Tranh cãi bất ngờ xung quanh câu hỏi "Khai giảng vào đầu thu hay cuối thu?" từ đề thi Tiếng Việt lớp 2
Xưa nay ai cũng nghĩ khai giảng là vào đầu thu, nhưng lại có bằng chứng cho 1 kết quả khác và khiến các bậc phụ huynh bỗng dưng lại phải đau đầu...
Trong 1 hội nhóm cha mẹ học sinh gần đây bất ngờ 1 câu hỏi được đặt ra: "Khai giảng vào đầu thu hay cuối thu?" từ 1 trích đoạn trong 1 đề thi môn Tiếng Việt lớp 2, khiến khá nhiều người ngỡ ngàng.
Từ xưa đến nay đa phần các cha mẹ vẫn nghĩ mùa tựu trường của các con là vào đầu thu, đó không phải là điều bàn cãi. Nhưng trong trích đoạn của đề thi này rành rành tác giả nói rằng khai giảng vào cuối thu. Từ đó mới nổ ra những tranh cãi xung quanh câu hỏi: "Khai giảng vào đầu thu hay cuối thu?".
Theo như những gì chúng ta nhìn thấy thì đề thi này là 1 đề môn Tiếng Việt lớp 2 của 1 thầy cô hay 1 trường tiểu học nào đó.
Cụ thể trong đề thi có 1 trích đoạn của tác giả Lê Phương Liên như sau: "Hôm nay, một ngày cuối thu đầy nắng. Gió chạy khắp sân trường gọi lá bàng háo hức. Nắng nhảy nhót trên những tán lá xanh, làm tươi lên cái áo vôi vàng của ngôi trường... Kết thúc bài giảng, giọng cô ngân vang: "Ngày mai, chúng ta sẽ khai trường, bắt đầu một năm học mới".
Đây là 1 phần thi đọc hiểu môn Tiếng Việt lớp 2 và câu hỏi là: "Các bạn học sinh đón ngày khai trường vào thời gian nào?".
3 đáp án được đưa ra để lựa chọn là: cuối thu, đầu đông, cuối hè.
Một phụ huynh khi nhìn thấy đề thi đã vô cùng ngỡ ngàng, vì có lẽ họ xác định được số đông cũng như mình vì luôn hiểu mùa khai trường là đầu thu. Nhưng trong trích đoạn trên lại khẳng định ngày khai trường là vào cuối thu. Thêm vào đó phần câu hỏi lại nhấn vào chi tiết này khiến cho nhiều phụ huynh cho rằng học sinh đều sẽ nghĩ khai giảng vào ngày cuối thu.
Nhiều ý kiến tranh cãi đã nổ ra sau câu hỏi này, theo suy nghĩ của nhiều người thì tháng 7,8,9 âm lịch mới là mùa thu. Và ngày 5/9 dương lịch là chưa hết tháng 7 âm, vậy thì phải hiểu ngày khai giảng là vào đầu thu mới đúng.
Có những phụ huynh còn tra cứu đàng hoàng: "Theo lịch vạn niên, tiết Lập thu năm 2021 bắt đầu vào ngày thứ Bảy, mùng 7 tháng 8 Dương lịch (tức ngày 29/06/2021 Âm lịch) và kết thúc vào ngày Chủ Nhật 22/08/2021 Dương lịch (tức ngày 15/07/2021 Âm lịch)". Nhưng theo lịch tra cứu này thì ngày Khai giảng vẫn rất gần tiết Lập thu.
Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra là trong nhóm diễn đàn này lại có cháu của chính tác giả Lê Phương Liên, người viết trích đoạn kia (trong cuốn Những tia nắng đầu tiên) và đã được lý giải tường tận. Tác giả nói: “Bác viết bài này từ cách đây 50 năm. Khi ấy khai giảng vào cuối tháng 9, do học sinh đi sơ tán về Hà Nội muộn. Sau này mới có quy định là khai giảng vào 5/9”. Vậy thì việc tác giả viết khai giảng vào cuối thu không có gì sai, có điều đặt vào hoàn cảnh thời nay thì có lẽ gây hiểu lầm cho nhiều người.
Điều thú vị tiếp theo xảy ra là nhiều phụ huynh sau khi nhận được lý giải này đã cho rằng tác giả bài viết quả là nhà tiên tri tài ba. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều phụ huynh đã nghĩ đến 1 lễ khai giảng muộn vì lũ trẻ nhà mình vẫn còn đang "sơ tán" ở nhà ông bà nội, ngoại, 1 năm học mới khởi đầu rất khác như khai giảng và học online hoặc khai giảng chậm là điều bình thường. Một số comment vui: "Năm nay thì chắc khai giảng cuối thu thật đấy các bác" hoặc "Mùa tựu trường là mùa thu, còn đầu hay cuối không quan trọng"...
Như vậy điều tác giả viết là hoàn toàn hợp lý ở thời kỳ ngày đó, còn bạn nghĩ khai giảng vào cuối thu hay đầu thu thực sự cũng không quá quan trọng.
Chuyện ngoài lề 1 chút, nhưng nhiều phụ huynh khi đọc cả trích đoạn này đều đã đồng loạt yêu thích giọng văn của tác giả và khen trong trẻo, dễ thương và gần gũi với thiếu nhi.