Vì sao Thủ tướng Liz Truss trở thành người cầm quyền ngắn nhất lịch sử Anh?
Vì sao Thủ tướng Anh Liz Truss từ chức và ai là những ứng cử viên có thể thay thế bà Truss.
Thủ tướng Anh Liz Truss hôm qua (20/10) đã tuyên bố từ chức, chỉ sau 45 ngày đảm nhiệm chức vụ, trở thành vị Thủ tướng tại vị trong thời gian ngắn nhất trong lịch sử Vương quốc Anh. Bà thừa nhận không thể thực hiện những lời hứa khi tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ và đã đánh mất sự tín nhiệm của đảng này dành cho bà.
Chỉ trong sáu tuần, các chính sách kinh tế của bà Liz Truss đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, khiến Ngân hàng Trung ương Anh phải lập tức can thiệp. Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch trong chính sách này cũng đã bị đảo ngược. Chính trường Anh trong những ngày tới sẽ ra sao? Những ứng cử viên nào có thể được lựa chọn để thay thế bà Liz Truss?
Nguyên nhân chính khiến bà Truss ra đi
Quyết định từ chức của Thủ tướng Anh Liz Truss không có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ của bà đã trải qua những ngày sóng gió.
Nguyên nhân lớn nhất khiến Nữ Thủ tướng Anh, bà Liz Truss buộc phải từ chức chỉ sau 45 ngày cầm quyền là chính sách kinh tế sai lầm. Cuối tháng 09/2022, sau khi tổ chức tang lễ cho Nữ hoàng Anh Elizabeth II, chính phủ của bà Liz Truss công bố một loạt các thay đổi lớn về chính sách thuế, trong đó có việc cắt giảm một loạt các mức thuế dành cho những người có thu nhập cao nhưng lại không công bố rõ ràng về việc sẽ bù đắp cho các khoản thiếu hụt trong phần thu ngân sách lên đến vài chục tỷ bảng này bằng cách nào.
Bà Liz Truss và Bộ trưởng Tài chính Anh khi đó, ông Kwasi Kwarteng đã bảo vệ chính sách được gọi là mini-budget (ngân sách nhỏ) này bằng lập luận rằng nước Anh cần phải dành ưu tiên cao nhất cho tăng trưởng và việc cắt giảm thuế rất ưu đãi với tầng lớp thu nhập cao là một biện pháp kích thích tăng trưởng. Đây là một quan điểm từng được bà Liz Truss thể hiện trong chiến dịch tranh cử chức lãnh đạo đảng Bảo thủ mùa Hè, khi bà từng công khai tuyên bố sẽ không ưu tiên phân phối thu nhập bình đẳng, đồng thời sẵn sàng gia tăng nợ công bằng cách đi vay để đầu tư công, đẩy mạnh tăng trưởng.
Ngay khi đó rất nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích rằng, việc bà Liz Truss chủ trương ưu đãi người giàu hơn người nghèo trong bối cảnh nước Anh đang trải qua thời kỳ lạm phát cao nhất trong 40 năm, với rất nhiều hộ gia đình bình dân phải chật vật trả hoá đơn năng lượng và thực phẩm, là rất khó chấp nhận về mặt chính trị và đạo đức. Về mặt kinh tế, việc cắt giảm thuế ồ ạt, gia tăng đi vay sẽ chỉ khiến thâm hụt ngân sách và nợ công của Anh tăng đến ngưỡng nguy hiểm, gây tác động tiêu cực về vĩ mô.
Trên thực tế, thị trường tài chính Anh đã lập tức phản ứng gay gắt theo đúng lo ngại đó. Đồng bảng Anh sụt giảm kỷ lục so với đồng đô la Mỹ, đồng thời lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm, tức khoản lãi suất đi vay của Anh cũng tăng mạnh. Sự hỗn loạn trên thị trường tài chính đã buộc Ngân hàng Anh quốc chi hàng chục tỷ bảng để can thiệp, đồng thời Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như các tổ chức đánh giá tín nhiệm tín dụng cũng đưa ra các nhận xét rất tiêu cực với chính sách của chính phủ Anh. Đây được xem là một sự hổ thẹn đối với một cường quốc kinh tế-tài chính hàng đầu thế giới như Anh, mà như nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, chính phủ Anh điều hành kinh tế như thể là chính phủ Argentina thời kỳ vỡ nợ.
Trước sức ép rất lớn của thị trường và dư luận, bà Liz Truss tuần trước đã phải sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và đến đầu tuần này, đã phải chấp nhận để tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt công bố các biện pháp đảo ngược gần như toàn bộ các chính sách mà bà Liz Truss đưa ra trước đó. Bà Liz Truss sau đó đã phải công khai xin lỗi vì lựa chọn chính sách sai lầm. Uy tín của bà Liz Truss những ngày qua sụt giảm nghiêm trọng trong cả dư luận Anh lẫn nội bộ đảng Bảo thủ. Hầu hết đều cho rằng bà Liz Truss không còn đủ năng lực lãnh đạo.
