Thuê nhà giá cao, chàng trai 'co mình' trong căn hộ 9m2 giữa lòng New York
Thành phố New York (Mỹ) nổi tiếng với mức giá thuê nhà 'cắt cổ' nhưng hãy tưởng tượng một căn phòng với giá thuê hơn 1.100 USD/tháng mà không hề có phòng tắm, nhà vệ sinh riêng hay tiện nghi đầy đủ...
Năm 2020, Alex Verhaeg chuyển đến một căn hộ rộng 95 feet vuông (gần 9m2) ở khu East Village của Manhattan, thành phố New York (Mỹ). Thời điểm đó, anh trả 1.000 đô la một tháng (tương đương 24,8 triệu đồng hiện tại).
Verhaeg nói với CNBC Make It: "Mọi người có thể gọi nơi này chỉ là một căn phòng hoặc một cái tủ, nhưng với tôi, đó là nhà". CNBC so sánh căn phòng của anh ngang với một chỗ để ô tô trong bãi đậu xe hay một chiếc giường đôi cỡ lớn (King Size).
Alex hiện 23 tuổi và làm tới 3 công việc: thợ cắt tóc, "shipper" xe đạp, và nhà sáng tạo nội dung. Anh này đã tìm thấy căn hộ trên Zillow và mới chỉ được nhìn phòng qua ảnh trước khi anh chuyển đến.
"Tôi hơi sốc khi thấy nó nhỏ như thế nào, nhưng tôi thực sự muốn thử sống ở khu vực này", anh nói. "Bất kỳ không gian nào cũng có thể trở thành một ngôi nhà, bất kể không gian đó lớn hay nhỏ. Bạn chỉ cần yêu nó một chút".
Mẹ của Verhaeg đã đồng ký hợp đồng thuê nhà của anh và chi phí trả trước cho việc chuyển nhà của anh là 2.000 đô la: 1.000 đô la cho tiền thuê tháng đầu tiên và 1.000 đô la cho tiền đặt cọc.
Giá thuê của anh sau đó đã tăng lên 1.100 đô la (27,3 triệu đồng) một tháng.
Căn hộ nhỏ của Verhaeg không có phòng tắm. Thay vào đó, tòa nhà 5 tầng cho các cư dân sử dụng chung 3 phòng tắm kết hợp nhà vệ sinh và 2 phòng tắm có vòi sen ở mỗi tầng. Hơn nữa, tòa nhà này đã có tuổi đời hơn 100 năm và thiếu đủ tiện nghi như máy giặt, máy rửa chén... nên mọi thiết bị đều do cư dân tự lo.
"Sống ở đây có thể cảm thấy như bạn đang ở trong ký túc xá của trường đại học vì các tiện nghi chung", anh nói. "Đôi khi bạn sẽ thấy những người hàng xóm của mình trong chiếc khăn tắm hoặc áo choàng tắm. Bạn chỉ cần làm quen với điều đó". Dù chưa gặp rắc rối xấu hổ nào với hàng xóm, anh đã chạm mặt nhiều loại côn trùng và "Bạn mong đợi gì ở một căn hộ hơn 100 tuổi ở thành phố New York chứ?".
Ngoài việc không có phòng tắm, căn hộ còn thiếu nhà bếp truyền thống. Verhaeg có một bếp điện nằm trên tủ quần áo mà anh phải tận dụng để đựng thực phẩm.
Căn hộ có bồn rửa trong góc với tủ thuốc, được Verhaeg gọi vui là khu vực phòng tắm của mình.
Nó cũng có một tủ quần áo và một không gian gác xép nhỏ, nơi anh cất quần áo và bộ dụng cụ cắt tóc của mình.
"Lợi ích chính của việc sống trong một không gian nhỏ như vậy là nó khiến bạn trân trọng mọi thứ của mình và trở thành một người tối giản", anh chia sẻ. "Bạn thực sự không thể đơn giản là ra ngoài và mua những thứ ngẫu nhiên vì bạn không có không gian để lưu trữ chúng".
Một điều có thể khiến nhiều người khác khó chịu với kiểu căn hộ này là khu East Village anh ở có rất nhiều sinh viên, người đi làm thuộc đủ tầng lớp, khiến khu vực lúc nào cũng ồn ào, nhất là vào cuối tuần. Chưa kể, bức tường ngăn phòng "mỏng như giấy" theo lời Verhaeg cũng không giúp được gì trong việc cách âm. Mọi âm thanh như tiếng sập cửa hay hàng xóm cãi nhau đều có thể nghe thấy được.
Khi được hỏi phản ứng của mọi người thế nào khi bước chân vào căn phòng nhỏ xíu của mình, Verhaeg nói: "Thông thường, phản ứng đầu tiên của mọi người sẽ là 'Chà, nhỏ quá!' nhưng nếu dành 5-10 phút trong này thì họ nhận ra cũng không đến nỗi tệ".
Có điều, chiếc giường kê theo chiều ngang của phòng hoàn toàn không đủ để một người cao khoảng 1m8 nằm duỗi chân mà phải nằm chéo.
Lý do Verhaeg vẫn chọn ở lại đây vì anh muốn sự riêng tư và có thể ở một mình trong thành phố với giá nhà thuê "cắt cổ" mà không phải ở chung, cũng như tiện đi lại đến các bến tàu và có các cửa hàng ăn uống mở 24/24 cho một người có khung thời gian không cố định.
Verhaeg đã sống trong căn hộ East Village được 2 năm nay. Anh nói với CNBC Make It rằng vào đầu năm nay khi tiền thuê nhà của mình tăng 100 đô la, anh không bận tâm đến việc tăng vì thực ra không phải trả bất kỳ tiện ích nào.
Anh cũng cho biết mình sẽ rời khỏi căn phòng này trong năm tới.
Nguồn: CNBC