Tức nước vỡ bờ, con dâu ném bay mâm cơm "trăm ngày như một" nhà chồng phần mình rồi lẳng lặng bỏ đi
Thế nhưng, có một điều mà mãi Thu chả thể nào quen nổi. Đó là mâm cơm tối trăm ngày như một chồng và bố mẹ chồng phần lại cho cô.
Cưới xong có bầu luôn, chỗ làm thì xa, nên Thu quyết định nghỉ ở nhà dưỡng thai, đợi con cứng cáp chút mới đi làm lại. Thời gian ở nhà này Thu được nếm trải đủ sự khổ sở của 2 từ "ăn bám". Mà thật ra cô chẳng ăn bám ai, việc nhà, cơm nước dù cô bụng to vẫn đến tay cô. Cửa hàng tạp hóa của mẹ chồng không phải cô giúp thì ai giúp. Hàng tháng chồng cô vẫn đưa hết lương cho mẹ, để bà lo cơm nước, còn đâu dành xây nhà cơ mà.
Cô chẳng thấy cô ăn bám chỗ nào, chả lẽ chồng không có trách nhiệm với con, chả lẽ công sức cô bỏ ra không đáng chút gì? Thế nhưng Thu vẫn nhận lại sự khó chịu ra mặt của chồng và nhà chồng. Và vì nghĩ cho con, Thu chỉ còn biết nín nhịn cho qua ngày.
Ảnh minh họa
Chịu đựng cho tới khi con tròn 1 tuổi, Thu quyết định gửi con để đi làm. Con bé, cô muốn con được chăm sóc tốt nên phí gửi không hề rẻ. Mẹ chồng bận bán hàng nên việc của vợ chồng cô, bà không quan tâm. Thực ra Thu biết công việc của bà chẳng bận rộn lắm, song ai cũng muốn được thảnh thơi nghỉ ngơi, con cô đẻ ra thì vợ chồng cô nên là người chịu trách nhiệm, không thể đổ lên vai bà được.
Thấy Thu đi làm, mẹ chồng liền giao cho Thu nhiệm vụ đóng tiền học cho con, bỉm sữa chăm con, cộng với tiền ăn uống bữa tối của 2 vợ chồng cô ở nhà. Còn nguyên lương của chồng cô, phải để dành tiết kiệm sau này xây nhà, tất nhiên bà là người giữ. Thu cảm thấy không thoải mái cho lắm, nhưng nghĩ kĩ, chồng cô là con 1, xây nhà thì sau này cũng là cho vợ chồng cô ở, nên Thu lại im lặng chấp nhận sự dàn xếp của mẹ chồng. Mà thực ra cô có phản đối cũng chẳng ích gì cơ, bởi chồng cô đồng ý, từ khi bắt đầu ra trường đi làm chồng cô đã luôn đưa lương cho mẹ giữ rồi.
Vì chỗ làm xa, lại hay tăng ca nên Thu thường về muộn. Thực chất là cô xin được tăng ca vì muốn kiếm thêm thu nhập. Nhưng con vẫn chả ai đón, bởi mẹ chồng bận còn chồng mệt mỏi đi làm cả ngày, đón về chẳng ai trông cho. Thành ra Thu phải đóng tiền gửi thêm giờ, và cô đi làm về mới đón con 1 thể. Về tới nhà đã mệt bã người, lại tắm rửa 2 mẹ con, rồi mới được ôm nhau ăn cơm, bữa nào được chồng bế hộ để mình ăn là Thu mừng rơi nước mắt. Ban đầu Thu nghĩ mà buồn, cảm thấy chồng và gia đình chồng như chẳng chút liên quan gì tới mình, 2 mẹ con cô cứ lủi thủi tự đưa đón nhau, chăm nhau mãi. Mà dần Thu cũng thành quen. Thôi số cô lấy được người chồng vô tâm, đành phải cố gắng vất vả nhiều hơn vậy.
