Trời ơi! Đến bao giờ thì chồng tôi mới chịu lớn đây?
Nhiều khi tôi tự hỏi đến khi nào thì chồng tôi mới quyết định được mọi việc như một người đàn ông trưởng thành thực sự. Đến bao giờ thì chồng tôi mới chịu lớn?
Nhà có một anh con trai 4 tuổi - ngoan ngoãn nghe lời, cái gì cũng Mẹ, và cũng có cả một "anh con trai" mang tên "Chồng" cũng ngoan ngoãn và cái gì cũng "Mẹ Chồng" thêm cả Chị chồng. Quả thật là nản vô cùng.
Hai vợ chồng lấy nhau bằng tuổi và lấy nhau lúc muộn muộn nghĩa là đều có công việc ổn định và thu nhập ổn định. Rồi cũng phải vài ba năm mới có em bé. Những tưởng với tầm tuổi ấy, thời gian ở với nhau trước khi có con cũng nhiều thì chồng chín chắn trưởng thành hơn, ra dáng làm Bố, là trụ cột gia đình nhưng ai dè sự đời không như mơ.
Anh chồng từ hồi chưa kết hôn đã có thói quen cái gì cũng về kể với mẹ và chị chồng. Anh chồng được nuôi dưỡng trong một gia đình quá tình cảm, mẹ và chị có thói quen kể lể cho nhau nghe từ những việc bé tí tí trong cuộc sống đến những việc to tát như công việc, sự nghiệp của con trai, con gái mình. Chị chồng lấy chồng lại ở cùng bố mẹ đẻ càng có điều kiện xem xét cuộc sống riêng tư của em mình. Bà chị nhiều khi quyền còn to hơn cả bà mẹ. Anh con giai trước khi lấy vợ quen ỷ lại chị. Sau khi lấy vợ vẫn giữ thói quen đó.
Nhà có một anh con trai 4 tuổi - ngoan ngoãn nghe lời, cái gì cũng Mẹ, và cũng có cả một "anh con trai" mang tên "Chồng" cũng ngoan ngoãn và cái gì cũng "Mẹ Chồng". (ảnh minh họa)
Vợ chồng về ở với nhau, ban đầu vợ còn chưa quen với việc mẹ chồng chị chồng can thiệp. Chỉ thấy gợn gợn vụ chồng nhắc gì vợ hay cáu vợ đều có đệm một loạt từ vựng như: "Chị bảo..", "Mẹ bảo…". Sau phát hiện ra chồng mình có gì cũng về kể. Từ chuyện công việc, chuyện mua sắm cái đồ dùng trong nhà, chuyện mua bảo hiểm của vợ…đến cả chuyện con cái sinh hoạt vợ chồng thời chưa có con. Rồi thì, mẹ chồng gọi điện bóng gió những gì bà không hài lòng. Chị chồng thì lên giọng "Bọn mày còn trẻ chưa hiểu chuyện". Trong khi cả hai vợ chồng đều đã đầu ba chứ ít ỏi gì. Có bữa, chồng còn đem cả chuyện gia đình nhà vợ về kể với nhà mình. Bữa đó, vợ nổi điên tam bành. Hai vợ chồng giận nhau cả tuần. Giận thì thế, chồng ôm túi về ở với bố mẹ mình. Coi chả có chuyện gì. Vợ đã suýt nghĩ đến chuyện bỏ chồng.
Rồi thì đến lúc có em bé. Chuyện lại càng to. Chồng nhất nhất nghe lời chị và mẹ. Lời Chị và Mẹ là thánh chỉ trong nuôi và chăm em. Vợ không có quyền. Và vì có chị và mẹ, chồng như chưa đến lúc chín muồi để làm bố. Vợ đi đẻ, chồng ngủ cả đêm. Vợ nhờ chồng dìu toilet. Mẹ chồng bảo "Để yên cho nó nghỉ". Trong khi, vợ bị cơn co đau tưởng muốn chết. Tắc sữa không về. Em bé bé bỏng càng nuôi càng hay ốm. Vợ suốt ngày ở nhà trông bé, chưa có kinh nghiệm, không có sữa, stress. Chồng vô tư đi làm rồi đi gặp bạn bè, đi ăn nhậu, đi sinh nhật. Đêm về sang giường khác ngủ vì bị em bé làm phiền. Cả 3 năm nuôi con, chồng chưa biết đến việc cho được con ăn một bữa. Tự mình trông được con một tối. Vợ có việc bận thì "Bà Nội" với "Bác".Cả thời gian ở cữ của vợ, chồng gắn liền với cái máy điện thoại và game nhiều hơn là chăm con. Đến lúc vợ đi làm, con được 4 tuổi, nếp sinh hoạt của chồng cũng chẳng thay đổi nhiều. Vẫn như giai độc thân chưa gia đình, chỉ bạn bè, chơi game và "nhờ mẹ và chị". Vợ nhiều lúc lại muốn bỏ "bố của con mình" lần hai.
Chồng nhất nhất nghe lời chị và mẹ. Lời Chị và Mẹ là thánh chỉ trong nuôi và chăm em. Vợ không có quyền. (ảnh minh họa)
Tiền chồng kiếm được, quen thói quen đưa cho mẹ giữ từ khi chưa có gia đình. Đến lúc có gia đình, mẹ chồng vẫn giữ. Vợ ý kiến quy về một mối, độc lập tài chính. Chồng "thỏ thẻ" với mẹ, Mẹ chồng lại nạt con dâu: "Chúng mày trẻ không biết giữ tiền. Mày lo mẹ lấy tiền của chúng mày à". Thôi thế là vợ làm được bao nhiêu để dành ra lo cho thân và lo cho con.
Vợ nghĩ chắc muốn sống lâu dài đến cuối cuộc đời với nhau thì có lẽ vợ sẽ không nói nhiều với chồng, tự mình lo cho mình và con, độc lập về kinh tế. Còn thì chồng chỉ có danh nghĩa mà thôi. Và…chắc vài ba năm nữa, vợ cũng không còn quan tâm đến việc "Chồng mình có lớn được hay không?" nữa rồi.