Đảng Bảo thủ đã công khai thảo luận việc phế truất bà Liz Truss và rất nhiều nghị sĩ đảng này đã kêu gọi bà từ chức. Đến chiều 19/10, sự kiện “giọt nước tràn ly” là Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman, một trong ba Bộ chủ chốt của chính phủ, từ chức và công khai chỉ trích tư cách lãnh đạo của bà Liz Truss. Ngoài ra, chính phủ của bà Liz Truss còn bị cáo buộc là đã gây sức ép, đe doạ để buộc các nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ một dự luật về khai thác dầu đá phiến. Trước sức ép quá lớn từ mọi
Về tổng thể, nguyên nhân trực tiếp lớn nhất khiến bà Liz Truss phải ra đi sau 45 ngày là sai lầm về chính sách kinh tế nhưng về sâu xa, đó là do đảng Bảo thủ không còn bất kỳ niềm tin nào vào năng lực lãnh đạo, năng lực xử lý khủng hoảng của bà Liz Truss. Tại các phiên chất vấn nóng bỏng ở Hạ viện Anh những ngày qua, bà Liz Truss nhiều lần ngồi im để tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt và thậm chí là cựu đối thủ trong đảng là bà Penny Mordaunt giải trình thay mình, khiến báo chí Anh gọi bà là “Thủ tướng có Văn phòng, nhưng không có quyền lực”.
Ứng viên tiềm năng
Sau quyết định từ chức của Thủ tướng Liz Truss, Công đảng đối lập yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử sớm, trong khi Ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ Anh thông báo việc bầu chọn người thay thế bà Liz Truss làm Chủ tịch đảng Bảo thủ và Thủ tướng mới sẽ phải hoàn tất trước ngày 28/10.
Việc nước Anh phải lựa chọn Thủ tướng thứ 3 trong vòng 8 tuần là một thực tế cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Các cuộc thăm dò dư luận hay phân tích của các chuyên gia chính trị Anh hiện nay đều cho rằng nếu tổ chức tổng tuyển cử ngay vào thời điểm này, đảng Bảo thủ Anh sẽ thất bại thê thảm trước Công đảng. Hiện Công đảng đang dẫn trước đảng Bảo thủ khoảng 20 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận và nếu xu hướng hiện nay tiếp tục cho đến năm 2024, đảng Bảo thủ không chỉ bị hạ bệ mà thậm chí còn có nguy cơ không thể trở thành đảng đối lập chính tại Anh. Chính vì thế, hiện hầu hết các đảng đối lập tại Anh cũng như nhiều tổ chức xã hội, công đoàn… đều kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.
Tuy nhiên, đảng Bảo thủ cũng hiểu rất rõ rằng nếu chấp nhận tổng tuyển cử vào thời điểm này, đảng này sẽ gần như bị xoá tên trên bản đồ chính trị Anh. Vì thế, ban lãnh đạo đảng Bảo thủ đang gấp rút hoàn tất việc lựa chọn một lãnh đạo mới thay bà Liz Truss trong vòng 1 tuần, thay vì kéo dài cả 2 tháng như trước kia.
Nhiều chính trị gia đảng Bảo thủ công khai thừa nhận rằng nếu đợt bầu cử tới vẫn gây ra hỗn loạn thì sự tồn tại của đảng Bảo thủ thậm chí sẽ bị đe doạ. Về mặt nguyên tắc, do đảng Bảo thủ đã được lựa chọn là đảng cầm quyền trong vòng 5 năm sau cuộc tổng tuyển cử 2019 nên đảng này vẫn sẽ có quyền lựa chọn lãnh đạo mới lên làm Thủ tướng Anh, bất chấp các ý kiến chỉ trích rằng đây là một tiến trình phi dân chủ khi Thủ tướng mới của Anh lại chỉ do khoảng 170.000 đảng viên đảng Bảo thủ, tức chưa tới 2% cử tri Anh, bầu ra. Do đó, nếu muốn tổng tuyển cử sớm, các đảng đối lập sẽ phải chờ chính phủ mới tại Anh được lập ra, sau đó bỏ phiếu bất tín nhiệm để hạ bệ chính phủ này. Tuy nhiên, hiện đảng Bảo thủ vẫn chiếm đa số tại Hạ viện Anh với 357 ghế nên khả năng này cũng không cao.
Hiện có 3 ứng cử viên (ƯCV) được coi là sáng giá nhất thay bà Liz Truss, bao gồm ông Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ ông Boris Johnson và là người thua bà Liz Truss trong cuộc bỏ phiếu đầu tháng 09/2022. Lợi thế lớn của ông Rishi Sunak là được sự ủng hộ cao nhất từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ và sau đợt khủng hoảng này, các phân tích về chính sách kinh tế của ông Rishi Sunak cũng như việc ông cảnh báo các hậu quả thảm hoạ từ chính sách của bà Liz Truss đã được chứng minh là chính xác. Vì thế, trong bối cảnh nước Anh đối mặt khủng hoảng kinh tế, ông Rishi Sunak sẽ là ƯCV nặng ký.
