Tin anh trai bị án oan, nữ bồi bàn quyết tâm học luật, chấp nhận ly hôn để cứu anh và kết cục khiến ai cũng há hốc

Hồng Nam,
Chia sẻ

Người phụ nữ đã gác lại hạnh phúc của mình sang một bên để quyết tâm trở thành luật sư giải oan cho anh trai.

Anh tôi bị oan!

Vào tháng 5/1980, một vụ giết người cướp của đã làm chấn động bang Massachusetts (Mỹ). Ông Kenny Waters, hàng xóm của nạn nhân, bị tình nghi là thủ phạm. Bằng chứng ngoại phạm duy nhất của người đàn ông này là tờ giấy chấm công nơi ông làm việc. Tuy nhiên, nó đã biến mất một cách bí ẩn.

Mặc dù phía pháp y khẳng định, sợi tóc thu được tại hiện trường vụ án không phải là của Kenny nhưng nó không đủ để giúp ông thoát tội. Vào thời điểm đó, chi phí thuê luật sư quá đắt đỏ với một người lao động chân tay như ông Kenny Waters và vì tin rằng bản thân vô tội nên ông Kenny Waters cho biết mình không cần luật sư. Mặc dù vậy, cuối cùng Kenny Waters vẫn bị kết án tù chung thân vì tội giết người.

Trong thời gian bị giam giữ, ông Kenny Waters đã tự tìm cách hủy hoại bản thân vì không thể chấp nhận bản án. Ông từng cố gắng tự tử nhiều lần nhưng bất thành và bị biệt giam trong 1 tháng. Đau lòng khi thấy anh trai suy sụp trong trại giam, bà Betty Waters chợt lóe lên ý nghĩ sẽ học luật để cứu anh dù vào thời điểm đó, bà chỉ là một nữ bồi bàn không được học nhiều chữ nghĩa. Điều gì đã khiến bà Betty Waters tin rằng anh mình vô tội, bị kết án oan?

Tin anh trai bị kết án oan, nữ bồi bàn quyết tâm học luật, chấp nhận ly hôn để cứu anh và cái kết bất ngờ: Sống tự do, chỉ một ngày là đủ! - Ảnh 1.

Ông Kenny Waters đã bị kết án chung thân vì tội giết người cướp của.

Câu trả lời gói gọn trong hai chữ Niềm Tin dù với nhiều người điều đó thật hão huyền. Bà tin vào nhân cách của anh trai qua những năm tháng họ gắn bó với nhau từ ấu thơ cho đến khi trưởng thành: "Anh ấy sẽ đáp trả bọn ức hiếp nhưng tuyệt đối không phải dạng người đột nhập vào nhà ai đó để cướp của giết người", bà cho hay.

Nghĩ là làm, bà Betty xin gặp anh trai trong tù và hứa rằng sẽ cố thi vào trường luật để giải oan, chỉ cần ông Kenny Waters dừng suy nghĩ sẽ tự tử. Một giao kèo mà bất kỳ ai cũng phải lắc đầu: Một người phụ nữ 30 tuổi học hành ít ỏi làm sao có thể học luật và đủ sức để chống lại phán quyết của tòa? Tuy nhiên, người phụ nữ chỉ cần anh trai tin mình là đủ!

Đôi khi chính Betty cũng hoang mang với quyết định của mình: "Nhỡ học xong cũng không thể minh oan cho anh trai thì sao?". Tuy nhiên, bà lại nhanh chóng tự trấn an bản thân: "Ít nhất thì anh trai bà sẽ không nghĩ đến cái chết nữa".

Tin anh trai bị kết án oan, nữ bồi bàn quyết tâm học luật, chấp nhận ly hôn để cứu anh và cái kết bất ngờ: Sống tự do, chỉ một ngày là đủ! - Ảnh 2.

Bà Betty là người duy nhất tin anh trai mình vô tội.

Hy sinh hạnh phúc riêng

Vào thời điểm lúc bấy giờ, bà Betty đã kết hôn và có hai người con. Cuộc sống của bà vốn đã có rất nhiều thứ để lo lắng, phải cân bằng giữa công việc và gia đình, chăm sóc con cái, giờ đây lại thêm một trách nhiệm quan trọng khác mà bà cần hoàn thành: Giúp anh trai ra khỏi tù! 

Bà đã đăng ký một lớp học ban đêm tại trường cao đẳng cộng đồng, sau đó tiếp tục học lên đến bậc đại học tại trường luật Roger Williams. Trong nhiều năm trời, Betty gần như không có lấy một ngày để nghỉ ngơi. Bà tranh thủ đọc sách mọi lúc mọi nơi, cố gắng học hỏi, tích lũy kiến thức càng nhiều càng tốt.

Cũng chính vì áp lực nặng nề mang theo bên mình, Betty khó lòng chu toàn cho cuộc sống hôn nhân, chồng bà dần phai nhạt tình cảm và bà phải kết thúc cuộc hôn nhân của mình bằng tờ giấy ly hôn đầy đau đớn. Đau lòng hơn cả đối với một người mẹ đó là khi nhìn thấy hai con trai của mình quyết định đòi về sống với bố vì chúng biết bà chẳng có đủ thời gian để chăm sóc chúng. 

Tin anh trai bị kết án oan, nữ bồi bàn quyết tâm học luật, chấp nhận ly hôn để cứu anh và cái kết bất ngờ: Sống tự do, chỉ một ngày là đủ! - Ảnh 3.

Bà Betty quyết tâm học luật, hy sinh hạnh phúc riêng để minh oan cho anh trai.

