Vì sao Omicron khiến nhiều trẻ em mắc COVID-19 hơn các biến thể trước?
Chứng kiến số ca mắc COVID-19 của trẻ em tăng đáng kể trong đợt bùng dịch do biến thể Omicron, các nhà khoa học đã chỉ ra những nguyên nhân, lý giải hiện tượng này.
Omicron không phải là điểm kết thúc của COVID-19
Tổ chức Y tế thế giới vừa đưa ra cảnh báo rằng, Omicron không phải là điểm kết thúc của COVID-19, thực tế là làn sóng dịch bệnh đang tấn công trẻ em. Trong bối cảnh biến thể Omicron có tốc độ lây lan mạnh nhưng không gây triệu chứng nặng, do vậy một số nước đã quyết định mở cửa, tiến gần đến giai đoạn bình thường. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra cảnh báo rằng, Omicron không phải là điểm kết thúc của COVID-19. Thực tế là một làn sóng dịch bệnh đang tấn công vào đối tượng trẻ em, nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất do tỷ lệ bao phủ vaccine còn thấp.
Tại Mỹ, hơn 4,6 triệu trẻ em đã được báo cáo mắc COVID-19 kể từ đầu năm nay. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trẻ em dưới 5 tuổi mắc Omicron có tỷ lệ nhập viện cao gấp hơn 5 lần so với biến thể Delta. Tại Thái Lan, hơn 80% số giường dành cho bệnh nhi hiện cũng đã được sử dụng do số ca mắc COVID-19 ở trẻ tăng vọt. Malaysia cũng có số ca trẻ em dưới 12 tuổi mắc COVID-19 tăng gấp rưỡi chỉ sau 1 tuần. Nước này thậm chí đã ghi nhận 3 ca tử vong do COVID-19 liên quan đến trẻ em dưới 12 tuổi.
Theo giáo sư Dale Fisher, chuyên gia cao cấp về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, biến thể Omicron có khả năng chống lại phản ứng miễn dịch tự nhiên của trẻ em tốt hơn các biến thể trước.
Nếu như biến thể Delta chủ yếu tấn công vào phổi của người bệnh, thì biến thể Omicron có xu hướng ảnh hưởng đến hệ hô hấp trên của người mắc. Đường hô hấp trên và đường mũi ở trẻ em nhỏ hơn ở người lớn, do vậy nguy cơ mắc các triệu chứng bệnh lớn hơn. Những triệu chứng này có thể biến chứng thành hen suyễn hoặc viêm phổi do viêm và tắc nghẽn niêm mạc. Tuy nhiên các chuyên gia trấn an, biến thể Omicron dường như không gây các triệu chứng nặng ở trẻ.
Ảnh: STRAITS TIMES
Bác sĩ James Schneider - Trung tâm Y tế Nhi Cohen, New York, Mỹ cho rằng: Các thống kê trong nước Mỹ và nhiều nước khác đều cho thấy Omicron dường như không gây các triệu chứng nặng hơn so với các biến thể trước đó, tuy nhiên mức độ lây lan thì đáng lo ngại. Ở bệnh viện tại New York, chúng tôi chứng kiến số ca nhập viện của trẻ mắc COVID tăng gấp 4 đến 5 lần chỉ trong 2 tuần qua.
Nguyên nhân tiếp theo được cho là do tỷ lệ bao phủ vaccine ở trẻ em chưa cao. Nếu như người lớn đã được tiêm từ nhiều tháng trước, thì một số nhóm trẻ vẫn chưa được tiêm một mũi phòng COVID nào. Chưa có tấm khiên vaccine, cùng với đó các trường học mở cửa trở lại khiến tỷ lệ lây nhiễm gia tăng. Hiện nay trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm chưa được tiêm vaccine và dễ bị tổn thương nhất, dễ bị lây nhiễm dịch bệnh nhất trong cộng đồng. Điều duy nhất chúng ta có thể làm để bảo vệ con trẻ là hãy tiêm vaccine. Đây là trách nhiệm đối với từng gia đình và cả cộng đồng".
Nhiều nước tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên
Trong bối cảnh biến chủng Omicron bùng phát, vaccine được coi là tấm lá chắn hữu hiệu để bảo vệ trẻ nhỏ trước nguy cơ mắc COVID và trở nặng. Ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hoặc đang có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi để ngăn ngừa virus lây lan. Dù ban đầu mức độ sẵn sàng cho con nhỏ đi tiêm chủng của các bậc cha mẹ chưa cao, nhưng khi dịch diễn biến phức tạp nhiều phụ huynh đã gấp rút đưa con đi tiêm chủng.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), chính quyền thành phố chấp thuận cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc từ ngày 15/2, trong khi những trẻ em từ 5 tuổi trở lên có thể tiêm vaccine BioNTech. Các bậc phụ huynh đang ráo riết cho con trẻ đi tiêm.
Anh Joe WONG - Phụ huynh tại Hong Kong (Trung Quốc): "Tôi nhận thấy đại dịch đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Chứng kiến một đứa trẻ đã không may qua đời sau khi mắc COVID-19, tất cả chúng tôi đều lo sợ. Tôi hy vọng con bé sẽ được bảo vệ nhiều hơn sau khi chủng ngừa".
Singapore tháng 12 năm ngoái cũng đã phê duyệt vaccine COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Ngày 19/1, HSA cho biết không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào liên quan tới vaccine COVID-19 trong chiến dịch tiêm chủng.
Nhật Bản kể từ tháng 2 cũng ráo riết chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Nước này chỉ sử dụng vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em, liều lượng như chỉ dẫn của nhà sản xuất.
Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer cho trẻ dưới 12 tuổi từ tháng 10 năm ngoái. Tính đến đầu tháng 2, hơn 8 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine này.
Giống với Mỹ, Israel là một trong những quốc gia triển khai sớm chương trình tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Quốc gia phê duyệt khẩn cấp vaccine Pfizer ngày 15/11. Đến tháng 1, Bộ Y tế Israel quyết định tiêm thêm liều tăng cường cho nhóm tuổi này.
Vương quốc Anh bước chậm rãi hơn trong chương trình vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi do lo ngại các tác dụng phụ. Nước này chưa có kế hoạch tiêm chủng đại trà như nhiều quốc gia khác. Đứa trẻ nào trong nhóm có nguy cơ lâm sàng, dễ chuyển nặng sau mắc COVID-19, bị ức chế miễn dịch mới đủ điều kiện tiêm vaccine.
Tiến sĩ Weana Wen - Trường đại học George Washington (Mỹ): "Nếu trẻ chưa được tiêm thì tốt nhất những người đủ điều kiện tiêm như cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh trẻ phải được tiêm để giúp trẻ được bảo vệ tốt hơn".
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, người lớn cần có các biện pháp phòng tránh khác như đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài, tiêm phòng cúm đầy đủ, tránh đưa trẻ đến nơi có nguy cơ lây nhiễm… Đây là biện pháp bảo vệ sức khỏe của trẻ em nói chung trong mùa dịch, bao gồm cả đối tượng chưa tiêm vaccine.