Từ giáo viên mầm non trở thành võ sĩ quán quân, biểu tượng nữ quyền mới đã truyền cảm hứng đến các chiến sĩ đang chống COVID-19 chỉ với một câu nói

HY LI,
Chia sẻ

Trương Vĩ Lệ hi vọng bản thân mình có thể mang lại năng lượng tích cực cho nhiều cô gái, giúp họ dũng cảm theo đuổi ước mơ.

MMA, viết tắt của Mix of Martial Art, là võ thuật tổng hợp hay còn gọi là võ tự do. Mới đây, Trương Vĩ Lệ, nhà vô địch UFC đầu tiên của Trung Quốc, đã đánh bại đối thủ người Ba Lan tại giải UFC248, bảo vệ thành công đai vàng của mình. Nhiều người ca ngợi Trương Vĩ Lệ không chỉ vì khả năng chiến đấu mà còn vì quá trình phát triển và tinh thần dân tộc của cô.

Trương Vĩ Lệ sinh ra trong một gia đình công nhân khai thác khoáng sản ở huyện Khai Phong, thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Với tính tình nghịch ngợm và bướng bỉnh, Trương Vĩ Lệ bước theo con đường võ thuật từ năm 12 tuổi. Sau đó, cô vô địch giải thanh niên tỉnh Hà Bắc và được chọn vào đội tuyển của tỉnh. Nhưng vào năm 17 tuổi, vì một chấn thương nghiêm trọng, Trương Vĩ Lệ không thể tiếp tục tham gia thi đấu nên tạm thời đến Bắc Kinh làm việc nuôi thân.

Từ giáo viên mầm non, lễ tân khách sạn, thu ngân ở siêu thị, bảo vệ,... công việc nào Trương Vĩ Lệ cũng đã làm qua và cuộc sống của cô dường như rời xa sàn thi đấu. Tuy nhiên, giấc mơ võ thuật chưa bao giờ mất đi.

"Vào thời điểm đó, dù là làm lễ tân hay bán hàng, mỗi ngày tôi đều tự luyện tập. Không có huấn luyện viên nhưng hằng ngày vẫn chạy bộ và tập đánh với bao cát. Trực giác mách bảo rằng sẽ có ngày tôi quay trở lại đấu trường", Trương Vĩ Lệ chia sẻ. 

Từ một giáo viên mầm mon trở thành võ sĩ hàng đầu thế giới, Trương Vĩ Lệ trở thành biểu tượng nữ quyền mới của Trung Quốc - Ảnh 1.

Năm 2019, Trương Vĩ Lệ đoạt được chức vô địch UFC.

Sau khi được một người quen giới thiệu, Trương Vĩ Lệ nghỉ việc và bắt đầu tham gia luyện tập thi đấu MMA chuyên nghiệp. Từ lúc đó, gương mặt cô lúc nào cũng đầy vết tím bầm và sưng tấy. Vào ngày 31/8/2019, tất cả mồ hôi và nỗ lực của cô cuối cùng cũng đã được đền đáp. Trương Vĩ Lệ đã đánh bại đối thủ người Brazil để giành chức vô địch UFC, cô là người châu Á đầu tiên có được đai vàng vô địch của giải đấu này.

"Đa số mọi người đều nghĩ con gái nên nhẹ nhàng trong khi đó MMA lại quá bạo lực. Lúc tôi chọn theo con đường này cũng không nhiều người hiểu cho tôi. Nhưng tôi vẫn còn trẻ trung, vẫn muốn chiến đấu, vẫn muốn vì ước mơ mà nỗ lực, không muốn bản thân bị áp đặt", Trương Vĩ Lệ tâm sự. 

Trận đấu quyết định giữa Trương Vĩ Lệ và Joanna Jedrzejczyk, tuyển thủ người Ba Lan, diễn ra vào ngày 8/3 vừa qua. Trước trận đấu, Joanna đã tung ra poster ảnh của mình đang đeo khẩu trang nhằm chọc giận đối thủ người Trung Quốc. Đồng thời, người hâm mộ của Joanna cũng thể hiện sự lố bịch khi vừa cầm cờ Ba Lan vừa hét cụm từ "Virus Corona" nhằm chế giễu nữ võ sĩ đến từ Trung Quốc. 