Mặc dù vậy, bà Betty không chịu bỏ cuộc và vẫn kiên định với con đường mình đã chọn. Bà chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng của mình chỉ vì muốn tìm lại sự tự do cho anh trai. 13 năm thấm thoát trôi qua, Betty cuối cùng đã có đủ kiến thức và tiêu chuẩn để trở thành luật sư đại diện cho Kenny. 

Trong suốt quá trình học luật, Betty đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng vụ án của anh mình, tỉ mẩn ghi chú từng chi tiết dù là nhỏ nhất để có thể sử dụng cho việc kháng án sau này. Tại thời điểm Kenny bị kết án, kỹ thuật xét nghiệm ADN vẫn còn khá mới mẻ ở Mỹ. Sau khi tìm hiểu rất nhiều bài báo khoa học ở trường, Betty nhận ra rằng nếu bà có thể tìm lại các mẫu vật bằng chứng trong vụ việc của anh mình và đem đi xét nghiệm ADN, khả năng lớn bà sẽ làm sáng tỏ vụ án này.

Kết quả ADN nêu rõ ông Kenny Waters không phải hung thủ giết người. Ông Kenny được trả tự do vào năm 2001 và là tù nhân thứ 83 ở Mỹ được minh oan nhờ bằng chứng ADN. 

Cuối cùng, sau đúng 18 năm kể từ phiên tòa xét xử ông Kenny, bà Betty Waters đã hoàn thành lời giao ước giải oan cho anh trai. Bà đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, hy sinh khoảng thời gian chăm sóc con để theo đuổi một mục tiêu gần như là bất khả thi trong mắt nhiều người. Ðiều an ủi lớn với Betty là những người con của bà hoàn toàn không oán trách mẹ một chút nào. "Ai cũng biết mẹ tôi vào trường học để cứu bác tôi ra mà. Mẹ đã dạy tôi rất nhiều", một trong hai cậu con trai của bà Betty từng phát biểu.

Tin anh trai bị kết án oan, nữ bồi bàn quyết tâm học luật, chấp nhận ly hôn để cứu anh và cái kết bất ngờ: Sống tự do, chỉ một ngày là đủ! - Ảnh 4.

Betty cùng Kenny nắm tay bước ra khỏi tòa trong niềm hạnh phúc vỡ òa.

Sống tự do, chỉ một ngày là đủ!

Chiến thắng của bà Betty với sự nỗ lực không biết mệt mỏi đã cổ vũ nhiều phạm nhân bị kết tội oan đòi lại công bằng. Về phần ông Kenny Waters những tưởng ông sẽ có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn sau khi được trả tự do nhưng không phải vậy. 6 tháng sau khi được trả tự do, ông Kenny trượt chân ngã xuống đất và tử vong do xuất huyết não. Ðó là kết cục khó có thể chấp nhận nhưng bà Betty lại chấp nhận sự thật này với sự bình thản đến khó tin. 

"Anh trai tôi đã có 6 tháng tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Anh ấy làm quen với điện thoại di động, với những chiếc xe hơi đời mới". Ai rồi cũng phải ra đi và bà Betty hạnh phúc vì anh trai bà đã ra đi với tư cách là một công dân tự do như bao người bình thường khác.

Tin anh trai bị kết án oan, nữ bồi bàn quyết tâm học luật, chấp nhận ly hôn để cứu anh và cái kết bất ngờ: Sống tự do, chỉ một ngày là đủ! - Ảnh 5.

Bà Betty đã làm điều phi thường không phải ai cũng làm được.

Khao khát giúp anh trai "có một ngày sống tự do" có lẽ là động lực lớn nhất trong suốt 18 năm đằng đẵng đi tìm công lý của bà Betty. Sau vụ án của Kenny, Betty còn sử dụng kiến thức luật để giúp một quán rượu được gia hạn giấy phép kinh doanh và giúp nhiều người khác được minh oan. Với bà, tấm bằng Luật như tấm áo choàng siêu nhân được mặc vào để cứu lấy những điều thân yêu nhất.

Trở về cuộc sống bình thường sau hành trình phi thường cứu anh trai, bà Betty dường như chẳng thay đổi gì: Vẫn là một người phụ nữ lao động giản dị, một người mẹ, người bà hết lòng yêu thương con cháu. Tuy nhiên đối với nhiều người, cuộc chiến đòi công lý của bà đã thúc đẩy hệ thống tư pháp hình sự Mỹ điều chỉnh những lỗ hổng chết người, nhằm hạn chế các vụ án oan.

Vào năm 2010, bộ phim điện ảnh Conviction dựa trên cuộc đời thật của Betty đã được ra mắt công chúng với sự tham gia của ngôi sao Hilary Swank thủ vai Betty. Rất nhiều những thành viên khác trong gia đình Betty đều nhận vai diễn quần chúng trong phim, duy chỉ có bà là từ chối tham gia bộ phim nói về mình. Bà cho biết: “Tôi hạnh phúc với những gì mình đang làm”.

Tin anh trai bị kết án oan, nữ bồi bàn quyết tâm học luật, chấp nhận ly hôn để cứu anh và cái kết bất ngờ: Sống tự do, chỉ một ngày là đủ! - Ảnh 6.

Bộ phim nói về hành trình đi tìm công lý cho anh trai của bà Betty.

Nguồn: Daily Mail, NY Times

Nữ giúp việc 25 tuổi tố bị ép ngủ cùng cụ ông 104 tuổi hàng đêm, 30 phút phải dậy một lần để phục vụ và cuộc sống như ngục tù - Ảnh 2.

Chia sẻ