Trượt trường, đừng để trượt niềm tin
Đằng sau bảng điểm là vô vàn tâm trạng: Niềm vui của người này có thể là nỗi buồn của người khác. Nhưng điều đáng lo hơn là sau mỗi kì thi vẫn có những học sinh rơi vào khủng hoảng tâm lí vì áp lực thành tích, vì sự kì vọng quá lớn từ cha mẹ và xã hội.
Một lần thi trượt không phải là dấu chấm hết, nhưng sự im lặng, thờ ơ hoặc trách móc có thể khiến các em không còn muốn bước tiếp. Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng một môi trường giáo dục nhân văn, nơi trẻ được khích lệ trưởng thành bằng tình yêu thương thay vì những con số.
Trong căn phòng yên tĩnh của Khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương), không ít em nhỏ đã vượt qua khủng hoảng tâm lí sau kì thi và để lại những dòng thư đầy cảm xúc như một lời gửi gắm cho những người đang ở trong hoàn cảnh tương tự.

Những lá thư chia sẻ của các bệnh nhi từng điều trị tâm lí tại BV Nhi Trung ương
Một học sinh từng điều trị tại đây viết ngày 22/4/2025: “Cuộc sống dù khó khăn, hãy tin vào bản thân. Bạn không cô đơn. Hãy kiên nhẫn và yêu thương chính mình. Mọi chuyện rồi sẽ tốt thôi. Mình tin bạn, dù chưa gặp bạn. Hãy níu lấy hi vọng!”. Một học sinh khác, trong lần thứ hai nhập viện, để lại bức thư đề ngày 17/6/2025: “Nay là ngày con trở về. Đây là lần thứ hai con nằm ở khoa mình và lần nào cũng tháo được “lớp băng máu” đã giam cầm trái tim con. Con không nghĩ bác sĩ và nhà tâm lí là thần tiên, nhưng họ rất tuyệt vời vì đã cho con một môi trường chữa lành ấm cúng đến thế. Cảm ơn những người đã lặng lẽ ôm trọn lấy con”.
Những dòng thư ấy là minh chứng cho một điều giản dị nhưng sâu sắc, rằng đôi khi, điều trẻ cần nhất sau mỗi kì thi không phải là điểm số mà là tình yêu, sự bao dung và đồng hành từ cha mẹ.
Mới đây, một nữ sinh ở Thanh Hóa đã chấm dứt cuộc sống của mình sau khi trượt kì thi vào lớp 10. Câu chuyện đau lòng ấy không phải cá biệt. Sau mỗi kì thi, khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) lại tiếp nhận thêm học sinh mắc rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ, có ý định tự sát.
Bác sĩ, TS Nguyễn Mai Hương, phụ trách khoa Sức khỏe Vị thành niên, nói: “Áp lực học hành và kì vọng quá lớn khiến nhiều em rơi vào khủng hoảng. Trong khi đó, cha mẹ lại không biết cách đồng hành với con đúng lúc”.
Sau khi nhận kết quả thi không như kì vọng, nhiều học sinh không chỉ phải đối diện với nỗi buồn cá nhân mà còn với những lời trách móc, so sánh từ chính người thân: “Bạn A đỗ rồi, sao con lại không?”, “Bố mẹ vất vả lo cho con, sao con không làm nổi bài thi?”…
Những lời nói ấy, dù vô tình, có thể khoét sâu thêm nỗi đau. Theo bác sĩ Hương, cha mẹ nên giữ bình tĩnh, không nên đem con ra so sánh hay thể hiện sự thất vọng. Thay vào đó, hãy hỏi han, chia sẻ, và động viên con. “Con cảm thấy thế nào?”, “Bố mẹ luôn ở đây cùng con”, hay chỉ đơn giản là một cái ôm, một lời cảm ơn vì những nỗ lực suốt thời gian ôn thi đôi khi lại có sức mạnh chữa lành lớn hơn bất kì lời khuyên răn nào.
Những cái ôm, lời chúc mừng, và cả lời cảm ơn vì con đã cố gắng là món quà quý giá nhất sau mỗi mùa thi. Khi gia đình là chốn an toàn, con sẽ đủ vững vàng để bước tiếp cho dù điểm số hôm nay không cao. Đừng biến kì thi thành vết sẹo của tuổi thơ. Hãy biến nó thành bước đệm cho sự trưởng thành.