Top 10 xu hướng du lịch của người trẻ Trung Quốc: Biến hóa muôn hình vạn trạng theo "túi tiền", trải nghiệm những chuyến đi hướng về nội tâm
“Tôi muốn ra ngoài chơi” đã trở thành chủ đề chính của năm 2023, dự đoán sẽ tiếp tục thịnh hành suốt năm 2024 và hơn nữa.
Năm 2023 đã chứng kiến sự phục hồi của ngành du lịch. Lấy ví dụ ở Trung Quốc, theo số liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch nước này, chỉ tính riêng 3 quý đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch nội địa là 3,674 tỷ lượt, tăng 1,580 tỷ, tức tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước.
Kể từ khi trào lưu du lịch “kiểu quân đội” trở nên phổ biến ở thanh niên trẻ, hàng loạt các xu hướng du lịch khác cũng ra đời một cách “độc lạ” để phù hợp với bối cảnh kinh tế khó khăn và hậu đại dịch Covid-19.
“Tôi muốn ra ngoài chơi” đã trở thành chủ đề chính của năm 2023, dự đoán sẽ tiếp tục thịnh hành suốt năm 2024 và hơn nữa. Tiết kiệm và hướng về nội tâm đã trở thành một trong những điều kiện hàng đầu để các bạn trẻ Trung Quốc “xách balo lên và đi”.
1. Lên chùa thắp hương
Trong bối cảnh hiện nay, dù là học tập, công việc hay cuộc sống, các bạn trẻ đều đang phải đối mặt với áp lực từ nhiều mặt như “đậu trường top”, “ra trường tìm việc”, “sống sót trong môi trường công sở” và “chật vật với khung làm việc 996”... Do đó, họ cần một lối thoát để trút bỏ cảm xúc, giải phóng những áp lực tích tụ bấy lâu.
Một số bạn trẻ lấy việc viếng chùa và thắp hương như một cách để giải tỏa căng thẳng. Thế là những ngôi chùa đã trở thành nơi nuôi dưỡng tinh thần.
Người trẻ Trung Quốc sinh sau 1990 và 2000 có ý chí khám phá và tò mò mạnh mẽ. Trong chùa, họ sẽ trải nghiệm chiều sâu và tinh hoa của văn hóa Phật giáo.
Ví dụ như ở Ung Hòa cung, một ngôi chùa và tu viện của trường phái Gelug thuộc đạo Bụt Tây Tạng nằm ở Đông Thành, Bắc Kinh, cầu sự nghiệp xin vòng tay may mắn; nghe tiếng chuông cầu bình an ở chùa Hàn Sơn (Tô Châu); du ngoạn cổ kính và cầu phúc cầu tài ở chùa Đại Minh (Giang Tô)...
Trước khi bước chân vào xã hội, gửi gắm hoàn thành KPI đến thần linh, thanh niên trẻ chọn cách lên chùa dâng hương để giải tỏa áp lực, tìm kiếm nơi gửi gắm tinh thần.
2. Du lịch kiểu quân đội
Sau giờ làm việc và trường học, đi thẳng đến ga tàu cao tốc, vượt hàng ngàn km trong 30 giờ, ghé thăm 3 thành phố, check-in hơn một chục danh lam thắng cảnh và đến lớp như thường lệ vào 8 giờ sáng thứ Hai.
Loại hình du lịch check-in và tập trung vào số lượng này đã được giới trẻ ưa chuộng và liên tục tạo ra xu hướng, lan truyền từ thành phố này đến thành phố khác.
Những người trẻ tuổi ngột ngạt bắt đầu đi du lịch đến cùng cực để tối đa hóa mục tiêu du lịch trong thời gian và ngân sách hạn chế. Ngủ trên tàu vào ban đêm, đi bộ không ngừng nghỉ vào ban ngày, chơi đùa khắp thành phố 24 giờ… mệt mỏi là cơ thể, nhưng thỏa mãn là trái tim. Đó dường như là những chuyến đi “trả thù” hậu đại dịch bị cấm chân ở nhà, nhưng chỉ có họ biết rằng đây là thỏa thuận giữa tuổi trẻ và những chật vật trong cuộc sống.
