Ung thư đại trực tràng gia tăng ở người trẻ, bác sĩ Bạch Mai hé lộ 3 ‘ngòi nổ’ kích hoạt tế bào ác tính
Ung thư đại trực tràng vốn được coi là "căn bệnh ung thư của người già". Thế nhưng, căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa.
Số người trẻ mắc ung thư đại trực tràng tăng nhanh
Không chỉ người cao tuổi mà cả những người trẻ trong độ tuổi 30–40, thậm chí người mới ngoài 20, cũng đang trở thành nạn nhân của ung thư đại trực tràng.
PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết, trong 5–10 năm gần đây, số lượng bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở nhóm tuổi trẻ đang gia tăng rõ rệt. Trung tâm ghi nhận nhiều ca mắc ở độ tuổi 30–40, thậm chí một số bệnh nhân chỉ mới ngoài 20 tuổi.
Tuy nhiên, phần lớn người bệnh chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khi đã có triệu chứng rõ rệt hoặc biến chứng. Điều này làm giảm đáng kể hiệu quả điều trị bệnh.
Theo chuyên gia, lối sống hiện đại với chế độ ăn thiếu lành mạnh, ít vận động, căng thẳng kéo dài chính là 3 “ngòi nổ” kích hoạt sự phát triển âm thầm của tế bào ác tính tại đại trực tràng và dẫn tới ung thư đại trực tràng ở người trẻ.

Xạ trị trong ung thư đại trực tràng (ảnh minh hoạ).
Gánh nặng toàn cầu và xu hướng đáng báo động
TS.BS Đoàn Trọng Tú – Trưởng khoa Ngoại bụng 2, Bệnh viện K – cho biết, ung thư đại trực tràng là căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới. Căn bệnh này hiện đứng thứ 2 về số ca mắc và số ca tử vong toàn cầu với gần 2 triệu ca mắc mới và 1 triệu người tử vong mỗi năm.
Tại Việt Nam, theo dữ liệu từ GLOBOCAN 2020, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng là hơn 182.000, số ca tử vong khoảng 122.000.
Các thống kê tại Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, 67,8% bệnh nhân ung thư đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn 3 và 4. Điều này gây ra gánh nặng lớn về điều trị và chi phí y tế.
Đừng đợi ung thư "gõ cửa" mới đi khám
Ung thư đại trực tràng thường tiến triển âm thầm và gần như không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Đa số bệnh nhân chỉ phát hiện khi xuất hiện các dấu hiệu như: đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra máu. Nhưng lúc đó, bệnh đã tiến triển nặng.
PGS Phương cho biết, không ít ca bệnh chỉ được phát hiện tình cờ trong quá trình nội soi tầm soát, khi người bệnh hoàn toàn không có biểu hiện bất thường.
"Không nên đợi đến khi có triệu chứng như đau bụng, đi ngoài ra máu hay sụt cân mới đi khám. Khi đó, bệnh có thể đã ở giai đoạn nguy hiểm", PGS Phương cảnh báo.
Theo PGS Phương, tầm soát định kỳ là một phần không thể thiếu trong lối sống khỏe mạnh. Vị PGS khuyến cáo:
- Người từ 45 tuổi trở lên: nên thực hiện xét nghiệm máu ẩn trong phân (FIT) hằng năm. Nếu nội soi đại tràng không phát hiện bất thường, có thể lặp lại nội soi sau 10 năm.
- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng: cần bắt đầu sàng lọc sớm hơn 10 năm so với độ tuổi người thân được chẩn đoán (thường từ 35–40 tuổi).
- Người có polyp hoặc viêm ruột mạn tính: cần nội soi định kỳ mỗi 1–3 năm/ lần tùy theo mức độ nguy cơ.
Cùng với việc tầm soát, PGS Phương đưa ra các khuyến nghị giúp phòng ngừa ung thư đại trực tràng hiệu quả như: ăn nhiều chất xơ từ rau, củ, quả; hạn chế thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn; tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tiêu hóa và tăng nhu động ruột; tránh hút thuốc, hạn chế rượu bia; tuân thủ lịch tầm soát theo nhóm nguy cơ cá nhân.
“Ung thư đại trực tràng là một trong số ít những bệnh ung thư có thể phòng ngừa và chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Đừng để nỗi sợ nội soi hay tâm lý chủ quan khiến bạn đánh mất cơ hội sống khỏe”, PGS Phương nhắn nhủ.