Vụ bé gái bị chó becgie cắn tử vong: Chủ nuôi chó bị xử lý thế nào?
Liên quan tới vụ bé gái 5 tuổi bị 2 con chó becgie cắn tử vong, nhiều người đặt ra câu hỏi việc để chó cắn chết người, chủ nuôi sẽ bị xử lý thế nào?
Sự việc một bé gái 5 tuổi ở Vĩnh Phúc bị 2 con chó becgie cắn tử vong xảy ra vào ngày 20/11 đã khiến người dân không khỏi hoang mang.
Cụ thể, vào 18h ngày 20/11, khi đang đi bộ trên đường, bé gái tên P.D.M., 5 tuổi, trú tại thôn 3, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, đang đi bộ về nhà thì bị 2 con chó của gia đình (xổng chuồng) lao ra tấn công.
Qua camera ghi lại, lúc này, do không một ai có mặt tại hiện trường để ngăn cản nên 2 con chó khi thấy bé gái đã càng lúc càng tấn công dữ dội. Ngay sau khi phát hiện sự việc, gia đình đã nhanh chóng đưa cháu bé đến bệnh viện. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong vào tối cùng ngày.
"Gia đình cháu bé có nuôi rắn hổ mang tại trang trại ngay sát nhà và có nuôi nhốt chó trong chuồng. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra vụ việc, chó bị xổng khỏi chuồng. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ", lãnh đạo UBND xã Vĩnh Sơn thông tin trên tờ Dân Việt.
Sau sự việc trên, nhiều người đặt ra câu việc để chó cắn chết người, chủ nuôi sẽ bị xử lý thế nào?
Chủ nuôi chó có thể bị phạt tù
Theo Tạp chí Kiểm sát, trách nhiệm đối với những thiệt hại do vật nuôi (súc vật) gây ra đã được quy định đầy đủ tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 (Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra). Theo đó, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu. Đây là trách nhiệm bồi thường dân sự cho những thiệt hại về vật chất hoặc sức khoẻ do súc vật gây ra.
Còn trong trường hợp súc vật gây ra những thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng cho người khác thì chủ sở hữu súc vật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tuỳ theo mức độ thiệt hại. Có 2 trường hợp:
Nếu súc vật gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì áp dụng Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Nếu súc vật làm chết người thì áp dụng Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vô ý làm chết người. Theo đó, một người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Đã từng có trường hợp bị chó nhà cắn tử vong
Trước đó, vào 5/2023, tại căn nhà của bà Trần Thị Thanh T. (44 tuổi) ở phường Bình Thắng (TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng đã xảy ra vụ chó cắn chết người. Thời điểm trên, bà T. mở chuồng, đưa chó ra cho ăn. Lúc này, cụ Đ.T.V. (82 tuổi) ở trong nhà nói lớn tiếng vọng ra ngoài khiến con chó pitbull giật mình, lao vào tấn công.
Do nạn nhân lớn tuổi không thể bỏ chạy, bị cắn chết tại chỗ. Được biết, cụ Đ.T.V. là mẹ nuôi của bà T..
Liên quan đến vụ cụ bà 82 tuổi bị chó Pitbull cắn tử vong, trao đổi trên tờ Tiền Phong, luật sư Lê Việt Hùng (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) cho biết, trường hợp này chủ nuôi chó phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại nếu có lỗi. Tuy nhiên, việc bồi thường này chỉ đặt ra khi gia đình nạn nhân có yêu cầu.
Trong khi đó, một cán bộ điều tra đang công tác tại Công an tỉnh Bình Dương cho biết, chủ nuôi chó phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sơ suất việc quản lý, nuôi thả chó gây ra hậu quả chết người tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, nạn nhân bị chó cắn chết là người thân trong gia đình, hiện trường xảy ra ngay tại nhà, nên việc áp dụng Điều 128 là khó xảy ra. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, do nạn nhân là mẹ của chủ vật nuôi, nên dù không đề nghị, bổn phận của họ phải lo, trừ trường hợp bỏ mặc nạn nhân.