Trường học ‘lên giây cót' thay sách giáo khoa lớp 4 và lớp 8
Chuẩn bị thay sách giáo khoa lớp 4 và lớp 8 năm học mới 2023-2024, nhiều trường học ở Thanh Hóa đã chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.
Đội ngũ giáo viên đã sẵn sàng
Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Phạm Thị Mai Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình, TP Thanh Hóa - cho biết, để chuẩn bị thay sách giáo khoa (SGK) mới theo Chương trình GDPT 2018, hiện nay nhà trường đang khảo đội ngũ giáo viên (GV) cốt cán, để đọc bộ tài liệu của Bộ GD&ĐT.
Bởi lẽ, bộ tài liệu sách đó thông qua bộ sách điện tử, nên GV cốt cán phải đọc, nghiên cứu để góp ý về nội dung SGK. Sau đó, mới tổ chức lựa chọn và đưa về trường, rồi toàn bộ GV nhà trường đọc, nghiên cứu và góp ý... Cuối cùng, mới đến vấn đề lựa chọn SGK.
Cũng theo cô Mai Hoa, trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 cho đến bây giờ đã là 3 năm và năm học tới (2023-2024), thì nhà trường sẽ chuẩn bị cho GV dạy lớp 4. Ở Chương trình GDPT 2018, có nhiều điểm mới và chương trình SGK cũng có những điểm mới về nội dung.
Chẳng hạn, như thay đổi nội dung theo cách tịnh tiến từ lớp dưới lên lớp trên. Do đó, dự kiến trong phân công GV, thì năm tới sẽ lựa chọn cô nào dạy lớp 4. Sau đó, nhà trường sẽ cử GV ấy đi tiếp thu chương trình thay SGK lớp 4 về, thì sẽ nghiên cứu kỹ rồi mới đi tập huấn.
Thầy giáo Trần Văn Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) – cho biết, để chuẩn bị thay SGK lớp 8 theo Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã chuẩn bị đội ngũ GV, để tham gia tiếp thu và tập huấn.
“Đối với Chương trình GDPT 2018, năm đầu tiên khi thực hiện thay SGK khối lớp 6, nhà trường cũng có nhiều bỡ ngỡ nhất định. Tuy nhiên, sau 2 năm tổ chức thực hiện, thì đối với khối lớp 8, các thầy, cô giáo cũng cảm thấy bình thường.
Vì đội ngũ GV của nhà trường đã cơ bản ổn định, đủ cơ cấu các bộ môn để sắp xếp tiếp cận và giảng dạy tốt cho chương trình mới. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã cơ bản đáp ứng được. Vì thế, nhà trường đã sẵn sàng để tham gia tiếp thu, tập huấn chương trình thay SGK mới theo quy định của Bộ GD&ĐT”, thầy Tuấn thông tin.
Cũng theo thầy Tuấn, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường yêu cầu tất cả GV đều phải tiếp cận. Sau khi đội ngũ GV cốt cán đi tập huấn về, phải truyền đạt lại cho toàn bộ thầy, cô giáo trong trường, để khi có trường hợp phân công dạy thay, thì không ngỡ ngàng, lúng túng.
Bà Lê Thúy Lan - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Thanh – cho biết, việc chuẩn bị cho thay SGK mới khối lớp 4 và lớp 8 trong năm học tới, Phòng GD&ĐT huyện Như Thanh cũng đã chuẩn bị đội ngũ GV để đi tiếp thu, tập huấn SGK mới.
Theo bà Lan, huyện Như Thanh hiện nay có hơn 60 lớp 4, với 61 giáo viên và đội ngũ quản lý là 120 người. Đối với khối lớp 8, năm học tới, huyện Như Thanh có 56 lớp 8, do đó có khoảng hơn 160 GV dạy văn hóa, vì có thêm đội ngũ GV dạy các môn tích hợp. Nếu tính tổng cả đội ngũ GV và quản lý chuẩn bị cho chương trình thay SGK mới, thì huyện Như Thanh có khoảng 280 người sẽ tham gia tập huấn Chương trình GDPT mới 2018.
Cần tăng thời lượng tập huấn thay SGK
Trao đổi với Báo GD&TĐ về vấn đề này, NGƯT Phạm Thị Mai Hoa cho rằng, việc tổ chức tập huấn thay SGK của cấp Bộ, hiện nay đang rất ít thời gian. Tiếp thu, tập huấn mới ở mức độ giới thiệu SGK là nhiều, chứ chưa tập huấn về phương pháp sử dụng, giảng dạy của cuốn sách đó... Do đó, cô Mai Hoa mong muốn các Nhà xuất bản phối hợp với Bộ GD&ĐT làm kỹ hơn vấn đề này.
