Việt Nam ơi, mau khỏe nhé!

ĐX, (Clip: Hương Ly, Tuấn Tùng),
Chia sẻ

Chúng ta đang trong 1 thời kỳ lịch sử khi "chiến đấu" với dịch COVID-19 để "đòi" lại 1 nhịp sống... bình thường. "Việt Nam ơi, mau khỏe nhé" bởi vẫn có vô số ngọn lửa âm ỉ cháy lên tình đoàn kết, sự tương thân tương trợ, đánh thức niềm tin và dẹp đi sự sợ hãi ngay lúc này.

Việt Nam ơi, mau khỏe nhé! - Ảnh 1.

"Ngày nào tắc đường, mất 2 giờ đồng hồ mới về đến nhà. Chán cái thành phố ngột ngạt này, muốn lên núi quá!", tôi đọc lại dòng tin nhắn cách đây 2 năm trước. Lúc đó Sài Gòn vẫn đông người.

"Ôi chỉ ước được ngủ nướng 1 chút mà không phải đến công ty. Rồi lúc dậy thong thả uống tách cafe và bắt đầu làm việc. Trời mùa hè nóng đến chảy cả mỡ mà phải ra đường thật là ngại quá đi.", cô đồng nghiệp nhắn cũng cách đây lâu lâu. Lúc đó Hà Nội chưa có lệnh giãn cách xã hội để chống dịch như bây giờ.

Còn tôi người có thời gian ngồi kéo dòng thời gian đọc những tin nhắn đã cũ đang cảm thấy khó chịu trong 4 bức tường, ước được lên đồ đi làm, ước được ngồi cafe ngắm phố xá, ước thấy cả dòng người nêm như chen và tiếng còi xe của phố thị ngày nào.

Có 1 Hà Nội và Sài Gòn thật khác...

Sài Gòn 8 giờ tối không một bóng người. Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ sầm uất buổi đêm cũng... im lặng.

Hà Nội, ngã tư trung tâm thương mại Tràng Tiền thông thoáng, khác hẳn với khung cảnh người dân đi lại tấp nập trước đây. Khu vực đài phun nước nơi thường xuyên diễn ra cảnh đông đúc, nhộn nhịp với hàng chục, đến hàng trăm người dừng lại vui chơi, hóng mát vào buổi tối cũng vắng vẻ bất ngờ.

Ước mơ của bạn và tôi ngày ấy đều đã thành hiện thực. Nhưng giờ ai cũng biết trân trọng cái xô bồ, cái ồn ào và cả khoảng thở lẫn trong bụi mịn của thành phố. Mà nói đúng hơn là ước hết dịch Covid-19, được tháo bỏ chiếc khẩu trang và có thể đến bất cứ nơi đâu muốn đến.

Ước được nhìn thấy đồng nghiệp, thấy góc làm việc, thèm quán trà đá quen và góc cafe dịu dàng hôm nào, được gặp những người muốn gặp, được ôm những người muốn ôm. Một cuộc sống bình thường giờ sao quý giá?

Những ngày này, nào là F0 đang ở rất gần xung quanh và có khi ngay trong chính tòa nhà; nào là số ca mắc Covid-19 được đếm chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm rõ rệt. Nhiều câu chuyện đau lòng cũng được kể cho nhau bằng sự ngậm ngùi và lo lắng. Nhưng...

Việt Nam ơi, mau khỏe nhé! - Ảnh 3.

Ấy thế nhưng, ở góc độ nào đó những câu chuyện rất đẹp của tình người lại được nhóm lên. Những ngọn lửa rực sáng của lực lượng tuyến đầu chống dịch từ những "trái tim Đan-cô" đời thực và cả những đốm lửa nhỏ âm ỉ cháy trong từng câu chuyện nhỏ bé mà chứa chan ân tình.

Hơn lúc nào hết, người ta thấy nỗi sợ vẫn phải nép sau 1 tinh thần đoàn kết dân tộc, những người "chiến sĩ thời bình" là các y, bác sĩ, công an, bộ đội... "ra trận" để đấu tranh mang lại bình yên cho cộng đồng.

