Trứng ngỗng không tốt như bà bầu tưởng
Ăn trứng ngỗng mắt con sẽ to tròn, thông minh... , là những kinh nghiệm mà trong “thế giới các bà bầu” vẫn thường hay mách nhau thực hiện. Thực ra, trứng ngỗng chỉ hiếm chứ không quý.
Khác với trứng gà, trứng vịt hay trứng cút… những người ăn trứng ngỗng đa phần là phụ nữ mang thai. Nhiều người khi được hỏi cũng tình thiệt cho biết chẳng thích thú gì khi ăn loại trứng này vì mùi vị nhạt nhẽo, không ngon. Đã có trường hợp ăn không quen nhưng vì tin trứng ngỗng có thể giúp sinh con như ý muốn nên đã cố ăn đến nỗi bị nôn ói. Thêm vào đó, giá bán của loại trứng này cũng khá đắt đỏ, một quả trứng ngỗng có khi bằng cả chục quả trứng gà nên càng khiến nhiều người nghĩ: “chắc tại quý quá nên mới đắt vậy”.
Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy có mối liên quan giữa trứng ngỗng với sự hình thành giới tính và phát triển trí thông minh của trẻ. Ảnh: Thanh Lâm - Hồng Nguyên
Hiếm chứ không quý
Thật ra, do rất kén người ăn nên phần lớn người nuôi ngỗng chỉ ấp trứng để nuôi lấy thịt chứ ít nơi chuyên nuôi ngỗng đẻ để bán trứng. Hơn nữa ngỗng là loại gia cầm thường hay chết dịch hàng loạt nên không được nông dân ưa chuộng như các loại gia cầm khác. Cũng chính vì vậy mà trứng ngỗng ngày càng trở thành của hiếm trên thị trường. Nhưng hiếm chứ không quý. Bởi trứng ngỗng cũng giống trứng vịt, thậm chí còn không được sạch bằng. Nhiều người buôn bán trứng ở Việt Nam đã lợi dụng tâm lý của những phụ nữ sắp làm mẹ muốn dành cho con mình tất cả những gì tốt đẹp nhất mà vẽ vời ra những tác dụng không đúng để trục lợi.
Về giá trị dinh dưỡng, trứng ngỗng tuy giàu prôtein hơn trứng gà một chút (trứng ngỗng 13,5% còn trứng gà chỉ 12,5%) nhưng đổi lại lượng lipid cao hơn (trứng ngỗng 13,2%, trứng gà 11,6%). Hàm lượng các vitamin của trứng ngỗng cũng thua trứng gà. Đặc biệt vitamin A, rất cần cho phụ nữ có thai, ở trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng đã có lời khuyên, thay vì cố ăn trứng ngỗng một cách không thích thú, các bà bầu nên dùng trứng gà. Bách khoa toàn thư về thức ăn và dinh dưỡng của Mỹ viết: “Trứng gà là một trong những thức ăn hoàn thiện nhất mà nhân loại đã biết. Thành phần các chất prôtein, lipid, glucid, các vitamin và chất khoáng trong trứng có tỷ lệ hợp lý, giúp bồi dưỡng sức khoẻ rất tốt”. Trong y học cổ truyền Việt Nam, trứng gà cũng được dùng làm thuốc bổ dưỡng. Đông y gọi lòng đỏ trứng gà là “kê tử hoàng”, có công dụng dưỡng âm, tốt cho tỳ vị, trị mất ngủ do âm hư... Ngày xưa khi đi thăm người mang thai, sinh nở, bao giờ người ta cũng đem theo chục trứng gà làm quà.
Ăn vì đồn đại coi chừng mang hoạ
Cần khẳng định ngay rằng, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào khẳng định khi mang thai nếu ăn trứng ngỗng thì con thông minh, khoẻ mạnh hoặc trứng ngỗng tốt cho thai nhi hơn các trứng gia cầm khác. Quan niệm ăn bảy trứng sẽ sinh con trai, chín trứng sinh con gái cũng là không có cơ sở khoa học. Không có bằng chứng nào cho thấy có mối liên quan giữa trứng ngỗng với sự hình thành giới tính và phát triển trí thông minh của trẻ.
Trên thực tế, nếu mẹ ăn uống đủ chất thì con sinh ra sẽ khoẻ mạnh, trí thông minh được phát huy tối đa. Để có đủ chất, người mẹ nên ăn uống đa dạng, trong đó trứng cũng là thực phẩm quan trọng. Kinh nghiệm thực hành dinh dưỡng đã cho thấy bồi bổ bằng trứng gà được coi là tốt nhất trong các loại trứng gia cầm. Các sản phụ chỉ nên ăn trứng ngỗng khi thấy thích và tuyệt đối không nên ăn vì những đồn đại này nọ. Người Mỹ hầu như không ăn trứng ngỗng vì cholesterol nhiều. Thực tế trong điều trị cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp bà bầu bị béo phì vì đã lạm dụng thái quá thực phẩm giàu lipid như trứng ngỗng. Mặc dù chưa có kết luận nào về việc phụ nữ mang thai ăn nhiều trứng ngỗng nên bị bệnh tim mạch, huyết áp, tắc nghẽn động mạch, nhồi máu cơ tim… nhưng về lý thuyết dinh dưỡng, cholesterol có liên quan, và là thủ phạm gây ra những bệnh lý này.
Theo ThS.BS Lê Thị Thu Hương
khoa sản phụ, học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam
SGTT
khoa sản phụ, học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam
SGTT