Từ nhân viên bảo vệ đến "hiệu trưởng quốc dân": Chàng trai nghèo bỏ học giữa chừng tự tay viết nên vận mệnh khiến cả Trung Quốc ngưỡng mộ
Từ nhân viên bảo vệ trường "Harvard Trung Quốc", chàng trai trẻ đã không ngừng nỗ lực thi đỗ đại học, sau đó trở về quê hương để dạy học và điều hành 1 trường đào tạo nghề. Bao nhiêu năm trôi qua, anh vẫn luôn được coi là hình mẫu của "tri thức thay đổi vận mệnh" ở đất nước tỷ dân.
Trương Tuấn Thành là người thành phố Trường Trị, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Năm 1994, anh trở thành nhân viên bảo vệ tại Bắc Đại (Đại học Bắc Kinh, 1 trong những trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc), sau đó vượt qua kỳ thi tự học và trúng tuyển vào khoa Luật. Cuối cùng, anh quyết định trở về quê nhà cống hiến rồi mở 1 trường dạy nghề.
Hiệu trưởng Trương Tuấn Thành của trường Trung cấp Công nghệ Trường Trị, Sơn Tây tham dự lễ khai giảng cùng các học sinh
Tuổi thơ nghèo khó
Trương Tuấn Thành sinh ra trong 1 gia đình nghèo khó, nhà có 7 anh chị em, anh là con út. Năm 1962, do chính sách đổi mới việc làm, cha anh rút khỏi ngành đường sắt, trở về nông thôn để làm nông nghiệp. Năm 1992, Tuấn Thành mới 16 tuổi, mặc dù học lực rất tốt nhưng vẫn phải từ bỏ học cấp 3 vì kinh tế eo hẹp.
Sau khi thôi học, anh được bố mẹ xin vào làm trong 1 mỏ sắt. Công việc này tuy nguy hiểm nhưng thu nhập trung bình khá, đủ để trang trải cuộc sống và trả nợ. Quặng sắt nằm dưới chân núi cạnh làng, mỗi gia đình được 1 suất, dân làng thường đùa vui coi đó như "kho trữ của, đào không hết". Tuấn Thành lại khác, anh luôn có cảm giác khu mỏ sẽ sập bất cứ lúc nào.
Sau đó, anh làm thêm việc thu hoạch lúa mì, thỉnh thoảng vừa làm vừa ngẩng đầu lên nhìn trời, Tuấn Thành thở dài: "Ngày tháng cơ cực giống như công việc thu hoạch lúa mì dài vô tận, chẳng thể nhìn thấy lối thoát."
Cơ hội và thử thách
Khi những lý tưởng cá nhân phù hợp với dòng chảy của thời đại, 1 người bình thường có thể đi xa hơn những gì họ tưởng tượng.
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, nền kinh tế Trung Quốc biến chuyển tốt, do muốn thúc đẩy dịch vụ hậu cần của các trường cao đẳng và đại học, nhà nước khuyến khích đưa lao động từ các vùng nông thôn lên thành phố đào tạo. Đây chính là cơ hội cho những người muốn đổi đời như Tuấn Thành. May mắn đã mỉm cười với chàng trai trẻ khi anh họ của anh bấy giờ là 1 tài xế của Cục Lao động, biết bên Cục sẽ chọn 50 người đến Bắc Kinh, vì vậy đã nhanh tay đăng ký giúp Tuấn Thành.
Tháng 5/1994, Trương Tuấn Thành khởi hành đến Bắc Kinh. Vào thời kỳ đó, khái niệm "nghề bảo vệ" vẫn còn rất mới mẻ. Được tuyển cùng đợt với anh là 50 chàng trai mới 17-18 tuổi đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Trước khi chính thức nhận việc, họ phải trải qua 26 ngày đào tạo bắt buộc, và sống theo kiểu quân đội, sáng dậy sớm chạy bộ, tập thể thao rèn luyện sức bền, tối tắt đèn đi ngủ sớm. Cuộc sống theo quy luật và đúng giờ đến ngột ngạt khiến nhiều thanh niên không chịu nổi phải bỏ cuộc giữa chừng, riêng Tuấn Thành vẫn kiên định bám trụ. Qua thời gian đào tạo, anh đứng đầu trong danh sách và được phân vào làm bảo vệ ở Bắc Đại.
Ở 1 góc độ nào đó, việc lãnh đạo "phân công đâu đi đấy" không được đổi đã mang lại may mắn cho anh. Bởi nếu được cử đi làm bảo vệ ở công ty thương mại, hoặc nơi khác có lương khá hơn, thì sẽ không có Tuấn Thành của ngày hôm nay.