3. Tìm kiếm hơi thở nghệ thuật
Theo thống kê, các bạn trẻ Trung Quốc dành sự quan tâm nhiều hơn vào các lễ hội âm nhạc lớn, triển lãm nghệ thuật, bảo tàng và buổi hòa nhạc...
Ngày càng có nhiều bạn trẻ thích đi du lịch để theo đuổi sở thích và đặc điểm tính cách của mình. Họ du lịch để khám phá những nền văn hóa mới, gặp gỡ những người mới và thu thập những kỷ niệm từ chuyến đi. Chiêm ngưỡng nghệ thuật ánh sáng và bóng tối tại Bảo tàng Nghệ thuật Không biên giới Thượng Hải, trải nghiệm nhập vai trong Thành phố giả tưởng kịch Hà Nam, vội vã hòa vào sự tự do tại Lễ hội âm nhạc Tiên Nhân Chưởng Thành Đô...
4. Du lịch “nằm yên”
“Nằm thẳng” gần như trở thành từ cửa miệng của những người trẻ đương đại, nghe có vẻ như cách mặc kệ sự đời, không thèm tranh đấu với thế giới. Nhưng nó thực sự là một sự theo đuổi cuộc sống tiên tiến hơn. Đi du lịch là một sự thay đổi nơi ngủ đối với họ, và ngày càng nhiều người chọn cách "thay đổi nơi ngủ" cho cuối tuần để trải nghiệm một vài ngày với những hoạt động quen thuộc như “ngủ, đặt đồ ăn online” thường lệ, chỉ khác ở chỗ diễn ra tại một thành phố khác mà thôi.
Những người trẻ tuổi đang tìm kiếm một cuộc sống thư thái, “nằm thẳng” trong cuộc sống và cũng “nằm thẳng” khi du lịch. Đôi khi không cần phải để du lịch là gánh nặng, quan trọng hơn là tìm kiếm tiết tấu phù hợp với bản thân. Du lịch không còn bận rộn và vội vã, tìm nhịp điệu thoải mái nhất và giành chiến thắng ngay cả khi “nằm ngủ”.
5. Người yêu động vật tạm thời
Ngày càng có nhiều người không chỉ đi du lịch để chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh, họ còn muốn phát triển mối liên hệ chặt chẽ hơn với động vật, đặc biệt là những loài động vật hoang dã quý hiếm. Họ sẵn sàng dành thời gian cùng công sức để xếp hàng chờ xem và tương tác với động vật, trải nghiệm cảm giác “rợn da gà” khi tiếp xúc với những con thú.
Ở Trung Quốc năm 2023 vừa qua, gấu trúc trở thành “thần tượng” trong lòng giới trẻ. Và dự đoán năm 2024 cũng vậy. Gấu trúc thường tận dụng những đặc điểm dễ thương của chúng để thu hút những người hâm mộ cuồng nhiệt. Xem gấu trúc Huahua của Cơ sở nghiên cứu nhân giống gấu trúc Thành Đô, xem "cuộc vượt ngục" của gấu trúc Menglan trong Sở thú Bắc Kinh và đăng bài với gấu trúc Feiyun dễ thương trong Sở thú rừng Đại Liên...
Ý tưởng đằng sau xu hướng này là bảo vệ và tôn trọng động vật, đồng thời mang đến cho du khách cơ hội tìm hiểu thêm về thế giới tự nhiên.
6. Chuyên gia ẩm thực
Người trẻ Trung Quốc tận dụng tối đa việc khám phá ẩm thực của các vùng khác nhau thông qua du lịch, nếm thử đặc sản địa phương và thưởng thức hương vị phong phú của bữa tiệc ẩm thực. Họ có thể đi xuyên các thành phố, nếm thử nhiều món ăn ngon, trải nghiệm phong tục địa phương và nét văn hóa đời thường.
Nếm thử món thịt nướng trứ danh ở vùng Truy Bác - thánh địa đồ xiên nướng trong lòng giới trẻ nước này; cảm nhận hương vị đời thường trong chợ đêm Hồ Nam; đi sâu vào thành phố ngửi thấy mùi ký ức bằng bát bún ốc Liễu Châu...
Một chuyến đi có thể được bắt đầu với nơi có món ăn ngon. Trong mắt thực khách, du lịch là để dạ dày khám phá đường đi trước, chơi cả thành phố và ăn cả thành phố.
