Tình người bên mố cầu Phong Châu
“Trong hoàn cảnh đau thương này, tôi xem người nhà nạn nhân như người thân của mình, nên cố gắng giúp đỡ họ hết sức. Của ít lòng nhiều, tôi chỉ có hớp nước, bát cháo, gói mì giúp đỡ mọi người, chứ không có gì to tát”, chị Nguyễn Thị Thu (xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), chủ quán nước gần hiện trường vụ sập cầu Phong Châu chia sẻ.
Não lòng tiếng gọi người thân
Đã hơn một ngày trôi qua từ khi cầu Phong Châu bị sập, dòng sông Hồng vẫn đục ngầu cuồn cuộn chảy xiết. Lực lượng chức năng đã sẵn sàng con người, phương tiện, nhưng chưa thể triển khai các biện pháp cứu hộ - cứu nạn. Tại hiện trường, bao trùm không khí đau thương, những tiếng gọi chồng, gọi con não lòng không ngớt...
Chị Đinh Thị Niên ở huyện Tam Nông - mẹ của nạn nhân Nguyễn Thị Lan (sinh năm 2004), chiều 9/9 nghe tin dữ và xem hình ảnh qua camera thấy con giữa cầu. Đêm qua, chị không chợp mắt hướng về bờ sông trong tiếng nấc gọi tên con: “Về với bố mẹ con ơi! Ở dưới sông lạnh lắm”!
Người nhà chị Niên cho biết, tai họa ập xuống cùng lúc với gia đình. Chồng chị mắc bệnh nặng, đang nằm viện, nghe tin sốc về con, bệnh nặng thêm phải đưa đi cấp cứu. Hoàn cảnh gia đình chị Niên rất đau xót.
Còn chị Dương Thị Yến (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cũng rất đau buồn khi em trai là Dương Văn Chiến (sinh năm 1981) gặp nạn trong vụ sập cầu Phong Châu. Chị nói rằng, em trai chị lái xe cho một doanh nghiệp ở Yên Bái, không mấy khi đi qua tuyến đường này. Hôm qua, công ty có chuyến hàng về thành phố Việt Trì phải đi qua cầu Phong Châu, nhưng không may gặp nạn.
“Em trai tôi quê Tam Nông, nhưng lên Yên Bái lấy vợ, lập nghiệp ở đó. Nghe tin chồng gặp nạn, nhưng nước lũ ngập nhà, nên vợ con của Chiến không xuống được, một mình tôi ra đây ngóng tin em. Từ đêm qua đến giờ tôi thức trắng chờ tin, không thể nhắm mắt nổi, cứ hy vọng có người báo tin thấy em tôi ở đâu đó”, chị Yến nghẹn ngào.
Còn mẹ của nạn nhân Nguyễn Hà Chi (sinh năm 2005), khi nghe tin đã tức tốc từ tỉnh Đắk Nông ra Phú Thọ. Chị Nguyễn Thị Thu - chủ quán nước, nơi mẹ của Hà Chi và nhiều người nhà nạn nhân ngồi ngóng chờ, cho biết, mẹ của Chi ra đến đây khoảng 10 giờ đêm 9/9. “Chị ấy quá đau buồn, khóc gọi con suốt đêm, cứ khoảng 15 phút chị ấy lại ra bờ sông gọi con”, chị Thu chia sẻ.
“Mỗi lần chị ấy ra gọi con, tôi đi theo để động viên, vào được một lúc chị ấy lại xin ra bờ sông khóc kêu con thảm thiết. Đến sáng nay, chị ấy không còn sức nữa, ngất lên, ngất xuống và được cán bộ y tế đưa đi cấp cứu ở Trung tâm y tế huyện Tam Nông”, chị Thu nói .
Tình người trong hoạn nạn
Đôi chân thoăn thoắt mang nước, rồi lại pha mì tôm cho mọi người, bón từng thìa sữa cho người thân nạn nhân, chị Nguyễn Thị Thu khiến mọi người có mặt ở đây cảm động. Chị Thu cho biết, sau một vài tiếng đồng hồ khi cầu Phong Châu bị sập, nhiều người đã đến tìm người thân và ghé chỗ quán chị.
Nhìn họ đau khổ, đứng thẫn thờ ngóng trông người thân, chị đã mời mọi người vào quán nghỉ ngơi. Khi thân nhân đến nhiều hơn, chị Thu cùng con trai đã chuẩn bị võng, giường, kê thêm bàn ghế cho mọi người. “Trong hoàn cảnh đau thương này, tôi xem người nhà nạn nhân như người thân, cố gắng giúp đỡ họ. Mình chỉ có tấm lòng, của ít lòng nhiều, hớp nước, bát cháo, gói mì giúp đỡ mọi người, chứ không có gì to tát”, chị Thu chia sẻ.
Hầu hết người nhà đến tìm người thân đều ngủ chỗ chị Thu. “Thấy họ đau buồn, khóc gọi người thân khiến lòng tôi quặn thắt. Nên tôi cố gắng thức, động viên họ, cần gì mình hỗ trợ thêm. Tôi chỉ mong nước sông rút xuống, để lực lượng chức năng tìm kiếm và vớt được nạn nhân lên, để người nhà bớt đau buồn”, chị Thu chia sẻ.
Anh Đinh Văn Quỳnh (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, người nhà nạn nhân) cho hay, gần như suốt đêm chị Thu không nghỉ chân, đi lại động viên từng người. “Chị pha mì tôm mời chúng tôi, bón từng thìa sữa cho các chị sức khỏe yếu. Thực sự trong hoàn cảnh này, việc làm của chị Thu khiến chúng tôi ấm lòng”, anh Quỳnh chia sẻ.