Năm 1994 cũng là năm bùng nổ học tiếng Anh ở Trung Quốc, tại trường Bắc Đại có rất nhiều người nước ngoài và anh rất muốn nói chuyện với họ. Vì vậy, Tuấn Thành đã mua tài liệu và bắt đầu học từ 100 câu tiếng Anh thông dụng, tất cả đều là những cụm từ đơn giản như: "Vui lòng xuất trình chứng minh thư của bạn."; "Không phải sinh viên Bắc Đại và không có thư giới thiệu sẽ không được vào tham quan trường."; "Vui lòng xuống xe dắt bộ vào trường."
Vào 1 buổi đi dạo sáng, anh có cơ hội tiếp xúc và làm quen với Giáo sư Trương Ngọc Thư của Khoa Ngôn ngữ phương Tây, trường Bắc Đại. Do cả 2 đều có thói quen đi dạo mỗi sáng và thấy anh bảo vệ trẻ tuổi có tinh thần ham học hỏi, Giáo sư Trương dần quý mến và chia sẻ cho anh nhiều kiến thức hơn nữa.
Ngọc sáng nhờ mài giũa
Sau khi biết về chính sách thi vào đại học dành cho người lớn (dành riêng cho những người quá tuổi, bỏ lỡ cơ hội thi đại học theo phương thức truyền thống ở Trung Quốc và phải tự học để thi), Tuấn Thành phấn chấn vô cùng. Anh tận dụng thời gian rảnh rỗi của ca đêm để ôn tập. Ngày nào cũng vậy, đều đặn từ 12h đêm đến 3h sáng, đấy là khoảng thời gian anh "đánh vật" với những cuốn sách ôn tập dành cho người tự học. Khi cơn buồn ngủ kéo đến, Tuấn Thành ôm sách đứng dậy đi lại quanh đó, 1 lúc sau tỉnh táo trở lại mới ngồi xuống ghi chép.
Năm 1994, anh đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học dành cho người lớn, nhưng ở lần thi đầu tiên, anh bị trượt. Tuấn Thành không bỏ cuộc, tiếp tục đăng ký vào năm 1995 và lại thất bại. Vốn là 1 người lạc quan, anh ngay lập tức chấn chỉnh tinh thần và xem lại phương pháp học rồi đăng ký thi lần thứ 3. Trong thời gian đợi kết quả, Tuấn Thành vẫn tiếp tục ôn tập, cho đến khi nhận được thông báo "Trương Tuấn Thành đỗ đại học", anh chàng bảo vệ như vỡ òa trong hạnh phúc.
Sau khi thi đỗ, Trương Tuấn Thành chính thức bước vào cuộc chiến mới, vừa học vừa làm ở cùng 1 nơi. Cũng bởi tính chất công việc đặc biệt, nên trước mỗi lần tan lớp, anh lại phải về sớm trước 15 phút, chạy 1 mạch về ký túc xá, thay đồng phục bảo vệ rồi chạy ra cổng trường giao ca.
"Hồi đó tôi không muốn mặc đồng phục bảo vệ vào trong lớp học, vì nó quá nổi bật và khiến tôi cảm thấy tự ti." - Trương Tuấn Thành nói.
Vào năm 1998, Tuấn Thành xuất sắc hoàn thành tất cả các khóa học và tốt nghiệp. Cùng thời gian ấy, anh được đề bạt làm trưởng nhóm trong đội bảo vệ. 1 năm sau đó, anh tổ chức đám cưới và ít lâu sau vợ anh mang thai. Trương Tuấn Thành suy nghĩ mất 1 ngày 1 đêm và quyết định rời Bắc Kinh. Vào tháng 7 năm đó, anh đã mang theo chứng chỉ và 3 bao tải sách trở về quê hương.
Cổng trường Bắc Đại
Sau khi trở về, việc đầu tiên của Tuấn Thành là tìm việc làm. Anh chỉ có 1 kỳ vọng: "Không còn phải làm những công việc bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa."
Thế là anh xin vào 1 trường dạy nghề, nhưng khi chính thức vào làm anh mới nhận ra "ngôi trường ấy rất khác so với môi trường làm việc ở Bắc Kinh". Trường tuy ở trung tâm thành phố nhưng diện tích nhỏ, và điều khiến Tuấn Thành đau đầu chính là "nhóm học sinh đang tuổi nổi loạn, đến các trường dạy nghề đa phần để trốn bố mẹ, nên rất nghịch ngợm".
1 thời gian sau, anh đã nộp đơn xin chuyển từ quản trị viên văn phòng sang giáo viên để thỏa ước muốn đứng lớp. Những tưởng làm thầy giáo của nhóm học sinh khó bảo sẽ rất vất vả, nào ngờ chính sự chân chất và nhẫn nại của anh đã cảm hóa được các em.
