Trào lưu bẻ xương khớp kêu rắc rắc của các “thầy thuốc nắn xương” lan tràn mạng xã hội: HLV chỉ ra sự thật phía sau khiến nhiều người khiếp sợ
Chung quy lại, giới chuyên gia khẳng định, việc bẻ xương khớp kêu rắc rắc chẳng có gì hay ho nên ai đang tò mò muốn thử hãy cẩn trọng...
Mới đây, trên mạng xã hội Tiktok xuất hiện trào lưu bẻ xương bẻ khớp với mục đích chữa bệnh cho những người gặp vấn đề xương khớp. Theo đó, bạn chỉ cần đến gặp những "thầy thuốc" này sẽ được nắn chỉnh xương khớp để thực hiện đúng chức năng của nó. Những tiếng kêu rắc rắc khi các chuyên gia này bẻ trở thành niềm thích thú của nhiều Tiktoker.
Trào lưu bẻ xương khớp kêu rắc rắc lan truyền Tiktok.
Đặc biệt những video Tiktok của các "thầy thuốc online" thuê những cô gái xinh đẹp về và tiến hành bẻ xương khớp, nắn chỉnh hàm, cổ... kêu rắc rắc thật sự tạo tính viral rất lớn. Những "chuyên gia" này tự nhận mình là thầy thuốc nắn chỉnh cột sống online. Sự lan tràn khủng khiếp của những video này vô hình chung làm cho chúng ta hiểu nhầm về lợi ích của vật lý trị liệu mang lại.
Vậy, trào lưu chữa bệnh xương khớp kiểu này thực hư thế nào, có hiệu quả hay không?
HLV Trần Minh Huy (làm việc tại Smallgym) chia sẻ, tại nơi anh làm việc mới đây có mở thêm dịch vụ vật lý trị liệu và nhận được vô số câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Rất nhiều bạn băn khoăn tiếng rắc rắc khi bẻ xương khớp đang lan tràn mạng xã hội thực ra là gì. Trước những băn khoăn của mọi người cũng như nhằm bóc trần sự thật của những video bẻ xương khớp có tính viral cao trên mạng xã hội, vị huấn luyện viên đã dành thời gian để chia sẻ những vấn đề này.
Vì sao bẻ xương khớp sẽ nghe thấy tiếng kêu rắc rắc?
Theo HLV Trần Minh Huy, nắn chỉnh cột sống hay nói chính xác hơn là trị liệu thần kinh cột sống (tên tiếng Anh là chiropractic). Khi xem trên Tiktok, Youtube hay Instagram, bạn sẽ thấy đầy rẫy các video bẻ khớp phát ra những tiếng kêu rắc rắc. Vị huấn luyện viên nhận định có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
Nguyên nhân đầu tiên: Do thoát khí
HLV Trần Minh Huy giải thích, khớp của chúng ta không phải khối đặc, cố định mà nó có những khoảng trống, được lấp đầy bởi các chất dịch lỏng. Những chất lỏng này hoạt động như chất bôi trơn, chứa các khí như oxy, nitơ hoặc cacbon dioxit. Khi bạn cố gắng bẻ hoặc kéo quá biên độ của khớp, đồng thời kéo căng bao khớp và các bong bóng khí kể trên khi chúng tích tụ đủ to thì nó sẽ "nổ bùng". Bọt khí to này sẽ vỡ ra thành các bọt khí nhỏ li ti. Nếu bạn muốn tiếp tục nghe thấy tiếng rắc rắc thì sẽ phải đợi đủ thời gian cho bọt khí tích tụ đủ to để tiếp tục nổ.
Nguyên nhân thứ 2: Ma sát trong khi cử động của khớp, gân và dây chằng
Khi cử động khớp, vị trí của gân sẽ hơi lệch ra ngoài một chút. Bạn để ý sẽ thấy tiếng lách tách nhỏ khi gân trở lại vị trí ban đầu. "Bạn có thể nghe thấy những tiếng kêu này trong nhóm khớp phức tạp như khớp vai, khớp cổ tay, cổ chân", HLV Minh Huy nói.
Nguyên nhân thứ 3: Bề mặt thô ráp
Đây là điều khiến nhiều bạn luôn sợ hãi và thường xuyên hỏi HLV Trần Minh Huy, kiểu như "có phải em bị khô khớp, bị thoái hóa cái này cái kia hay không...". Đúng là điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu tiếng kêu có kèm theo cơn đau.
