Trẻ mầm non hào hứng hưởng ứng trào lưu “thử thách dọn rác”

Quang Vũ,
Chia sẻ

Thời gian qua, phong trào ý nghĩa giúp trực tiếp bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức cộng đồng đã được lan tỏa mạnh mẽ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Thậm chí ngay cả các em nhỏ mầm non ở TP. Hồ Chí Minh cũng tích cực hưởng ứng và hăng hái đóng góp công sức theo cách riêng của mình.

Được khởi xướng bởi tài khoản Facebook Byron Román, "Thử thách dọn rác" (#ChallengeForChange - Thách thức để thay đổi) là trào lưu kêu gọi người dùng mạng xã hội chụp lại ảnh trước và sau khi làm vệ sinh, dọn dẹp môi trường để lan tỏa và kêu gọi cộng đồng cùng hành động.

Ngay lập tức, những chia sẻ của chàng trai người Romania được đông đảo các bạn trẻ, hội nhóm, diễn đàn hưởng ứng tạo nên một trào lưu lan truyền mạnh mẽ đến khắp nơi trên thế giới. Đáp lại lời kêu gọi hết sức ý nghĩa trên, hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới đã hưởng ứng trào lưu này và nó nhanh chóng trở thành hot trend trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ, hội nhóm đã tìm đến những bãi rác đã tồn tại lâu ngày, những dòng kênh bị rác bao phủ, những khu du lịch ngổn ngang rác, những bãi biển vắng người nhiều rác… nhưng chưa được dọn dẹp để bắt đầu thử thách sau đó chụp lại thành quả rồi đưa lên mạng xã hội như để hòa mình vào một công việc ý nghĩa vì môi trường sống.

Trẻ mầm non hào hứng hưởng ứng trào lưu “thử thách dọn rác” - Ảnh 1.

"Thử thách dọn rác" xuất phát từ tài khoản Byron Román và lan tỏa trên mạng xã hội.

Cũng như các nước trên thế giới, các bạn trẻ ở Việt Nam cũng nhanh chóng nắm bắt trào lưu và có nhiều hành động thiết thực. Liên tiếp các cá nhân, hội nhóm ở nhiều tỉnh thành từ Bắc tới Nam đã tham gia với tinh thần quyết tâm thay đổi môi trường sống xung quanh mình. Không dừng lại ở những bạn trẻ, một số nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng cũng đã tham gia thử thách và kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Đặc biệt hơn, không chỉ người lớn, ngay cả các "siêu nhân nhí" ở độ tuổi mầm non cũng hào hứng hưởng ứng thử thách ý nghĩa này. Các thầy cô trung tâm giáo dục Konnit đã hướng dẫn các bé mầm non 3-6 tuổi học cách bảo vệ môi trường qua hoạt động dọn rác ở bãi đất trống. Không chỉ góp phần nhỏ bé trực tiếp vào việc bảo vệ thiên nhiên, những hành động này của các bé cũng giúp các bậc phụ huynh và cộng đồng thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại những trải nghiệm thực tế bổ ích, quý giá mà không trường lớp, sách vở nào có thể dạy.

Để đảm bảo hoạt động giáo dục ý nghĩa nhưng vẫn mang lại môi trường sinh hoạt vệ sinh và an toàn, các thầy cô đã dụng tâm chuẩn bị rất kỹ càng về quy trình và đồ bảo hộ cho các bé. Cùng "super soi" vào trang phục và các dụng cụ của các "siêu nhân nhí" khi tham gia "thử thách dọn rác" nhé!

Trẻ mầm non hào hứng hưởng ứng trào lưu “thử thách dọn rác” - Ảnh 2.

Các "siêu nhân nhí" được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như giày, mũ, khẩu trang, găng tay dày, kẹp gắp và giỏ mây,... để đảm bảo an toàn, vệ sinh khi thực hiện dọn rác.

Cũng như với các hoạt động sinh hoạt vui chơi ngoài trời khác của Konnit, các phụ huynh được thầy cô thông báo trước để chuẩn bị cho bé đi giày, ủng và lựa chọn quần áo phù hợp. Mũ nón, đồ dài tay cùng bình nước cũng là những vật dụng không thể thiếu để đảm bảo các "siêu nhân nhí" đủ sức khỏe để hoàn thành thử thách. Đặc biệt hơn, với "thử thách dọn rác", 100% các bé tham gia được thầy cô trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như găng tay dày, khẩu trang và kẹp inox dài để gắp rác, chứ không trực tiếp dùng tay để tránh tiếp tục với bụi bẩn, vi khuẩn. Với tỉ lệ 1 giáo viên hướng dẫn 4 bé, cùng người giám sát và nhân viên cứu hộ, các "siêu nhân nhí" của chúng ta được hỗ trợ tỉ mỉ, kỹ càng trong mọi trường hợp.