"Thầy thường đưa bọn em đi ăn mì, tâm sự như những người bạn và giải đáp khúc mắc cuộc sống cho chúng em. Các bạn trong lớp đều rất yêu quý và tôn trọng thầy." - A Huy, 1 học sinh cũ của Tuấn Thành kể lại.
Trong việc quản lý học sinh, Trương Tuấn Thành cũng tìm thấy sự cân bằng giữa sự tự do và khuôn phép. "Anh ấy biết cách hướng dẫn học sinh thảo luận bài và cải thiện chất lượng học." - Trích lời của 1 giáo viên cùng trường.
Trương Tuấn Thành dạy luật cho 4 trường, lịch làm việc dày đặc. Trước đây, luật là chuyên ngành phổ biến nhất trong các trường dạy nghề, lại thêm tốt nghiệp Bắc Đại nên quá trình xin việc của anh cũng thuận lợi hơn.
Sau 1 thời gian dài dạy và học liên tục, Trương Tuấn Thành phát hiện ra 1 vấn đề nghiêm trọng, đó là hầu hết những trường dạy nghề ở quê nhà đều có hệ thống quản lý kém. Do vậy, năm 2015, anh quyết tâm mở trường riêng.
Đột phá thứ hai
Sau khi đi khắp các ngôi làng và thị trấn xung quanh thành phố Trường Trị, anh đã "nhắm" được 1 nhà máy cũ. Nhà máy đặt tại 1 ngôi làng phía Bắc thành phố, cách trung tâm khoảng chừng 10 cây số, là nơi "yên tĩnh, rộng rãi, thích hợp cho học tập".
Anh thuê lại khu vực ấy và tuân theo lý tưởng "quản lý quân sự hóa" mà mình hằng ngưỡng mộ. Các học sinh mặc đồng phục rằn ri, ga trải giường và vỏ chăn đều có màu xanh quân đội.
"Học nghề quan trọng nhất là ứng dụng thực tế, bằng không thì đừng học. Đến với ngôi trường dạy nghề của chúng tôi chính là ký kết với 'dịch vụ trọn đời'." - Trương Tuấn Thành phấn chấn nói.
Tiếp đó, anh đã thử áp dụng mô hình đào tạo "lớp đặt hàng", tuyển sinh và đào tạo học viên theo nhu cầu việc làm của công ty. Đồng nghĩa với việc sau khi tốt nghiệp, học viên đạt yêu cầu sẽ vào thẳng công ty, nhà máy theo "đơn hàng" đã ký. Tuấn Thành cũng khuyến nghị các sinh viên nên học bán thời gian, điều này khiến anh nhớ lại khoảng thời gian ở Bắc Đại.
"Như vậy có thể tiết kiệm được kha khá thời gian và tiền bạc." - Tuấn Thành nói.
Các học sinh ở đây cũng nhận xét cách dạy học của thầy Trương như 1 "hệ thống tu luyện". Kể từ ngày nhập học, học viên không cần phải nộp chi phí đào tạo, thay vào đó nhiệm vụ duy nhất của các em là "vào lò" thực hành làm việc ngay trong khi học.
"Mục tiêu lớn nhất của tôi là đào tạo ra lớp người có kỹ năng, và có thể tìm 1 công việc ổn định kiếm sống sau khi ra trường."
Từ năm 2011, Trung Quốc chuyển từ thừa lao động sang thiếu hụt, do nguồn cung lao động nhập cư bị thiếu hụt, cộng thêm sự già hóa dân số khiến mối quan hệ giữa trường dạy nghề và doanh nghiệp theo đó cũng thay đổi.
"Trước đây chúng tôi phải cầu xin doanh nghiệp, nhưng bây giờ họ lại phải chủ động tìm đến vì thiếu lao động có tay nghề." - Tuấn Thành trải lòng.
Đến nay, ngôi trường của "thầy giáo bảo vệ Bắc Đại" Trương Tuấn Thành vẫn luôn sáng mãi 1 khẩu hiệu: "Những ai của hiện tại còn than vãn đời bất công, chính là những cá thể năm xưa chưa từng cố gắng." Câu chuyện từ 1 người nông dân nghèo, làm công việc chân tay cho đến khi vươn lên thành hiệu trưởng của thầy giáo Trương Tuấn Thành đã trở thành cảm hứng sống cho tất cả học sinh trong trường dạy nghề của anh nói riêng, và những ai còn đang chưa tìm được mục tiêu của cuộc đời nói chung.
Nguồn: QQ