Lý do là khi bề mặt khớp bị mất đi lớp sụn trơn hoặc bị thoái hóa, khiến chúng bị lởm chởm thì sẽ phát ra âm thanh ma sát khi di chuyển. "Tuy nhiên chắc chắn phải kèm theo cơn đau, nhất là trong trường hợp rách sụn chêm", vị huấn luyện viên nhấn mạnh. Còn nếu không có cơn đau đi kèm thì bạn không cần thiết phải lo lắng về việc chứng thoái hóa xương khớp nữa.
"Tóm lại, tiếng kêu của khớp hoàn toàn không phải do hành động nắn chỉnh khớp hiệu quả. Trong thực tế, nhiều người bẻ khớp không kêu nhưng hành động này lại tháo gỡ lại những đoạn bị chèn ép và giúp bệnh nhân thoát được cơn đau tức thì. Còn ở trên mạng xã hội hiện nay đang xuất hiện trào lưu bẻ xương khớp rắc rắc, theo tôi, đó chẳng qua là người ta đang tìm những khu vực phát ra âm thanh rõ nhất để thực hiện mà thôi, mục đích có thể là thể hiện, "biểu diễn" thay vì trị đau nhức cho bệnh nhân. Những chiropracter thiếu kiến thức như này thì thường sẽ học các mánh bẻ để làm sao nó có thể kêu to thật to thay vì học về cơ thể người để trị bệnh. Đó là lý do giới chiropracter ở bên Mỹ hiện nay thường bị bóc mẽ và ăn chửi khá nhiều", HLV Trần Minh Huy khẳng định.
"Nguyên nhân khiến bạn tìm đến những phòng vật lý trị liệu, đầu tiên là giảm đau nhức cơ bắp, sau đó là giảm đi những vấn đề của dây thần kinh chèn ép cột sống chứ không phải là đến để nghe những tiếng kêu rắc rắc. Trong tệp khách hàng của tôi có những khách hàng gặp vấn đề thực sự về cơ xương khớp. Phòng khám bên tôi không nhận các trường hợp muốn đến bẻ khớp cổ... để xem có vui tai hay không", HLV Trần Minh Huy cho biết thêm.
Nói chung, trong tập luyện thể dục thể thao nói riêng hoặc trong cuộc sống nói chung, nếu bạn chẳng may bị chấn thương, hãy tìm đến những nơi uy tín với huấn luyện viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm để xử lý chấn thương, tập phục hồi chức năng càng nhanh càng tốt. Nếu để cơn đau và tình trạng viêm kéo dài sẽ không thể phát triển các khả năng thích ứng với mọi vấn đề được, thậm chí nhanh chóng bị thoái hóa, co cứng lại.
Tự ý bẻ khớp - Thói quen xấu ảnh hưởng đến xương khớp
PGS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc (khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, việc tự ý bẻ xương khớp kêu rắc rắc cho vui tai vốn là một trong những thói quen xấu, làm giảm tuổi thọ của xương khớp.
Nguyên nhân bởi, khi bẻ khớp như hành động bẻ khớp ngón tay, vặn lưng, vặn cổ, các khớp hoạt động nhanh đột ngột và quá tầm vận động, dễ gây tổn thương, phá hủy các cấu trúc sụn khớp, cấu trúc dây chằng xung quanh khớp nên rất có hại cho khớp. Điều này vô hình chung khiến các khớp ngày càng to lên đồng thời có thể gây ra tổn thương như bong gân, giãn dây chằng, trật khớp, làm sụn khớp nhanh bào mòn và đẩy nhanh quá trình lão hóa...
Trả lời thêm về vấn đề này, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) khẳng định, bất cứ ai muốn chữa bệnh theo vật lý trị liệu cần tìm đến những nơi uy tín, những người có nhiều năm kinh nghiệm để chữa đau nhức, chấn thương hiệu quả, tránh tiền mất tật mang.
Với tác động mạnh, người thực hiện có chuyên môn không đảm bảo có thể dẫn đến các trường hợp lệch đĩa đệm, giãn dây cột sống. Bên cạnh đó, có những huyệt nguy hiểm như ở đầu, mặt, cần phải cẩn thận, nếu không có kiến thức thì không nên tác động, bởi nếu không sẽ gây tê liệt thì một thời gian mới vận động bình thường được trở lại.