Vì sao có người ăn nhiều loại thực phẩm nhưng không mập?

Thu Hiến,
Chia sẻ

Nhiều người cho biết mặc dù mình đã ăn nhiều loại thực phẩm nhưng không lên cân được, khiến họ tự ti với cơ thể của mình. Ngược lại, nhiều người cảm nhận chỉ cần "hít không khí" cũng mập. Vậy lý do tại sao?

Vì sao có người ăn nhiều loại thực phẩm nhưng không mập? - Ảnh 1.

Nhiều người cho biết mặc dù đã cố gắng ăn nhiều nhưng cơ thể vẫn mãi không thể mập được - Ảnh: THU HIẾN

"Quan trọng nhất là chuyển hóa"

Chị T.T. (23 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết mặc dù với chiều cao 164cm nhưng cân nặng chỉ 37kg.

"Mọi người thấy người tôi gầy thường hay thắc mắc và trêu chọc khiến tôi rất tự ti. Thế nhưng, tôi ăn nhiều nhưng không mập được, cảm thấy cơ thể không thể lên cân được. Đôi lúc cố gắng tăng khẩu phần ăn hoặc ăn nhiều bữa trong ngày nhưng chỉ lên được 1-2kg, thời gian sau thì số cân nặng lại quay về như lúc đầu", chị T. nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Trần Quốc Cường - phó trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho biết có nhiều lý do khác nhau gây ra tình trạng ăn nhiều nhưng không mập như: do yếu tố di truyền từ gia đình, chuyển hóa cơ bản, có thể người đó mắc các bệnh lý về tiêu hóa…

Nhưng lý do quan trọng nhất vẫn là chuyển hóa cơ bản.

Chuyển hóa cơ bản là nhu cầu tiêu thụ năng lượng tối thiểu, trung bình đối với nam từ 1.200-1.400 calo, nữ khoảng 1.000-1.200 calo. Nếu chuyển hóa cơ bản của mỗi người cao, năng lượng sử dụng nhiều sẽ ít bị mập. Ngược lại, chuyển hóa cơ bản thấp, năng lượng nạp vào sẽ dễ bị mập.

"Chuyển hóa cơ bản phụ thuộc vào khối cơ (cơ bắp), khối cơ ít chuyển hóa cơ bản ít. Nhiều người mặc dù rất đô con nhưng chưa chắc khối cơ nhiều, chuyển hóa cơ bản thấp dẫn đến ăn vô rất dễ mập", bác sĩ Cường cho hay.

Theo bác sĩ Cường, thời điểm ăn cũng rất quan trọng, nếu ăn sau thời điểm không hoạt động (ăn khuya, ăn đêm) dễ bị tích tụ năng lượng, không tiêu hao được sẽ lên cân nhanh. Hoặc nhiều trường hợp ăn nhiều nhưng không mập là ăn uống không hợp lý như: ăn không đúng bữa, ăn không đủ chất, ăn vặt…

Một số người mắc các bệnh lý về tiêu hóa như: đái tháo đường, cường giáp, bệnh lý về dạ dày, ung thư… cũng có thể có biểu hiện ăn không mập. Tuy nhiên số này rất ít, thường sẽ có biểu hiện bệnh lý.

Làm gì khi quá gầy?

Bác sĩ Cường cho biết khi cảm thấy cơ thể mình không thể lên cân được thì nên đến các bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn ăn uống, tập luyện đúng.

Nếu không có chế độ tập luyện kết hợp dinh dưỡng đúng, chỉ ngồi nhà ăn để tăng cân, sử dụng nhiều thực phẩm chứa dầu, mỡ… cũng có thể tăng cân được nhưng cơ thể lại không khỏe.

"Khi thăm khám, các bác sĩ, chuyên gia sẽ hướng dẫn người bệnh chế độ ăn, hoạt động thể lực phù hợp để tăng cơ. Đặc biệt là sử dụng sữa, bổ sung canxi để tăng khối khoáng cho cơ thể. Người muốn tăng cân phải tập thể dục và bổ sung khoáng chất", bác sĩ Cường nhấn mạnh.

Bác sĩ Cường cũng lưu ý thêm hiện nay rất nhiều bạn trẻ thấy người ốm nên đến các phòng gym tập (chủ yếu là học sinh, sinh viên, người trẻ…), sau đó mua các sữa bột tăng cơ hoặc ăn nhiều thịt để tăng nhanh khối lượng cơ bắp.

Tuy nhiên, điều này thực sự không cần thiết, thường chất đạm nạp vào cơ thể của người bình thường (không phải là vận động viên) thông qua thực phẩm ăn vào hằng ngày đã đủ. Nếu lạm dụng chúng có thể làm tăng acid uric, dẫn đến bệnh gout rất khó điều trị, việc sử dụng sản phẩm bổ sung phải có sự tư vấn của bác sĩ.

Ngược lại, đối với những người dễ mập, khuyến khích tập thể dục thể thao, ăn ít vào các buổi chiều, tối, bổ sung thêm nhiều rau và trái cây để hạn chế sự hấp thụ.

Chia sẻ