Viện Phó Pháp y Tâm thần: Từ chối tiếp tay sai phạm, cả nhà bị dọa 'rửa mặt bằng axit'

Thảo Đan - Đăng Khoa/VTC News,
Chia sẻ

Viện phó Viện Pháp y Tâm thần Trung ương kể từng bị các đối tượng phạm tội gửi thư nặc danh dọa tạt axit cả nhà sau khi không thể mua chuộc ông.

Cách đây vài năm, BSCKII, Thầy thuốc Ưu tú Phan Kim Thìn, Phó Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương nhận được lá thư nặc danh. Dòng chữ nguệch ngoạc trong thư khiến ông lo lắng: “Tôi biết nhà ông ở đâu, không cẩn thận sáng mai, vợ chồng, con cái rửa mặt bằng axit”.

Lời đe dọa ấy xuất phát từ đối tượng từng nằm trong diện giám định tâm thần, có tiền án và biểu hiện hành vi bất thường. Trước đó, ông Thìn kiên quyết từ chối “giúp đỡ” khi người này tìm cách tiếp cận để tác động vào kết luận giám định. Bất thành, họ chuyển sang đe dọa, tấn công tinh thần.

Từng công tác tại Phân viện Pháp y tâm thần miền Trung, ông Thìn nhiều lần đối mặt với các chiêu trò mua chuộc tinh vi. Những nguy cơ rình rập khiến ông phải trang bị cả dùi cui điện phòng thân mỗi lần di chuyển đến cơ sở điều trị.

“Người làm giám định tâm thần phải chịu áp lực kép - vừa chuyên môn, vừa đạo đức. Không chỉ khó phân định giữa thật và giả bệnh, mà còn phải đủ bản lĩnh để nói 'không' với cám dỗ”, ông chia sẻ.

Viện Phó Pháp y Tâm thần: Từ chối tiếp tay sai phạm, cả nhà bị dọa 'rửa mặt bằng axit' - Ảnh 1.

BSCKII Phan Kim Thìn, Phó Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương. (Ảnh: Hữu Dánh)

Theo ông Thìn, vụ án 36 cán bộ bị khởi tố tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương là hậu quả tất yếu khi hệ thống kiểm soát bị buông lỏng, trong khi các đối tượng phạm tội ngày càng xảo quyệt, có tổ chức. “Chúng không tấn công ồ ạt mà tiếp cận từ từ, từng người, từng khâu. Nếu cán bộ không đủ bản lĩnh và không được bảo vệ, rất dễ ngã gục”, ông nói.

Một trong những điểm yếu hiện nay là đội ngũ bác sĩ giám định vốn chỉ được đào tạo chuyên môn y khoa, lại phải đảm nhiệm cả nhiệm vụ điều trị bắt buộc cho tội phạm tâm thần, trong khi thiếu lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh. Công an chỉ xuất hiện ở một số khu vực nhất định, không thể kiểm soát toàn diện khu điều trị và giám định.

“Khi bệnh nhân là tội phạm, họ có thể đóng kịch rất khéo. Họ cũng không ngần ngại đe dọa, lật lọng hồ sơ, lợi dụng mọi kẽ hở để trốn tội hoặc nhờ người bên ngoài can thiệp”, ông Thìn phân tích.

Để chấm dứt vòng lặp mua chuộc - tiếp tay - sai phạm, theo ông cần đồng thời làm ba việc. Một là tuyển chọn, bổ nhiệm người làm giám định dựa trên tiêu chí về năng lực chuyên môn và bản lĩnh chính trị. Hai là thành lập lực lượng chuyên trách có huấn luyện, công cụ hỗ trợ để bảo vệ khu điều trị và giám định. Ba là bịt kín các lỗ hổng pháp lý mà đối tượng có thể lợi dụng để “móc nối” cán bộ trong viện.

“Nếu không có hàng rào bảo vệ đủ mạnh, người làm nghề như chúng tôi rất dễ trở thành miếng mồi trong tay những kẻ từng phạm tội và sẵn sàng làm mọi cách để tiếp tục thoát tội”, ông Thìn nói.

Trước đó, chiều 23/6, Công an TP Hà Nội công bố vụ án liên quan tới 36 lãnh đạo, cán bộ Viện Pháp y tâm thần Trung ương bị khởi tố do nhận hối lộ, tổ chức sử dụng ma túy, môi giới hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn. Trong số này có Viện trưởng Trần Văn Trường và Phó viện trưởng Lâm Văn Thành.

Cơ quan điều tra xác định từ năm 2016, Nguyễn Thị Mai Anh – đối tượng phạm nhiều tội danh và đang trong diện bắt buộc chữa bệnh, cấu kết với nhiều cán bộ trong viện để "chạy" kết luận tâm thần cho bản thân và các bị can khác, qua đó thoát tội. Mai Anh cùng chồng nhiều lần hối lộ để được ra ngoài, sử dụng ma túy, đi du lịch, thậm chí mời cả nhân viên viện đi cùng.

Mai Anh còn đóng vai trò trung gian, nhận tiền từ gia đình các bị can để dàn xếp kết luận giám định tâm thần sai lệch, giúp nhiều người thoát truy cứu hình sự, hưởng lợi hàng tỷ đồng. Đổi lại, các cán bộ nhận tiền để viết sai tình trạng bệnh, làm sai lệch hồ sơ giám định.

Viện Phó Pháp y Tâm thần: Từ chối tiếp tay sai phạm, cả nhà bị dọa 'rửa mặt bằng axit' - Ảnh 2.

Vợ chồng bị can Lê Văn Đông, Nguyễn Thị Mai Anh. (Ảnh: CACC)

Viện trưởng VKSND TP Hà Nội nhận định đây là vụ thao túng cả hệ thống giám định pháp y tâm thần, biến nơi bắt buộc chữa bệnh thành nơi ăn chơi như khách sạn hạng sang. Nguyên nhân là do những kẽ hở trong quy trình giám định và sự thông đồng giữa các bên.

Mở rộng vụ án chạy kết luận tâm thần, đưa hối lộ, xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Tất Thành (SN 1967, trú tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc), Lục Thị Thanh Bình (SN 1973, Phó Giám đốc Trung tâm) và Lại Thành Trung (SN 1979, Phó Trưởng khoa cận lâm sàng, giám định viên của Trung tâm này) về tội Nhận hối lộ.

Chia sẻ