Nó cũng được giảm đi rất nhiều nhờ sự đùm bọc, tương thân tương ái của con người với con người, dù ngay cả là "lá rách ít đùm lá rách nhiều". Tất cả dường như xác định được lúc này chẳng có nỗi đau nào của riêng ai và lúc này đã là đồng bào thì đều là anh em. Chỉ có cố gắng và vững tin chúng ta mới vượt qua được "trận chiến" này 1 cách kiên cường.

Y, bác sĩ, tình nguyện viên tuyến đầu

Có biết bao nhiêu câu chuyện truyền cảm hứng khiến chúng ta vững tâm hơn mà cùng nhau chiến đấu, đẩy lùi dịch bệnh để thiết lập lại 1 trạng thái bình thường.

Đó là người thầy giáo động viên người vợ y tá nơi tuyến đầu: "Đừng khóc vợ nhé, nước mắt chỉ dành cho ngày chiến thắng. Bởi đất nước này chưa bao giờ có cuộc chia ly".

Là dòng chữ đẩy lùi nghịch cảnh an ủi chính mình, động viên đồng đội của đội tình nguyện viên ở tâm dịch: "Mệt chỉ là cảm giác".

Là tấm áo bảo hộ ghi dòng chữ đầy lạc quan "Biệt đội săn Covid", mà người mặc nó đang dìu đỡ 1 bà cụ trong khu cách ly.

Là chàng bác sĩ trẻ sẵn sàng xuống tóc mà vẫn giữ nguyên nụ cười tỏa nắng để xung phong tới tâm dịch cùng "chiến đấu" với đồng đội mình.

Là cô gái trẻ tếu táo giới thiệu chưa có người yêu qua dòng chữ viết trên áo, biết đâu chống được ế vào mùa dịch lại mang được chút niềm vui cho ai đó trong lúc căng như dây đàn này.

Là anh lính biên phòng sẵn sàng bế 1 bà cụ chuyển từ F1 sang F0 đến bệnh viện điều trị khi thấy cụ yếu, mệt nhiều và không muốn đi. Câu nói ấm áp “Má đừng ngại, cứ ôm lấy con” mà khiến bao người cũng như được tiếp sức.

Là anh chàng bán rau ở Đồng Nai dù nghèo, nhưng vẫn không lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời, vẫn bán rau kiểu vừa bán vừa cho để người nghèo có cái ăn.

Những tấm gương "thường dân".

Là lực lượng dân quân bộ đội ngay lập tức khẩn trương bắt tay xây bệnh viện dã chiến khi có lệnh.

Là chàng trai có mẹ khiếm thị, dù hoàn cảnh của mình không hề dư dả vẫn tình nguyện đi đến tận nhà phát những suất cơm miễn phí cho những người khuyết tật khác vì thấu hiểu những khó khăn của họ từ hoàn cảnh của mẹ mình.

Là 1 bà mẹ dù có con nhỏ nhưng khi chung cư của mình bị phong tỏa thấy đội lao công, bảo vệ chỉ ăn mì gói liền nấu cơm nóng hổi đủ rau, đủ thịt cho tất cả đội miễn phí và khẳng định sẽ nấu cho đến khi chung cư hết phong tỏa.

Là anh chàng F0 xin đi làm lao công, gội đầu cho từng bệnh nhân cho cả khoa điều trị COVID- 19. Từng phải điều trị hồi sức, hơn một tháng qua đã cai thở máy, dù chưa khỏi bệnh nhưng anh chàng này đã tình nguyện giúp đỡ những F0 nặng từ việc vệ sinh, ăn uống, giúp họ gội đầu ngay trên giường bệnh.

Việt Nam ơi, mau khỏe nhé! - Ảnh 4.

F0 nhận gội đầu miễn phí cho bệnh nhân nặng hơn khoa điều trị COVID-19.

Việt Nam ơi, mau khỏe nhé! - Ảnh 5.

Bà mẹ dù có con nhỏ vẫn nấu cơm miễn phí cho tổ lao công, bảo vệ khi chung cư bị phong tỏa để họ không phải ngày nào cũng ăn mì gói.