Bởi lẽ, các GV hay quản lý nhà trường cũng không thể tiếp cận được hết vấn đề của tất cả các môn trong vòng thời gian chỉ có 2 ngày. Đó là điều khó khăn cho các nhà trường khi đi tập huấn chương trình SGK mới.
NGƯT Phạm Thị Mai Hoa cũng thông tin thêm, để làm tốt được vấn đề thay SGK mới, năm ngoái khi thực hiện chương trình thay SGK lớp 3, Ban giám hiệu nhà trường cử cả GV dạy lớp 4 tham gia vào chuyên đề đó, với mục đích cho GV nắm bắt được nội dung.
Còn trong quá trình giảng dạy, nếu để GV đi dự giờ và tự nắm bắt được nội dung, phương pháp thì sẽ rất khó khăn. Bởi lẽ, GV hiện tại đều phải dạy 2 buổi/ngày, sẽ không có thời gian dự giờ hay tự nghiên cứu.
Với cách làm nêu trên, dự kiến năm nay nhà trường sẽ cử GV lớp 5 cùng tham gia tiếp thu, tập huấn, nghiên cứu với GV lớp 4 và cả GV lớp 3 cũng sẽ tham gia, để không được dạy quá chương trình.
“Nhiệm vụ của GV tiểu học là bắt buộc phải nắm bắt được và xuyên suốt chương trình của 5 lớp học (từ lớp 1 đến lớp 5). Đây là một vấn đề khó đối với GV. Vì thế, chúng tôi sẽ tổ chức cho GV thực hiện kế tiếp như thế, sẽ đỡ vất vả cho các cô và có hiệu quả hơn”, cô Hoa chia sẻ.
Vẫn khó khăn vì thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học
Vấn đề chậm cấp thiết bị, đồ dùng dạy học, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình cho hay, nhà trường có phòng học vi tính, có đủ GV các môn đặc thù, nên việc thực hiện Chương trình GDPT mới cũng khá thuận lợi hơn nhiều trường khác trong tỉnh.
“Đối với thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ cho Chương trình GDPT 2018, hiện nay tỉnh đã cấp cho khối lớp 2, còn khối lớp 3, sẽ được cấp trong thời gian tới. Mặc dù tỉnh cấp thiết bị, đồ dùng cho khối lớp 3 có hơi chậm, nhưng thực tế đối với nhà trường cũng không ảnh hưởng nhiều.
Bởi lẽ, khối lớp 1, lớp 2 đã được trang cấp đầy đủ, hơn nữa hiện nay mạng xã hội khá phát triển, nên GV cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho nhau cũng như giáo án điện tử, nên các cô cũng có những tư liệu. Tuy nhiên, nếu có đồ dùng, thiết bị dạy học trực tiếp, thì cũng sẽ tốt hơn rất nhiều”, cô Hoa chia sẻ.
Bà Lê Thúy Lan - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Thanh – cho biết, hiện nay, huyện Như Thanh mới nhận được thiết bị, đồ dùng dạy học của khối lớp 2 và lớp 3, còn đối với khối lớp 3 và lớp 7, thì chưa được cấp về.
Theo bà Lan, để khắc phục tình trạng thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học khối lớp 3 và lớp 7, huyện cũng đã hỗ trợ các trường lắp đặt hệ thống ti vi, để các trường thực hiện Chương trình GDPT 2018.
“Trước thực trạng trên, Phòng GD&ĐT huyện Như Thanh chỉ đạo các nhà trường trong huyện khắc phục những khó khăn trước mắt và chờ tỉnh cấp thiết bị, đồ dùng dạy học về trong thời gian tới”, bà Lan nói.
“Cần tập huấn kỹ càng hơn nữa về phương pháp giảng dạy của từng phân môn, cách thức, nhận thức nội dung và phương pháp giảng dạy của từng cuốn sách. Tuy nhiên, khi GV tham gia tập huấn, thì không được tiếp cận kỹ càng hơn những nội dung nêu trên.
Vì vậy, khi GV đi tập huấn 2 ngày trở về trường, chúng tôi phải tổ chức cho GV ngồi lại nghiên cứu xem có những dạng bài nào, cần phải làm gì, cách dạy của từng dạng bài ra sao, thì các cô tự thảo luận thành một chuyên đề. Sau đó, các cô dạy thử trước khi năm học mới bắt đầu”, NGƯT Phạm Thị Mai Hoa đề nghị.