Tuyển sinh 2021: Chọn ngành thế nào để đón đầu xu thế?

Hoàng Thanh,
Chia sẻ

Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo dự báo nhiều công việc hiện tại sẽ bị “xoá sổ” hoàn toàn và kéo theo đó là sự hình thành của nhiều ngành nghề mới. Vậy thí sinh nên chọn ngành thế nào là hợp lý?

Tiến sĩ Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết hiện nay rất nhiều trường đào tạo những ngành thời thượng và tên gọi rất hấp dẫn.

Cụ thể như ngành PR, ngành Logistic, ngành Fintech, ngành Trí tuệ nhân tạo (AI), ngành Thiết kế xanh, ngành Thương mại điện tử, ngành Quản trị môi trường doanh nghiệp…

Nếu thí sinh để ý, cách đây 10 năm xu thế cũng như vậy cho các ngành Quản trị kinh doanh, Ngân hàng, Kinh doanh quốc tế, Kiểm toán… dẫn tới hệ quả là cung vượt cầu, chưa kể là các ngành quá chuyên sâu, dẫn đến sự thiếu linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề, hoặc thiếu kiến thức tổng quát để có thể hoàn thành yêu cầu công việc.

Tuyển sinh 2021: Chọn ngành thế nào để đón đầu xu thế? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

“Mỗi một ngành nghề đều có những yêu cầu đặc thù về năng khiếu cũng như năng lực khác nhau để thành công. Tôi cho rằng nếu thí sinh có khả năng ngôn ngữ, thích giao tiếp, các ngành về sư phạm, truyền thông, kinh doanh là phù hợp.

Còn nếu thí sinh yêu thích tính toán, con số, logic, sự hoàn hảo, các ngành liên quan tới tài chính, kiểm toán sẽ là thế mạnh.

Trong trường hợp thí sinh thích vận động; yêu cái đẹp, các ngành liên quan tới nghệ thuật sẽ là lựa chọn hợp lý.

Nghề nghiệp lý tưởng chính là sự giao thoa giữa thứ bạn thích. Tôi cho rằng điều bạn có khả năng, và quan trọng nhất, thứ xã hội cần”,  TS. Ngô Minh Hải nói.

Cũng theo TS. Ngô Minh Hải, chọn trường cũng là bước quan trọng nhất ngoài những thông tin chính thống từ trường, thí sinh còn có thể tham khảo rất nhiều nguồn khác nhau như sinh viên, giảng viên, cựu sinh viên, doanh nghiệp, chuyên gia, cán bộ công nhân viên cũng như các tổ chức kiểm định độc lập, thậm chí cả các confession, mạng xã hội, cộng đồng review trên mạng.

Thạc sĩ Hoàng Trọng – giảng viên Khoa Toán - Thống kê (ĐH Kinh tế TP.HCM) thì cho biết ngành nghề đào tạo nào cũng cần cho xã hội và thu nhập của sinh viên sau khi ra trường cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó yếu tố chủ quan là khả năng học tập và nắm bắt của sinh viên cũng như năng lực của sinh viên sau khi tốt nghiệp như thế nào.

Những điều đó sẽ quan trọng hơn là việc chúng ta học ngành “hot” hay là không “hot”, đón đầu xu thế hay không đón đầu xu thế.

“Tất nhiên, nếu biết chọn học những ngành theo kịp xu hướng thời đại, nếu trong quá trình học tập, bên cạnh kiến thức và thái độ học tập, làm việc, chúng ta chịu khó rèn luyện các kỹ năng vượt trội thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội nhận mức thu nhập cao hơn sau khi ra trường.

Hiện nay các doanh nghiệp tuyển dụng trả lương không theo thang bậc truyền thống mà đa số trả lương theo hiệu quả công việc, theo đóng góp của cá nhân đối với doanh nghiệp. Vì thế, thái độ của người học với ngành nghề mình chọn rất quan trọng”, Thạc sĩ Hoàng Trọng nói.

Còn theo Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) thì: "Chẳng có trường nào, ngành nào có thể bảo đảm cho em có việc làm 100% nếu em không đủ năng lực, không có kỹ năng và thái độ luôn tiêu cực cả.

Khi có năng lực chuyên môn tốt, có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, có kỹ năng mềm thì chắc chắn sẽ có công việc như ý.

Để thành công cần phải có thái độ luôn tích cực, cầu tiến. Chính vì vậy, ngoài việc chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở trường thì người học cũng luôn cần có rèn luyện, phấn đấu tốt trong học tập.

Sự năng động, thái độ tích cực để hòa nhập trong những môi trường mới cũng quan trọng không kém gì việc các em băn khoăn chọn ngành nào”.

Chia sẻ