Ngoài ra, các thầy cô thực hiện các giải pháp lựa chọn, khảo sát và kiểm tra kỹ khu vực dọn rác của các bé vào các ngày trước khi thử thách diễn ra. Nơi đó là là một khu đất trống gần trung tâm, không có xe cộ qua lại cùng bảo vệ canh gác. Mặt đất phải đảm bảo khô ráo, không có cỏ um tùm, không có xác sinh vật chết,... Chiều hôm trước, nhân viên được đào tạo sẽ khoanh vùng khu vực, dò trên mặt đất và xử lý để không có mảnh vỡ thuỷ tinh, cành cây khô chìa lên mặt đất... đảm bảo an toàn tối đa cho các "siêu nhân nhí" khi di chuyển, sinh hoạt tại đây.

Trẻ mầm non hào hứng hưởng ứng trào lưu “thử thách dọn rác” - Ảnh 3.

Super soi đồ bảo hộ của các "siêu nhân nhí" khi tham gia "Thử thách dọn rác".

Nhiều người cho rằng các bé ở độ tuổi 3-6 còn quá nhỏ để tham gia "thử thách dọn rác" hay được giáo dục về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên thực tế cho thấy khi được tổ chức chặt chẽ và cẩn thận, các hoạt động thực tiễn kết hợp vui chơi - học hỏi như việc dọn rác là phương châm được không chỉ khiến các "siêu nhân nhí" rất thích thú, mà còn nhận được sự ủng hộ của phụ huynh. Chị Trần Vũ Thùy Dương (Quận 7 - TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Hoạt động này sẽ giáo dục giúp các bé thay đổi nhận thức. Khi bé muốn vứt gì đó xuống đất, tôi tin bé sẽ nghĩ lại thời gian mình đi làm sạch môi trường. Từ suy nghĩ đó, các bé sẽ thay đổi hành động thực tế. Đó là kết quả của việc tham gia hoạt động thực tiễn mang lại, nó tốt hơn nhiều so với việc trẻ chỉ được học đơn thuần lý thuyết".

Với những nỗ lực của các thầy cô, hoạt động ý nghĩa của các "siêu nhân nhí" được diễn ra một cách có quy trình chặt chẽ, tổ chức khoa học và thực hiện an toàn, đảm bảo vệ sinh. Điều này giúp các phụ huynh an tâm đồng thời giúp các bé thoải mái, có thêm những buổi sinh hoạt vui vẻ, an toàn, thân thiện và học hỏi được nhiều điều trong hành trang lớn khôn của mình.

Trẻ mầm non hào hứng hưởng ứng trào lưu “thử thách dọn rác” - Ảnh 4.

Không chỉ tham gia "thử thách dọn rác" ở công viên, các bé còn được giáo dục về môi trường qua việc thu gom chai, nắp nhựa và tái chế thành đồ chơi, đồ học tập.

Không chỉ riêng việc dọn rác, mô hình học tập ngoài trời có lợi ích là các bé được học hỏi qua hoạt động thực hành ngoại khóa, gần gũi với thiên nhiên, nhưng đồng thời cũng có thách thức là không thể giữ "an toàn 100%" theo quan niệm chung của một số cha mẹ. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt, xu hướng chung trên thế giới, cũng như ở Việt Nam là cha mẹ dần dần không còn thói quen giữ khư khư con ở trong nhà. Thay vào đó, gia đình và nhà trường cùng chung tay, tìm hiểu thật kỹ xem nếu để con ra ngoài trời thì có những nguy cơ gì có thể xảy ra và dự phòng các rủi ro kỹ càng, tỉ mỉ từ đầu. Như vậy, vừa giải được bài toán giúp con hòa nhập thiên nhiên, học hỏi điều hay, vừa giảm thiểu những nỗi lo lắng không đáng có của cha mẹ, mang lại môi trường giáo dục an toàn và thoải mái cho các con.

Xem thêm:

Hình ảnh: http://bit.ly/2K7Evhd 

Clip: http://bit.ly/2Gbt7M0 

Chia sẻ
Trang tin tức phụ nữ 24h, cách chọn trường mẫu giáo cho con được chia sẻ tại aFamily.