Tìm thấy hổ phách chứa hóa thạch của cặp ruồi 41 triệu năm, các nhà khoa học sửng sốt không tin vào mắt mình khi nhìn kỹ tư thế kỳ lạ của chúng

L.T,
Chia sẻ

Các nhà khoa học quốc tế kinh ngạc khi phát hiện miếng hổ phách lưu giữ xác hai con ruồi chân dài với tư thế kỳ lạ.

Hổ phách, hay còn gọi là nhựa cây hóa thạch, tồn tại trong các lớp đá trên khắp thế giới. Nhưng vì một số lý do, các nhà cổ sinh vật học hiếm khi tìm thấy hổ phách ở Úc hoặc New Zealand. Đó là lý do tại sao việc tìm thấy miếng hổ phách ở Anglesea, Victoria, Úc, lại trở thành một phát hiện cực kỳ đặc biệt. Và đặc biệt hơn cả khi trong miếng hổ phách ấy còn có hóa thạch của một cặp ruồi 41 triệu năm với tư thế như đang làm "chuyện ấy".

Tìm thấy hổ phách chứa hóa thạch của cặp ruồi 41 triệu năm, các nhà khoa học sửng sốt không tin vào mắt mình khi nhìn kỹ tư thế kỳ lạ của chúng - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đánh giá miếng hổ phách này được xếp vào hàng cực kỳ hiếm có trong hồ sơ hóa thạch.

Miếng hổ phách được tiến sĩ Jeffrey Stilwell, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Monash ở Melbourne và một nhóm sinh viên tìm thấy ở miền Nam nước Úc.

Ông nói: "Khi tôi nhìn vào miếng hổ phách dưới kính hiển vi, tôi không dám tin vào mắt mình. 2 con ruồi bị mắc kẹt trong đó với tư thế như đang giao phối. Giây phút đó, tôi biết mình đã có một phát hiện cực kỳ quan trọng".

Tiến sĩ Stilwell và các đồng nghiệp của ông đã trình bày chi tiết phát hiện của họ trong một bài báo đăng hôm 2/4 trên tờ Scientific Reports. Ngay lập tức phát hiện của họ đã thu hút sự chú ý của giới học giả. Một loài rêu tinh tế mới bị mắc kẹt trong hổ phách 42-40 triệu năm tuổi từ một mỏ than thời Victoria.

Tìm thấy hổ phách chứa hóa thạch của cặp ruồi 41 triệu năm, các nhà khoa học sửng sốt không tin vào mắt mình khi nhìn kỹ tư thế kỳ lạ của chúng - Ảnh 2.

Một loài rêu bị mắc kẹt trong hổ phách 42-40 triệu năm tuổi ở một mỏ than thời Victoria.

“Hành vi giao phối của cặp ruồi chứng tỏ chúng còn sống ngay tại thời điểm bị nhựa cây rơi trúng và mắc kẹt ở đó. Đây là hiện tượng hiếm thấy bởi thông thường chỉ khi sinh vật chết đi chúng mới được lưu giữ trong hổ phách và hóa thạch”, Victoria McCoy, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Wisconsin nói.

Một số người tin rằng cặp ruồi thực sự đang làm "chuyện ấy" trước khi bị nhựa cây rơi trúng và chết. Số khác lại cho rằng chúng bị kẹt trong tư thế khác nhưng nhựa hổ phách sau đó cứng lại theo thời gian, khiến đôi chân của hai con ruồi quấn chặt lại vào nhau và kết quả như ta thấy ngày nay, tư thế của chúng giống như đang giao phối. 

Có một điều là loài ruồi chỉ mất vài giây để giao hợp nên phát hiện này càng trở nên quý giá đối với các nhà khoa học hiện đại.

Công cuộc tìm kiếm hổ phách của nhóm tiến sĩ Stilwell bắt đầu từ năm 2011. Ông kể: “Khi đào xuống đất, chúng tôi bắt đầu tìm thấy những miếng hổ phách lấp lánh như vàng vậy. Tôi không nhìn lầm, chúng chính xác là hổ phách. Nhưng ngay lúc đó tôi vẫn không dám tin vào mắt mình”.

Stilwell đã xin tài trợ từ chính phủ Úc để khai quật hổ phách. Ông và nhóm nghiên cứu của mình đã tiếp tục khai quật hàng loạt các hóa thạch sinh vật trong hổ phách có độ tuổi từ 230 triệu đến 40 triệu năm tuổi.

Tìm thấy hổ phách chứa hóa thạch của cặp ruồi 41 triệu năm, các nhà khoa học sửng sốt không tin vào mắt mình khi nhìn kỹ tư thế kỳ lạ của chúng - Ảnh 3.

Đây là những con kiến hóa thạch đầu tiên được tìm thấy ở Úc.

Tìm thấy hổ phách chứa hóa thạch của cặp ruồi 41 triệu năm, các nhà khoa học sửng sốt không tin vào mắt mình khi nhìn kỹ tư thế kỳ lạ của chúng - Ảnh 4.

Con bọ được bảo tồn tuyệt đẹp này khoảng 41 triệu năm tuổi.

Họ đã phát hiện ra một nhóm nhện - mặc dù họ chưa biết chúng là loại nhện gì, có cả các loài ve và cả côn trùng vẫn giữ nguyên vẹn màu sắc vốn có của chúng.

Miếng hổ phách lâu đời nhất mà nhóm của tiến sĩ Stilwell tìm ra có niên đại từ 252-201 triệu năm trước. Trong thời gian đó, các khối đất riêng biệt của Trái đất đã hình thành nên một siêu lục địa, Pangea. Úc và Nam Cực được ghép lại với nhau, bao gồm một phần của vùng phía Nam của Pangea, Gondwana.

Tìm thấy hổ phách chứa hóa thạch của cặp ruồi 41 triệu năm, các nhà khoa học sửng sốt không tin vào mắt mình khi nhìn kỹ tư thế kỳ lạ của chúng - Ảnh 5.

Địa điểm khai thác than này đã bị san phẳng và một container chở đầy than có chứa hổ phách đã được các nhà nghiên cứu đưa đi.

"Đây là một trong những khám phá vĩ đại nhất trong khoa học cổ sinh vật học ở Úc. Hổ phách được coi là "chén thánh" trong ngành vì các sinh vật được bảo tồn trong trạng thái hoàn toàn lơ lửng trong không gian 3D, trông như thể chúng mới chết ngày hôm qua. Thực tế, chúng có tuổi đời hàng triệu năm, cung cấp cho chúng ta một lượng thông tin khổng lồ về hệ sinh thái trên cạn thời cổ đại", ông Stilwell nói thêm.

(Nguồn: Ladbible, New York Times)

Chia sẻ