Đối mặt với sự khiêu khích này, Trương Vĩ Lệ cực kỳ bình tĩnh và phản ứng cứng rắn: "Dùng bi kịch làm chuyện đùa phản ánh tính cách thật sự của 1 con người". Cô thẳng thắn chỉ trích đối thủ: "Có rất nhiều người đã mất bố mẹ con cái trong thảm họa này. Nếu cô nghĩ đả kích tôi sẽ khiến cô trông mạnh mẽ hơn thì tôi cũng không có ý kiến gì, nhưng đừng lấy chuyện này ra đùa giỡn". Sau đó, Joanna phải xin lỗi Trương Vĩ Lệ. 

Tại thời điểm Trung Quốc kiểm soát được dịch COVID-19, Trương Vĩ Lệ nhiều lần tuyên bố cô sẽ dùng chiến thắng của mình để truyền cảm hứng cho mọi người, nhất là các nhân viên y tế và cảnh sát ở tuyến đầu. Sau khi bảo vệ thành công danh hiệu, ngay tại sân thi đấu, cô đã trực tiếp chia sẻ với khán giả toàn thế giới: "Dịch bệnh không chỉ là vấn đề của Trung Quốc, mà còn là của toàn thể nhân loại. Hi vọng mọi người cùng nhau nỗ lực, vượt qua bệnh tật!". Sau khi đánh bại tuyển thủ Ba Lan, cộng đồng mạng đồng loạt lên tiếng tuyên dương Trương Vĩ Lệ. 

Từ một giáo viên mầm mon trở thành võ sĩ hàng đầu thế giới, Trương Vĩ Lệ trở thành biểu tượng nữ quyền mới của Trung Quốc - Ảnh 2.

Từ một giáo viên mầm mon trở thành võ sĩ hàng đầu thế giới, Trương Vĩ Lệ trở thành biểu tượng nữ quyền mới của Trung Quốc - Ảnh 3.

Hình ảnh trong trận đấu tàn khốc giữa Trương Vĩ Lệ (áo đen) và Joanna hôm 8/3 vừa qua.

Sau trận đấu tàn khốc, Trương Vĩ Lệ và Joanna đã gặp lại nhau trong một bệnh viện. Khi ấy, kẻ bại trận Joanna đang khóc không ngừng. Thấy vậy, Trương Vĩ Lệ mới lên tiếng an ủi: "Vì rào cản ngôn ngữ, tôi chỉ có dùng từ "Good Job" để an ủi cô ấy". Ngay lập tức, đối phương đáp lời: "Phải luôn phòng thủ đấy, tôi sẽ luôn theo dõi cô". Lời này của đối thủ khiến nước mắt của Trương Vĩ Lệ tuôn trào.

Từ sự kiện giành danh hiệu quán quân năm ngoái đến bảo vệ danh hiệu năm nay, Trương Vĩ Lệ gần như không nghỉ ngơi trong nửa năm qua. Sau trận đấu khốc liệt, Ủy ban thể Thao Nevada đã yêu cầu 2 võ sĩ Trương Vĩ Lệ và Joanna ngừng thi đấu trong 2 tháng. Nếu không có sự đồng ý của bác sĩ, cô sẽ không thể tái xuất trước tháng 5. 

Trương Vĩ Lệ hi vọng bản thân mình có thể mang lại năng lượng tích cực cho nhiều cô gái, giúp họ dũng cảm theo đuổi ước mơ: "Con gái có thể làm được rất nhiều việc, đừng áp đặt họ. Họ có thể có nhiều khía cạnh, có thể dịu dàng cũng có thể rất dũng cảm, cứng rắn và độc lập". Đồng thời, cô cũng mong ngày càng có nhiều người trẻ tuổi tham gia môn thể thao này.

Ngày 17/3, Trương Vĩ Lệ đăng tải trên weibo dòng trạng thái thông báo cô và đồng đội quyết định ở lại Las Vegas (Mỹ). 

Từ một giáo viên mầm mon trở thành võ sĩ hàng đầu thế giới, cô gái trẻ trở thành biểu tượng nữ quyền mới của Trung Quốc - Ảnh 4.

Dòng thông báo ở lại Mỹ của Trương Vĩ Lệ.

Theo cô, người dân và chính phủ Trung Quốc rất khó khăn mới có thể khống chế được dịch COVID-19. Rời Trung Quốc đến Mỹ thi đấu từ ngày 1/2, hiện tại Trương Vĩ Lệ đã ở đây 1 tháng rưỡi, mặc dù rất nhớ nhà nhưng cô không muốn mình trở thành gánh nặng của đất nước vì phải cách ly 14 ngày. Cô cùng đồng đội quyết định ở lại Mỹ và bắt đầu cuộc sống lang thang ở xứ người. 

Nguồn: QQ News

Chia sẻ