Vào thả nhẹ một bình luận an ủi các em 2k3 thi trượt nhưng câu tiếp theo của "tiền bối" nhận về cơn bão tranh cãi

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Đông đảo cư dân mạng đã tham gia vào cuộc tranh luận với đủ các ý kiến trái chiều.

Thế là mùa tuyển sinh đại học 2021 đầy sóng gió của lứa 2k3 gần như đã hoàn thành. Điểm chuẩn hầu hết đã công bố, niềm vui vỡ òa đồng hành cùng nước mắt buồn tủi. Trong đó, có cả những giọt nước mắt tức tưởi vì điểm thi khá cao, 26, 27 điểm nhưng cuối cùng vẫn không đậu nổi 1 nguyện vọng nào. Dự đoán điểm chuẩn tăng, nhất là ở các khối xét tuyển có môn Tiếng Anh, nhưng nhiều giáo viên, thí sinh không khỏi ngỡ ngàng khi mức trúng tuyển một số ngành tăng tới 8, 9 điểm. "Lạm phát" điểm chuẩn khiến nhiều thí sinh trượt đại học trong sự ngỡ ngàng, tuyệt vọng.

Chuyện điểm quá cao nhưng trượt quá nhiều cũng là nguyên nhân nảy sinh một vấn đề gây tranh cãi dữ dội, khi một "tiền bối" trong khi bình luận an ủi các em 2k3 "Thương các em sinh nhầm thời" bỗng "thòng" thêm một câu so sánh: "Chứ vào thời của bọn anh thì chắc gì em đã được... 15 điểm".

Vào thả nhẹ một bình luận an ủi các em 2k3 thi trượt nhưng câu tiếp theo của "tiền bối" nhận về hàng ngàn tranh cãi - Ảnh 1.

Câu chuyện thi cử "thời xưa thời nay" vốn hay được đem lên bàn cân, nay được khơi mào liền nhận về cơn bão tranh luận. Người cho rằng mọi so sánh chỉ là khập khiễng. Bởi thế hệ khác nhau, cách giáo dục khác nhau, môi trường khác nhau, đề thi khác nhau, cách tính điểm và xét tuyển khác nhau... không ai tổ chức cho học sinh thời nay thi đề thời xưa để có cơ sở phân cao thấp cả: "Nếu thế hệ sau không bằng thế hệ trước thì chứng tỏ đất nước đang thụt lùi, phải vui vì thế hệ sau thành tích cao hơn thế hệ trước mới đúng. Đừng cứ mang cái ngày xưa ra để hạ thấp sự cố gắng, nỗ lực của tụi nhỏ, tội chúng nó".

Ý kiến khác thì nhận định, dù bình luận trên có hơi tiêu cực và chưa công bằng với thế hệ sau nhưng phải nói phổ điểm ngày nay tăng khá cao, mức điểm phổ biến ngày trước dao động từ 15-18 là nhiều: "Đề ngày xưa nữa đúng là khó thật, thế hệ trước mà được trên 18 là tha hồ chọn trường rồi. Còn bây giờ thời thế thay đổi, nhìn những con điểm 27-28 tự dưng thấy hơi nhói lòng. Tôi rất thắc mắc nguyên nhân vì sao năm nay điểm thi lại cao? Vì chất lượng học sinh đã tốt hơn hay vì đề thi không phân loại được học lực của thí sinh?".

Vào thả nhẹ một bình luận an ủi các em 2k3 thi trượt nhưng câu tiếp theo của "tiền bối" nhận về hàng ngàn tranh cãi - Ảnh 2.

Năm nay, có ngành tăng 9 điểm so với năm ngoái, thậm chí yêu cầu thí sinh phải đạt 10 điểm mỗi môn và cộng điểm ưu tiên mới hy vọng đỗ. (Ảnh minh họa)

Một bạn khác kể: "Hồi bố mẹ mình thi đại học tức là cách đây 20-30 năm, còn tách ra thi cả đại học và tốt nghiệp riêng, khổ không biết đường nào kể. Mỗi trường 1 đề, văn thì học thuộc, toán thì tự luận, không biết làm thì chịu, chứ trắc nghiệm còn lụi được đôi ba câu. Hình thức thi khó hơn bây giờ nhiều chứ, thi vào trường nào thì phải lên tận trường đấy mà thi".

Tuy vậy phần đông cư dân mạng đồng tình rằng mỗi thế hệ đi qua lại có những dấu ấn riêng với kỳ thi đại học khắc nghiệt ấy. Qua nhiều năm, kì thi THPT quốc gia cũng đã có nhiều thay đổi, những quy chế thi cũng dần được cải thiện để hỗ trợ học sinh nhiều hơn. Nhưng điều quan trọng là dù ở thời nào thì thi đại học vẫn chủ yếu là "chọi" giữa các thí sinh với nhau, chủ yếu là ta phải chiến thắng các đối thủ, khó là khó chung mà dễ cũng cùng nhau dễ.

"Năm nay điểm nhiều biến động, mong các thế hệ trước đừng đả động đến chuyện này bởi các em cũng vừa mới trải qua một bước ngoặt mới còn nhiều bỡ ngỡ và bàng hoàng. Thay vào đó, hãy cho các em biết rằng thái độ quan trọng hơn trình độ, năng lực sẽ là thứ các em cần trui rèn nhiều nhất bởi vì ra đời rồi, chẳng ai quan tâm em thi bao nhiêu điểm nữa cả. Tất cả những điều huy hoàng hay thất vọng hôm nay, 10 năm sau cũng chỉ là trà dư tửu hậu mà thôi", bạn H.N nêu ý kiến.

Chia sẻ