Tuy nhiên, bất lợi với ông Rishi Sunak là việc lựa chọn lãnh đạo đảng Bảo thủ có thể sẽ được quyết định bởi lá phiếu của khoảng 170 ngàn đảng viên đảng Bảo thủ vốn mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và đa số lại không ủng hộ ông Sunak vì cho rằng ông Rishi Sunak đã “phản bội” ông Boris Johnson hay có gốc gác nhập cư. ƯCV lớn thứ hai là bà Penny Mordaunt, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh và là người được nhiều phe trong đảng Bảo thủ đánh giá cao.
Nếu đủ điều kiện là có đủ 100 phiếu đề cử và vượt qua được vòng bỏ phiếu của các nghị sĩ đảng Bảo thủ thì bà Penny Mordaunt thậm chí có cơ hội chiến thắng lớn hơn ông Rishi Sunak khi ra vòng bỏ phiếu của các đảng viên. Ngoài ông Rishi Sunak và bà Penny Mordaunt, các ƯCV tiềm năng khác có thể là đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace hay đương kim Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt. Ưu tiên lớn nhất hiện nay của đảng Bảo thủ là chọn ra lãnh đạo nhanh nhất có thể để chấm dứt sự hỗn loạn. Sớm nhất nước Anh có thể có Thủ tướng mới trong ngày 24/10 và chậm nhất là 28/10.
Thách thức với chính phủ mới
Việc chính trường Anh chao đảo lần thứ 2 trong năm nay trong bối cảnh các chỉ số kinh tế ở mức báo động không chỉ là bất lợi với nước Anh mà có nguy cơ ảnh hưởng đến châu Âu.
Bất kỳ ai lên làm Thủ tướng mới tại Anh cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn chưa từng có về mặt đối nội và đối ngoại. Bức tranh kinh tế tại Anh hiện đang ở mức báo động. Cách đây 2 ngày, tỷ lệ lạm phát tại Anh trong tháng 9/2022 được công bố là 10,1%, cao nhất trong vòng 40 năm và được dự báo có thể cao trên 13% vào cuối năm nay. Sau 45 ngày cầm quyền của bà Liz Truss, nước Anh giờ đây đang trong tình trạng đồng bảng Anh yếu hơn, lãi suất đi vay cao hơn, bài toán khủng hoảng năng lượng chưa có lời giải và nguy cơ suy thoái cận kề. Giá năng lượng, thực phẩm tăng cao đang đe doạ sự ổn định xã hội tại Anh.
Đầu tuần này, Trussell Trust, Ngân hàng thực phẩm từ thiện lớn nhất nước Anh đã lần đầu tiên phải phát đi lời kêu gọi toàn quốc do lo ngại nước Anh phải đối mặt với một nạn đói lớn trong mùa Đông này, khi nhiều hộ gia đình không còn đủ năng lực tài chính để ứng phó với hoá đơn năng lượng và giá thực phẩm tăng cao. Dự kiến sẽ có đến nửa triệu hộ gia đình với trẻ nhỏ tại Anh đối mặt với nạn đói trong những tháng tới và Trussell Trust cho biết sẽ phải phát 1,3 triệu bữa ăn từ thiện trong vòng 6 tháng tới.
Về mặt chính trị, việc liên tiếp thay đến 4 đời Thủ tướng trong 7 năm qua đã khiến nội bộ đảng Bảo thủ chia rẽ nghiêm trọng và Thủ tướng mới sẽ khó có thể hàn gắn được các bất đồng này. Trên thực tế, đảng Bảo thủ giờ đây không còn đủ năng lực đoàn kết nội bộ và chỉ đang cố gắng níu giữ quyền lực cho đến năm 2024, mà nói nhận xét của nhiều nhà phân tích chính trị tại Anh thì toàn bộ nước Anh giống như đang bị hơn 350 nghị sĩ đảng Bảo thủ bắt giữ làm “con tin”.
Cuối cùng, thách thức lớn nữa là về đối ngoại, gồm 3 chủ đề chính: việc ứng phó với xung đột Nga-Ukraine, giải quyết vướng mắc hậu Brexit với EU và thắt chặt quan hệ với Mỹ. Trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi, bà Liz Truss vẫn giữ quan điểm ủng hộ Ukraine và chống Nga rất mạnh mẽ nhưng lại chưa xây dựng được quan hệ thân cận với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và thậm chí chưa kịp đối thoại nghiêm túc với EU để giải quyết vấn đề Bắc Ireland trong thoả thuận Brexit./.