Tôi đi đã nhé!
"Sự gần gũi, ân cần, giản dị trong từng cử chỉ, lời nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm xã nhà đã xóa nhòa khoảng cách giữa vị lãnh đạo của Đảng với những cán bộ cơ sở chúng tôi. Những lời dặn dò sâu sát, mái đầu bạc trắng ấy, cùng câu chào chia tay: “Tôi đi đã nhé!” của Tổng Bí thư cách đây gần 10 năm vẫn in đậm trong tâm trí tôi" - ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nhớ lại.
Phải xứng đáng là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trưa muộn, trong căn phòng nhỏ của mình ở trụ sở xã, ông Dương Công Nhân lặng lẽ lần dở từng bức ảnh ghi lại chuyến thăm xã Lộc Thủy cách đây gần 10 năm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nghe tiếng gõ cửa, ngước lên chào khách, mắt ông Nhân ngấn lệ. Ông nói, đã rất bàng hoàng khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Trong đau thương, bao hình ảnh thân thương của Tổng Bí thư cứ thế ùa về. Ông Nhân vẫn nhớ như in từng cử chỉ, lời nói, mái đầu bạc trắng ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm Lộc Thủy.
Ông Nhân kể, hôm đó là buổi chiều 5/2/2015, trời mưa lất phất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuống xe ô tô trong tiếng vỗ tay vui mừng của người dân đứng ken đặc hai bên đường. Sau khi ân cần thăm hỏi mọi người, Tổng Bí thư vào hội trường nghe lãnh đạo xã báo cáo về tình hình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ của xã nhiệm kỳ 2015-2020. Tổng Bí thư vui mừng, biểu dương sự nỗ lực cố gắng của Lộc Thủy, chỉ sau 4 năm đã hoàn thành chương trình XDNTM, là địa phương điển hình không chỉ của huyện Lệ Thủy mà cả tỉnh Quảng Bình.
“Tổng Bí thư nói, xã đã đạt nông thôn mới rồi, không được tự thỏa mãn mà phải làm sao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao; đảm bảo an ninh chính trị và an toàn xã hội, tạo môi trường yên bình để người dân chăm lo phát triển kinh tế; tiếp tục phát huy nội lực, đầu tư xây dựng để trở thành một xã nông thôn mới kiểu mẫu, xứng danh với quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...”, ông Nhân nhớ lại.
Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, được nghiêm túc đưa vào nghị quyết đại hội Đảng của xã sau đó mấy hôm. Từ đó đến nay, cán bộ đảng viên và nhân dân Lộc Thủy luôn ghi nhớ lời căn dặn tâm huyết của Tổng Bí thư, quyết tâm nỗ lực, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, được huyện Lệ Thủy chọn XDNTM nâng cao và sẽ về đích vào cuối năm nay.
“Xúc động nhất là khi tặng quà và chụp ảnh lưu niệm, Tổng Bí thư bắt tay từng người, vỗ vai hỏi han, động viên, khích lệ. Cử chỉ nhẹ nhàng của Tổng Bí thư như một người cha, người ông đối với con cháu, ân cần và ấm cúng”, ông Nhân tâm sự.
Lỡ hẹn với Lộc Thủy
“Lộc Thủy, ngày 5/2/2015. Đến thăm Nhà lưu niệm Cố Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, tôi bồi hồi xúc động, thắp nén hương thơm tưởng nhớ Đồng chí Võ Nguyên Giáp - Anh Văn, Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, vị Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh đầu tiên và người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng; Nhà lãnh đạo quân sự tài năng xuất chúng đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của Cố Đại tướng in đậm trong lòng dân, là vị Tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết trong cuốn sổ lưu bút khi về thăm Ngôi nhà lưu niệm tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ông Võ Đại Hàm, người trông coi ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) rất tự hào khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận ra ông sau hơn 40 năm gặp lại. “Hôm đó, sau khi làm việc với lãnh đạo xã Lộc Thủy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thắp hương cho 2 cụ thân sinh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi mọi việc xong xuôi, Tổng Bí thư quay sang tôi bảo: “Hình như tôi đã gặp anh ở đâu, sao thấy quen lắm!”. Lúc đó tôi thật sự bất ngờ và xúc động, vì một người trăm công, nghìn việc như Tổng Bí thư mà vẫn nhớ một người như tôi, chỉ thi thoảng đánh bóng bàn với nhau trong khuôn viên của Tạp chí Cộng Sản. Tôi trả lời Tổng Bí thư: “Vâng, ngày Tổng Bí thư còn làm ở Tạp chí Cộng Sản, thi thoảng tôi có sang đó chơi bóng bàn và có vài trận chơi với nhau, nhưng không ngờ Tổng Bí thư vẫn nhớ” - ông Hàm tự hào kể.
Hôm đó, Tổng Bí thư nán lại khá lâu trong ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng, trò chuyện với mọi người, chụp hình với bà con ngõ xóm. Tổng Bí thư nói, nhiều lần mong muốn vào thăm ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng nhưng chưa có dịp. “Tổng Bí thư nói với tôi: Khi cử anh về giữ nhà ở đây thì tất nhiên Đại tướng đã căn dặn nhiều rồi. Lần này về thăm, tôi muốn nhắc anh một điều, anh không chỉ là giữ nhà riêng cho Đại tướng mà anh đang giữ một báu vật của quốc gia, để khi mọi người trong khắp cả nước, tưởng nhớ Đại tướng có nơi để tìm về. Ghi nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư, với trách nhiệm gia đình, dòng họ, trách nhiệm với xã hội, tôi cũng đã cố gắng để không phụ sự tin cậy của Đại tướng và của Tổng Bí thư” - ông Hàm tâm sự.
Ông Hàm kể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm ngôi nhà lưu niệm tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với một tình cảm rất đặc biệt và hết sức chân tình. Tổng Bí thư cũng đã có những lời căn dặn rất thiết thực và ý nghĩa để làm sao nâng tầm giá trị của ngôi nhà lưu niệm. “Sinh thời, Đại tướng cũng thường căn dặn tôi: Mọi người đến thăm nhà mình bằng tấm lòng, nên thái độ đón tiếp phải hòa nhã, bình đẳng, phải luôn xem mọi người như nhau, không phân biệt đối xử” - ông Hàm nhớ lại.
Ông Hàm kể tiếp: “Khi biết tỉnh Quảng Bình chưa có khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư nói: Đáng lí ra khu tưởng niệm Đại tướng phải được làm trước khi Đại tướng mất thì tốt, nhưng giờ Đại tướng mất rồi thì phải nhanh chóng làm. Nhưng phải cố gắng làm liền kề với ngôi nhà lưu niệm tuổi thơ của Đại tướng, để tạo nên một quần thể và người dân tiện đi lại. Tổng Bí thư hẹn sẽ trở lại Lộc Thủy để dự khánh thành công trình. Vì nhiều lí do, đến nay công trình khu tưởng niệm Đại tướng vẫn chưa hoàn thành, còn Tổng Bí thư thì đã ra đi mãi mãi...