TP HCM chuẩn bị các kịch bản tuyển sinh đầu cấp năm 2022

Đặng Trinh,
Chia sẻ

Theo dự thảo tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM về kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp năm 2022, kịch bản tuyển sinh sẽ căn cứ tình hình thực tế để có những phương án và điều chỉnh phù hợp.

Theo đề xuất của Sở GD-ĐT TP HCM, đối với tuyển sinh lớp 6, năm học 2022-2023 vẫn thực hiện theo hình thức xét tuyển. Riêng Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa kết hợp xét tuyển và kiểm tra, đánh giá năng lực. Cụ thể, đối tượng xét tuyển là những học sinh (HS) đã hoàn thành chương trình cấp Tiểu học có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm mỗi môn Tiếng Việt và Toán đạt từ 9 điểm trở lên của năm học lớp 5. 

Ngoài ra, HS phải thực hiện bài kiểm tra, đánh giá năng lực với thời gian 90 phút. Theo kế hoạch tham mưu của Sở GD-ĐT TP, ngày kiểm tra dự kiến vào 25-6. Nếu không trúng tuyển vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, HS vẫn được xét tuyển vào lớp 6 theo quy định của Ban Chỉ đạo tuyển sinh TP Thủ Đức, các quận, huyện.

Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM, chỉ có Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa thực hiện khảo sát năng lực vào lớp 6 là do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, để thay đổi một kế hoạch tuyển sinh cần phải có quá trình chuẩn bị chu đáo, kỹ càng. Ông Đặng Nguyễn Thịnh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 7, cho biết phải tính đến cả trường hợp nếu HS không đạt trong kỳ khảo sát thì sẽ học ở đâu? "Làm sao để HS không thiệt thòi, không xáo trộn việc học của các em. Năm học 2022-2023, quận 7 vẫn chỉ thực hiện xét tuyển" - ông Thịnh nói.

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, nguyên tắc của tuyển sinh vào lớp 6 là không nhận HS trái tuyến ngoài địa bàn nếu chưa nhận đủ số HS đúng tuyến theo chỉ tiêu phân bổ. Trường hợp nhận HS trái tuyến ngoài địa bàn phải do Ban Chỉ đạo tuyển sinh TP Thủ Đức, quận, huyện xét duyệt. Công tác tuyển sinh dự kiến bắt đầu từ ngày 1-7 và được công bố kết quả đồng loạt vào ngày 1-8.

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, đối với tuyển sinh lớp 10 các trường công lập năm học 2022-2023, những HS tốt nghiệp THCS tại TP HCM trong độ tuổi quy định đều được tham dự tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Phương thức tuyển sinh là thi tuyển; HS được đăng ký 3 nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập (trừ Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường Phổ thông năng khiếu - ĐHQG TP HCM). 

Các môn thi gồm: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ; ngày thi dự kiến là 11 và 12-6. Thời gian làm bài thi môn Ngữ văn và Toán là 120 phút/môn, Ngoại ngữ là 90 phút. Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm từ điểm 0 đến 10, điểm lẻ đến 0,25. Trong đó, cả 3 môn thi đều tính điểm hệ số 1. Nội dung đề thi trong phạm vi chương trình THCS do Bộ GD-ĐT ban hành, chủ yếu ở lớp 9, đồng thời phân hóa được năng lực trình độ HS.

Dự kiến các trường tư thục tại TP HCM sẽ thực hiện tuyển sinh từ ngày 1-7 đến 25-8. Theo quy định của UBND TP HCM, Sở GD-ĐT sẽ triển khai từng bước thực hiện công tác đánh giá đối với các trường tư thục để làm căn cứ phân bổ chỉ tiêu và xét duyệt danh sách tuyển sinh của nhà trường từ năm học 2022 - 2023 nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các trường không tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao.

Hà Nội: Học sinh từ lớp 7-12 được phép đi học trực tiếp

Sở GD-ĐT TP Hà Nội ngày 18-3 đã có văn bản về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong việc tổ chức dạy học trực tiếp của các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11 và 12 trong tình hình mới trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở GD-ĐT đề nghị các đơn vị trường học tổ chức dạy và học trực tiếp gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch, kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho HS và giáo viên. Chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường cho HS các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12, đặc biệt quan tâm đến HS lớp 9, lớp 12 và báo cáo UBND các quận, huyện, thị xã xem xét, phê duyệt theo quy định.

Chia sẻ