóm nam giới có quan hệ đồng tính. Số ca nhiễm trên thế giới đã tăng 77% từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, trong đó có nhiều trường hợp là bệnh nhi. Con số lây nhiễm thực tế có thể còn cao hơn do nhiều nước hạn chế về năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ.

Giới chuyên gia dịch tễ cảnh báo, sau tất cả những bài học kinh nghiệm với đại dịch COVID-19, các nước không nên coi nhẹ bệnh đậu mùa khỉ và cần phải ngăn chặn căn bệnh này bùng phát quy mô lớn trên toàn cầu.

Nếu không sớm dập được dịch bệnh truyền nhiễm này, virus đậu mùa khỉ sẽ tăng đột biến, tạo ra các biến thể mới nguy hiểm hơn, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy. Ngoài ra, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng như nhiễm trùng thứ phát, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực.

Thông thường, người bệnh sẽ tự khỏi sau vài tuần, nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh này vẫn ở mức 6 - 16%. Hiện số bệnh nhân phải nhập viện điều trị đậu mùa khỉ là 10%.

Để tránh nguy cơ "dịch chồng dịch", nhiều nước trên thế giới đã triển khai các biện pháp phòng chống tức thời, trong đó chiến lược "tiêm vaccine có chủ đích" theo khuyến nghị của WHO là phương án được lựa chọn.

Chia sẻ