Vải thiều sắp lên sàn
Năm nay là năm đầu tiên quả vải Hải Dương sẽ được bán trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử là Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn.
Hải Dương đang tiến hành những bước cần thiết để phấn đấu trước ngày 18/5 sẽ đưa loại quả này lên các sàn thương mại điện tử sau khi đã phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chương trình huấn luyện về truy xuất nguồn gốc và tham gia gian hàng cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trên các chợ online.
Thời gian qua, thương hiệu vải thiều Hải Dương đã chinh phục nhiều thị trường khó tính: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore...
Năm 2020, mặc dù dịch COVID-19 nhưng Hải Dương đã có một vụ vải thắng lợi. Sản lượng vải toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 43.000 tấn; trong đó, 23.000 tấn vải sớm và khoảng 20.000 tấn vải thiều. Lượng vải tiêu thụ trong nước ước khoảng 50%, còn lại là được xuất khẩu.
Tổng giá trị thực tế quả vải năm 2020 đạt 1.166 tỷ đồng, tăng 445 tỷ đồng so với năm 2019. Đặc biệt, có khoảng 1.600 tấn vải được xuất sang các thị trường khó tính, tăng khoảng 1.400 tấn so với năm 2017 và tăng khoảng 1.000 tấn so với năm 2019.
Niên vụ vải năm 2021, sản lượng vải Hải Dương ước khoảng 55.000 tấn, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, 50% sản lượng vải của tỉnh (trong đó chủ yếu vải sớm) sẽ xuất khẩu Trung Quốc, 40% thị trường trong nước và khoảng 5-7% xuất khẩu đi các thị trường khó tính (Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU, Singapore….) và 5% phục vụ chế biến.
Thời gian qua, thương hiệu vải thiều Hải Dương đã chinh phục nhiều thị trường khó tính. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, để đưa được sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử đối với doanh nghiệp, hợp tác xã không hề dễ, gặp phải khá nhiều thách thức.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin Xúc tiến thương mại, Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh qua thương mại điện tử. Thiếu cán bộ hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing...
Đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng thương mại điện tử là việc doanh nghiệp có thể làm. Nhưng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm…
Trước những bất cập này, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương triển khai tập huấn, nhằm hỗ trợ đầu ra hiệu quả cho các sản phẩm nông sản có tiềm năng của tỉnh.