Vợ nhờ rửa bát, chồng hất tung mâm khẳng định: "Đàn ông chỉ lo việc lớn" nhưng vài phút sau lại "cun cút" tự đi dọn dẹp
"Em chóng mặt quá mới dắt con về phòng nằm nhờ chồng rửa bát giúp. Không ngờ anh nổi khùng trợn mắt, hất nguyên mâm bát đũa xuống sàn...", người vợ kể lại.
Lấy được chồng tâm lý, biết chia sẻ gánh nặng cuộc sống cùng vợ, với phụ nữ đó là niềm hạnh phúc to lớn. Ngược lại kết hôn với chồng vô tâm xem như cả đời họ chẳng thể tìm thấy niềm vui trong chính cuộc hôn nhân họ chọn.
Cũng vì quá mệt mỏi khi phải sống cạnh chồng vô tâm, một người vợ trẻ đã lên mạng xã hội than thở: "Nhiều lúc vào hội, thấy chị em kể cưới 10 năm, 15 năm rồi mà vợ chồng vẫn yêu nhau thắm thiết, em thấy ngưỡng mộ lắm. Em đây mới kết hôn được 3 năm mà thấy ngao ngán vô cùng.
Nhắc tới chồng em chỉ muốn khóc các chị ạ. Chồng em vô tâm, ích kỷ lắm. Từ ngày cưới tới giờ chưa bao giờ anh ấy nấu được cho em bữa cơm, rửa giúp vợ cái bát hay đơn giản chỉ là cầm chổi quét cái nhà. Anh ấy bảo việc nhà là của đàn bà, đàn ông sinh ra là để lo công to việc lớn ngoài xã hội, chứ đeo tạp dề, cầm rẻ bát thì không đáng mặt đàn ông. Vậy nên việc nhà cửa, con cái đổ hết lên đầu em.
Đi làm về mình em vừa trông con, nấu cơm, dọn nhà tất bật hơn cái máy, chồng thì cứ thản nhiên ngồi xem tivi, chơi điện tử, đợi tới bữa ra ăn. Đến nỗi thi thoảng mẹ chồng em sang chơi, nhìn thái độ của con trai bà không chấp nhận được, mắng anh như tát nước bảo phải biết giúp đỡ, san sẻ việc nhà với vợ mà anh có chịu thay đổi đâu. Thậm chí ngày càng ích kỷ hơn.
Hôm vừa em bị lây cảm cúm từ con gái. Hai mẹ con ốm nằm bẹp một chỗ, thế mà chồng em cũng chẳng quan tâm hỏi han vợ nửa lời. Tới bữa anh cũng không nấu nướng cho vợ, sau em phải tự mò dậy đi chợ nấu đồ ăn. Tối ấy ăn xong, em chóng mặt quá mới dắt con về phòng nằm nhờ chồng rửa bát giúp. Không ngờ anh nổi khùng trợn mắt, hất nguyên mâm bát đũa xuống sàn rồi trợn mắt quát: 'Cô làm vợ cái kiểu gì mà ăn xong lại dám sai chồng rửa bát? Tôi còn phải nói với cô bao nhiêu lần nữa, tôi là đàn ông, chỉ lo việc lớn. Đừng bao giờ bảo tôi làm mấy việc vớ vẩn đó. Ăn không rửa được, tôi đập hết là xong'.
Người em lúc bấy giờ đang sốt hầm hập, đầu óc quay cuồng, đứng chẳng vững nữa nên cũng không muốn đôi co với chồng. May sao, đúng lúc ấy mẹ chồng em sang chơi. Tới cửa, chứng kiến hết hành động của con trai bà giận tím mặt, đẩy mạnh cửa đi vào dúi đầu chồng em xuống bảo: 'Đàn ông chỉ lo chuyện lớn không rửa bát, đeo tạp dề hả con? Vậy anh kể cho tôi nghe từ ngày lấy vợ, anh đã làm được những việc lớn gì cho vợ con anh nào? Anh đi làm, vợ anh cũng đi làm, lương anh kiếm được chưa chắc hơn lương vợ. Vậy mà về nhà anh được ngồi chơi còn vợ thì lai lưng ra hết nấu cơm tới dọn dẹp, chăm con. Công to việc lớn của anh là xem phim, chơi điện tử hả. Như thế mới đáng mặt đàn ông hả con'.
Mẹ chồng em gằn giọng, nghiến răng khiến chồng em im re không dám lên tiếng. Bà nói tiếp: 'Con ạ, muốn làm được việc đại sự thì trước tiên con phải học làm những việc nhỏ trước đi đã. Hơn nữa, dù ra ngoài con có làm ông này ông kia thì về nhà con vẫn là người chồng, người cha trong gia đình. Phải biết chia sẻ những lo toan khó nhọc với vợ. Bởi việc nhà con lo không xong thì làm sao con ra ngoài làm được việc lớn'.
Chồng em cứ nghệt mặt hết nhìn mẹ lại nhìn vợ. Nói xong bà đi vào phòng với em, còn anh lủi thủi đi nhặt mảnh bát đĩa vỡ rồi tự động dọn dẹp. Nhìn chồng em vừa tức vừa buồn cười. Đúng là chỉ mẹ chồng em với trị được cái tính gia trưởng, ích kỷ của anh. Không có bà thì em còn khổ các chị ạ''.
Nhiều người chồng vẫn có lối suy nghĩ cổ hủ rằng đàn ông chỉ có 1 nhiệm vụ là lo kinh tế, hàng tháng đưa đủ tiền cho vợ là được. Còn lại chuyện vun vén nhà cửa, chăm lo con cái là việc của vợ. Chính tư duy cổ hủ, lệch lạc này là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn gia đình. Bởi xã hội ngày nay đổi mới, hiện đại hơn xưa rất nhiều, vị trí của người phụ nữ không chỉ ở trong góc bếp, bên nồi cơm mà họ ngang bằng đàn ông, cũng có sự nghiệp, hoài bão riêng. Họ có độc lập tự chủ, cùng lo kinh tế với chồng đương nhiên họ cũng cần có sự sẻ chia, thấu hiểu từ người bạn đời. Các anh chồng nên nhìn vào thực tế đó để hiểu suy nghĩ, mong muốn của vợ. Có như thế hạnh phúc gia đình mới được bền chặt mãi mãi.