7. Kẻ lang thang nơi xứ người
Kể từ khi ngành du lịch bắt đầu mở cửa trở lại, ngày càng có nhiều người trẻ Trung Quốc bắt đầu có kế hoạch đi du lịch nước ngoài và khám phá thế giới rộng lớn hơn. Họ tìm kiếm những nền văn hóa, ẩm thực, phong cảnh và trải nghiệm độc đáo trong chuyến du lịch.
Sự phấn khích trong chợ đêm cuối tuần ở Chiang Mai, Thái Lan; hoa anh đào của núi Phú Sĩ ở Yamanashi, Nhật Bản; thế giới kỳ diệu của làng người lùn Hobbit ở New Zealand... Họ sẵn sàng dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn để khám phá những nơi chưa biết, trải nghiệm các nền văn hóa và phong tục khác nhau.
8. Nhiếp ảnh gia đại tài
Xu hướng này đang được thế hệ trẻ theo đuổi, những người có thể chụp ảnh theo nhiều phong cách khác nhau, tập trung vào việc check-in và chia sẻ, đồng thời ghi lại những khoảnh khắc trong chuyến du lịch bằng cách chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội.
Họ tìm kiếm các điểm nổi tiếng trực tuyến, chẳng hạn như phong cảnh đẹp, kiến trúc đặc biệt, cửa hàng mang hơi thở “vintage”... với mục đích check-in và ghi lại khoảnh khắc bằng máy ảnh hoặc điện thoại. Loại hình du lịch này cũng đã dẫn dắt ngành du lịch phát triển theo hướng cá nhân hóa và đa dạng hơn, mang đến những trải nghiệm hấp dẫn tinh tế hơn và dịch vụ chụp ảnh để đáp ứng nhu cầu của nhóm người mê chụp ảnh và mạng xã hội.
9. Kẻ đi chệch khỏi xu hướng
Giới trẻ ngày nay ngày càng tự giác, tích cực tìm kiếm những gì họ đam mê. Họ thích khám phá một số điểm đến du lịch xa xôi và ít người biết đến, khám phá những góc bị lãng quên và vẻ đẹp tiềm ẩn, trải nghiệm khác với du lịch chính thống. Họ không chạy theo đám đông, mà tìm kiếm những nơi độc đáo dành riêng cho mình.
Đến trấn cổ Nam Tuần ở Hồ Châu để trải nghiệm hương vị cổ xưa của miền Giang Nam, đến đảo Đông Cực ở Chu Sơn để trải nghiệm cuộc sống ngư dân làng chài, đến hồ Sayram ở Tân Cương để đắm mình trong cánh đồng cỏ bên hồ xanh ngắt như gương soi...
Bằng cách tìm kiếm những địa điểm đã bị bỏ qua hoặc chưa biết, khám phá các điểm tham quan và văn hóa mới, bạn không chỉ có thể tìm thấy phong cảnh dễ chịu nhất mà còn thoát khỏi sự vội vã của đám đông thời đại.
10. Tìm về nông thôn
Ngày càng có nhiều người muốn đi du lịch về nông thôn để trải nghiệm phong cảnh bình dị và văn hóa truyền thống, để cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống đơn sơ. Đồng thời, xu hướng du lịch cũng đã trở thành một cách phục hồi nông thôn, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và văn hóa địa phương, bảo vệ môi trường và di sản văn hóa.
...
Thuê chiếc xe điện đi vòng vòng thành phố với tốc độ từ từ? Ngồi xe buýt công cộng vượt tỉnh nhìn ngắm nhiều sắc màu đời thường? Thuê khách sạn ở thành phố khác chỉ để… ngủ? Không đi theo hướng dẫn check-in trên mạng xã hội mà để la bàn trở thành tiếng gọi trái tim quyết định nơi mình đến?
Du lịch đương nhiên tốn phí và cần chuẩn bị tiền bạc, nhưng người trẻ Trung Quốc đang tìm cách để bản thân phù hợp hơn với thế giới nội tâm và điều kiện tài chính trong tay. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mất việc và sa thải diễn ra liên tục, họ vẫn cố gắng trải nghiệm bằng những chuyến đi, chỉ là không còn theo kiểu chính thống thường thấy mà thôi…
Nguồn: Tổng hợp