Vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long: 80-90% nạn nhân khi được đưa ra khỏi tàu có mặc áo phao

Nam An (t/h),
Chia sẻ

Tại buổi họp báo thông tin về vụ lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, ông Bùi Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, trong quá trình trục vớt, có 80-90% nạn nhân được đưa từ trong tàu Vịnh Xanh ra mặc áo phao.

Chiều 20/7, tại tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra hội nghị thông tin báo chí về vụ việc đắm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long

Theo Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chủ trì buổi họp báo cho biết, ngày 19/7, trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành xảy ra dông lốc hết sức phức tạp. Dông lốc khiến tàu Vịnh Xanh bị lật trên vịnh Hạ Long, thiệt hại hết sức nặng nề về người. Ngay khi nhận thông tin, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm cứu nạn.

Về lý do không dùng máy bay trực thăng cứu nạn, ông Nguyễn Văn Công lý giải vì khoảng cách từ bờ ra vị trí bị nạn chỉ 15-20 phút. "Nếu đi trực thăng ra đến nơi không đỗ xuống được, gặp bão gió cũng gây nguy hiểm. Việc sử dụng máy bay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, chỗ đỗ nên trường hợp này là chưa cần thiết", ông Nguyễn Văn Công nói.

Vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long: 80-90% nạn nhân khi được đưa ra khỏi tàu có mặc áo phao - Ảnh 1.

Con tàu gặp nạn trong vụ lật tàu thảm khốc trên vịnh Hạ Long đã được đưa về neo đậu tại Nhà máy đóng tàu Hạ Long, nằm dưới chân cầu Tình Yêu (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Đối với 4 nạn nhân chưa tìm thấy, ông Nguyễn Văn Công cho biết, ngày 20/7, tỉnh huy động 269 người, 51 phương tiện liên tục tìm kiếm từ sáng. "Rất là chua xót, chúng tôi đang cố gắng, còn nước còn tát", ông nói.

Bên cạnh đó, theo thông tin trên báo Dân Trí, ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước đây tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những quy định đối với tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đảm bảo tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn của đăng kiểm.

Hiện nay, đối với Quy định 43 của UBND tỉnh Quảng Ninh về các biện pháp quản lý hoạt động của phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long cũng khuyến khích 15 tiêu chí an toàn về chất lượng, dịch vụ cao hơn quy chuẩn Quốc gia.

"Hiện nay 100% tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đạt và có chất lượng về an toàn kỹ thuật cao hơn tiêu chuẩn Quốc gia", ông Bùi Hồng Minh khẳng định và dẫn chứng tàu Vịnh Xanh gặp nạn có hệ số an toàn là 2,3, trong khi tiêu chuẩn đăng kiểm, hệ số an toàn theo quy định chỉ là hơn 1,15.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, theo quy định của luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn thì chỉ có hành khách đi trên phương tiện vận chuyển khách ngang sông mới bắt buộc mặc áo phao cả hành trình.

Còn các phương tiện vận chuyển hành khách thông thường, đường dài chỉ phải mặc áo phao khi có tình huống nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn và thuyền trưởng sẽ có hướng dẫn cụ thể.

"Trường hợp xảy ra đối với tàu Vịnh Xanh, quá trình trục vớt có đến 80-90% nạn nhân được đưa từ trong tàu ra mặc áo phao. Như vậy, trước đó thuyền trưởng đã cảnh báo cho hành khách mặc áo phao để sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi", ông Minh nhận định.

Trước đó, chiều 19-7, tàu Vịnh Xanh QN 7105 trong quá trình chở khách tham quan ở tuyến 2 trên vịnh Hạ Long đã bất ngờ bị lật tại khu vực gần đảo Ti Tốp, tỉnh Quảng Ninh.

Ngay sau khi nhận được tin báo, tỉnh Quảng Ninh đã huy động các lực lượng gồm hàng trăm người và hàng chục phương tiện tìm kiếm cứu nạn. Căn cứ kết quả điều tra ban đầu, xác định trên tàu có 3 thuyền viên và 46 hành khách, đều là người Việt Nam.

Tính đến trưa 20-7, các lực lượng đã cứu được 10 người, tìm thấy 35 thi thể, hiện còn 4 người mất tích. Hiện công tác tìm kiếm cứu nạn và điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc đang được tiến hành song song để xử lý theo quy định.

Chia sẻ