Thế nhưng, có một điều mà mãi Thu chả thể nào quen nổi. Đó là mâm cơm tối trăm ngày như một chồng và bố mẹ chồng phần lại cho cô. Nói từ "phần" cho lịch sự, chứ thực ra đó là cơm thừa mọi người ăn không hết thì đúng hơn! Mẹ chồng Thu vốn không phải người rộng rãi, đồ ăn thức uống bà khá tiết kiệm. Chẳng biết vô tình hay cố ý, dường như bà luôn mua đủ cho 3 người ăn, còn Thu về sau thì đều chịu cảnh "cơm thừa canh cặn". Khi là vài miếng thịt mỡ với bát canh suông, khi thì con cá trơ lại cái đầu và mẩu đuôi, bữa nào có thức ăn ngon thì chỉ còn chút nước cặn, chả được miếng nào phần cho Thu.
Mới đầu Thu than thở với chồng thì anh ta gạt đi, nói rằng ở nhà cũng ăn như thế, với lại miếng ngon hơn dành cho bố mẹ là phải phép rồi còn gì. Thu nghĩ mà ấm ức, cô đóng tiền ăn cho mẹ chồng hẳn hoi đấy chứ, thậm chí là cho cả 2 vợ chồng. Nếu là thi thoảng 1 bữa không nói, đằng này ngày nào cũng như ngày nào, ăn thế Thu sao có sức mà làm việc? Sống chung thời gian qua Thu đủ hiểu, nếu không muốn trong nhà căng thẳng, Thu chỉ còn cách là tự ăn thêm bên ngoài.
Sau mấy tháng như vậy, hôm đó Thu đi làm về, vẫn mâm cơm "thừa" chờ đón cô. Cô mệt nên nhìn thấy mâm cơm đã chán, liền bê đi rửa luôn không ăn miếng nào. Mọi lần dù no dù đói cô vẫn ăn ít nhiều cho có. Vừa hay mẹ chồng nhìn thấy liền bảo cô: "Chê cơm không ngon à?". Thu nghe mẹ chồng hỏi mà ức đến tận cổ, bà cũng có mắt nhìn, mâm cơm còn mỗi 1/3 đĩa rau luộc và vài miếng thịt mỡ, đĩa cá kho đã nhẵn thín, sao bà còn hỏi cô câu đó?
Ảnh minh họa
Thu cười chua chát, buột miệng: "Mẹ tự nhìn xem ạ, nếu là mẹ thì mẹ có ăn nổi không?". Chỉ chờ có thế, mẹ chồng Thu liền sửng cồ mắng cô té tát, nói cô hỗn láo, đã nấu nướng phần cho rồi còn chê ỏng chê eo. Bà gọi chồng Thu vừa đi nhậu đang có hơi men xuống, chồng Thu ngay lập tức chửi mắng cô thậm tệ. Thu nhìn tất cả trước mắt, cộng với mọi chuyện từ trước đến giờ, cô chợt nghĩ, tại sao cô vẫn còn ở đây để chịu đựng những điều này?
Thu thấy chồng đang hùng hổ tiến lại gần định đánh mình, Thu bê nguyên mâm cơm nhà chồng phần liệng vào người chồng, rồi chạy vù lên nhà, đóng chặt cửa phòng, bắt đầu thu dọn đồ đạc của mình lẫn con. Trong khi mẹ chồng thì la mắng, chồng Thu thì hùng hổ bên ngoài. Cũng may, khi Thu lấy đồ xong thì có khách tới chơi, nhà chồng Thu buộc phải thay đổi thái độ, Thu nhân cơ hội bế con ra ngoài, 2 mẹ con về nhà ngoại.
Đi trên đường, địu con trước ngực, gió mát thổi vào mặt, Thu bỗng thấy nhẹ nhõm vô cùng. Phải, đáng nhẽ cô nên làm việc này sớm hơn.