Văn hóa Uri của Hàn Quốc: Nói “của chúng ta" thay vì “của tôi" và ẩn giấu trong đó là sự đoàn kết cùng niềm tự hào dân tộc đáng ngưỡng mộ
Không chỉ đơn thuần là một cách diễn đạt phổ biến mà uri đã trở thành nét văn hóa độc đáo và hay ho của người Hàn Quốc và tồn tại đến tận ngày hôm nay.
Hàn Quốc hiện đang là 1 trong những cường quốc của thế giới với sự phát triển về mọi mặt, bao gồm kinh tế, trình độ con người và khoa học kỹ thuật… Không chỉ có vậy, xứ sở kim chi còn sở hữu một nền văn hóa đặc sắc có thể bắt gặp ở khắp mọi ngõ ngách trên đất nước, được các nhà làm phim tích cực lăng xê thông qua tác phẩm điện ảnh. Nổi bật trong số đó có lẽ là văn hóa uri.
Những ai xem phim hoặc có cơ hội ghé thăm Hàn Quốc, chắc hẳn đều từng nghe về chữ “uri", vốn được sử dụng cực kỳ thường xuyên tại đây. Uri dịch ra tiếng Việt là chúng tôi, chúng ta. Người Hàn Quốc sẽ không bao giờ nói đất nước của tôi, nhà của tôi, vợ của tôi mà thay vào đó, họ sẽ nói rằng đất nước của chúng ta, nhà của chúng ta, vợ của chúng ta. Đây không chỉ là cách diễn đạt phổ biến mà còn thể hiện nét văn hóa cộng đồng đặc sắc của người dân xứ kim chi.
Theo các chuyên gia ngôn ngữ, uri xuất phát từ chữ “ul tha ri" có nghĩa là hàng rào, hàng giậu - thường được trồng xung quanh nhà với mục đích trang trí và phân chia lãnh thổ. Ngoài ra, đó còn là hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, nhất quán và sự gắn bó thành một tập thể lớn của người Hàn Quốc.
Đã qua rồi cái thời phong kiến, lạc hậu ở Hàn Quốc nhưng người dân vẫn giữ lại những giá trị đạo đức tốt đẹp của quá khứ, đơn cử là Nho giáo từ Trung Quốc. Theo đó, họ quan niệm mỗi cá nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều phải đặt lợi ích của cả tập thể, xã hội lên làm trọng, điều gì tốt cho tập thể chắc chắn cũng sẽ tốt cho cá nhân. Nét văn hóa cộng đồng này được hình thành qua chiến tranh. Khi đó, người Hàn Quốc đã phải dựa dẫm vào nhau để sống sót. Các nghiên cứu từ những năm 1900 cũng cho thấy người Hàn Quốc sẽ quan trọng mọi người xung quanh và gia đình hơn là những trải nghiệm riêng biệt của bản thân.
Chính vì lẽ đó nên đất nước là của chung, của chúng ta, không ai có quyền sở hữu nó cho riêng mình. Tương tự như trường học, nhà cửa dù cho đích thân bỏ tiền ra mua, người đó cũng không được gọi là của mình và sẽ bị cho là tự phụ. Vợ là của mình nhưng vẫn phải nói là vợ của chúng ta bởi vì không chỉ có mỗi anh là có vợ.
"Người Hàn Quốc thường dùng từ ‘uri’ để nhắc đến một thứ gì đó thuộc sở hữu chung của một nhóm, tập thể hoặc đó là thứ mà tất cả mọi người đều có. Điều này đến từ văn hóa mang tính cộng đồng cao của Hàn Quốc" - Beom Lee, giáo sư chuyên ngành Ngôn ngữ Hàn tại Đại học Columbia, nói.
Bên cạnh đó, văn hóa uri cũng thể hiện sự gắn kết của người Hàn Quốc với nhau. Thay vì gọi là của mình thì của chúng ta có vẻ như sẽ xóa bỏ ranh giới và kéo mọi người đến gần nhau hơn, tạo nên bầu không khí thân thiện, bình đẳng trong 1 tập thể thống nhất. Nhờ vào ý nghĩa sâu xa mà văn hóa uri luôn thấm đượm trong tâm trí của người Hàn Quốc, khiến họ luôn tự hào quảng bá nó đến với bạn bè quốc tế.
Văn hóa uri thể hiện tình yêu nước của người Hàn Quốc. Mỗi người sinh ra đều mang trong mình trách nhiệm to lớn đối với đất nước và dân tộc. Vì lẽ đó mà người Hàn luôn ưu tiên sử dụng những sản phẩm “cây nhà lá vườn" do đồng bào của mình làm ra. Từng có một thầy giáo người Hàn sống ở Sài Gòn nói rằng họ sẽ không ngại mà bắt xe từ quận 7 sang quận 1 chỉ để ăn hoặc uống đúng hàng quán do người Hàn làm chủ. Điều này phần nào nói lên sự đoàn kết dân tộc của người dân xứ kim chi dù sống ở bất cứ nơi đâu cũng ủng hộ nhau hết mình.
Tinh thần tự tôn dân tộc không cho phép cá nhân nào làm tổn hại đến lợi ích đất nước. Các nghệ sĩ cố ý trốn nghĩa vụ quân sự đều sẽ bị lên án và tẩy chay nặng nề. Thậm chí, người Hàn Quốc còn chấp nhận “phế truất” Tổng thống Park Geun Hye vì những việc làm gây tổn thất cho lợi ích quốc gia của bà. Ngược lại nếu cá nhân nào đem lại danh tiếng và sự vẻ vang cho Hàn Quốc thì sẽ được tung hô như người hùng, đơn cử như trường hợp của Son Heung Min và đồng đội vừa qua đã được miễn nghĩa vụ quân sự sau khi thành công giành lấy chức vô địch Asiad 18.
Người Hàn Quốc coi trọng những buổi sum họp gia đình. Ngoài Tết Nguyên đán thì dịp họ quây quần cùng nhau là Chuseok hay còn gọi là Tết Trung thu. Đây cũng là kỳ nghỉ dài nhất trong năm của người dân bởi chính phủ cũng tạo điều kiện cho họ trở về và quây quần với gia đình. Vào những dịp này, người Hàn không chỉ tụ họp gia đình mà còn chuẩn bị những mâm cúng để dâng lên cho tổ tiên để thể hiện sự biết ơn dành cho những người đi trước.
Tóm lại, văn hóa uri luôn nhắc nhở con người Hàn Quốc rằng họ là một cộng đồng có chung nghĩa vụ là cùng nhau mang lại lợi ích cho tập thể, không chỉ cho gia đình của riêng mình mà cho toàn thể dân tộc và đất nước.
(Nguồn: Tổng hợp)