Việt Nam ơi, mau khỏe nhé! - Ảnh 8.

Một bức tranh do Phạm Lê Yến Nhi - một học sinh lớp 10 trường THPT Hùng Vương tại TP.HCM vẽ gửi đến "Việt Nam ơi mau khỏe nhé" để ủng hộ tinh thần các "dũng sĩ" diệt Covid ở tuyến đầu.

Là các tình nguyện viên, các tài xế không quản hiểm nguy đi giao hàng cho dân trong tâm dịch.

Là người y sĩ già biết tin cần làm tình nguyện viên hỗ trợ y tế cộng đồng là xung phong tham gia ngay. Dòng tin nhắn với cô cháu gái đầy cảm động: "Các bác đã chấp nhận công việc này là chấp nhận hy sinh trên mặt trận không tiếng súng. Tất nhiên phải ráng giữ gìn tối đa để còn đứng vững mà làm nhiệm vụ".

Thế mới thấy, sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu là có thật, sự đùm bọc và tinh thần đồng đội trong mỗi người dân lúc này càng có thật hơn bao giờ hết. Tất cả đều đáng trân quý tuyệt đối.

Việt Nam ơi, mau khỏe nhé! - Ảnh 7.

"Biệt đội nhí xung trận" với clip dễ thương "Việt Nam ơi, mau khỏe nhé!" truyền lửa cho lực lượng tuyến đầu

Tất cả những người lớn dù ở tiền tuyến hay mỗi người dân ở trong từng khu dân cư, mỗi 1 vị trí dù rất nhỏ đang rất nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh. Các em nhỏ đang trong thời kỳ ở nhà tưởng chỉ biết chơi ngoan là giúp người lớn; hóa ra cũng biết tiếp lửa, động viên cho lực lượng tuyến đầu, tiếp thêm niềm tin cho người lớn rằng Việt Nam sẽ sớm khỏe lại.

Trong 1 clip vô cùng đặc biệt, "biệt đội nhí" siêu dễ thương đã gửi đến những lời chúc cực kỳ dễ thương để động viên các y bác sĩ, các lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch.

Ở đó có các em bé ở các độ tuổi, các vùng miền khác nhau trên cả nước từ TP.HCM, Hà Nội, Phú Yên, Bắc Ninh..., thậm chí cả những em bé nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.

Clip này đã ghi lại lời cảm ơn của những em nhỏ đến những "anh hùng thời bình" đang đối mặt với nguy hiểm bảo vệ cộng đồng chống lại đại dịch.

Việt Nam ơi, mau khỏe nhé!

Từ cậu nhóc 3 tuổi, con của "hot mom" Hằng Túi, còn ngọng líu ngọng lô "Chúc các bác sĩ mạnh khỏe, chúc các bác sĩ thắng Corona”, cho đến các bé lớn hơn vẽ tranh, làm biểu tượng trái tim đầy kính yêu, đều truyền tải tình cảm tới lực lượng tuyến đầu theo những cách khác nhau.

Có những bé người nước ngoài nói tiếng Việt chưa sõi nhưng tình yêu, sự kính trọng tới lực lượng tuyến đầu thì các bé vẫn truyền tải trọn vẹn.

Những lời chúc, lời động viên chỉ là sự đóng góp về tinh thần, nhưng hy vọng sẽ giúp cho lực lượng tuyến đầu cảm thấy được tiếp sức để "Việt Nam ơi, mau khỏe nhé!".

Việt Nam ơi, mau khỏe nhé! - Ảnh 9.

Xin được cảm ơn, xin được gửi lời tri ân, gửi cái ôm từ xa tới đội ngũ y tế tuyến đầu, mong mọi người thấy rằng không có ai đang phải chiến đấu 1 mình cả.

Xin được gửi lời cảm ơn đến từng con người bình dị không bao giờ từ bỏ, không bao giờ thôi nỗ lực hay mất niềm tin và càng không bao giờ coi mình là người đứng ngoài cuộc.

Việt Nam ơi, mau khỏe nhé!

Việt Nam ơi, mau khỏe nhé! - Ảnh 10.


Chia sẻ