Thực hư chuyện người “số khổ” có quầng thâm ở mắt

Theo Gia đình & Xã hội,
Chia sẻ

Quầng quanh mắt không chỉ là một trong những yếu tố làm mất đi tính thẩm mỹ mà còn là dấu hiệu cảnh báo sự suy giảm chức năng của nhiều bộ phận trong cơ thể.

Trẻ nhỏ bị quầng thâm là biểu hiện của thiếu máu, suy dinh dưỡng, dị ứng thuốc hoặc rất có thể là triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm hơn. Dân gian còn truyền nhau thông tin, người có quầng thâm ở mắt, số sẽ khổ... Thực hư chuyện này thế nào?

Biểu hiện của suy giảm chức năng trong cơ thể

Do đặc thù công việc phải làm ca đêm, chị Nguyễn Bích Đào (32 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội) cho biết, vài năm trở lại đây, vùng da dưới mắt chị ngày càng sậm màu, bọng mắt ngày một to lên. Dù đã dùng các phương pháp trị quầng thâm nhưng theo chị Đào, tất cả đều “không ăn thua” vì “đâu sẽ lại vào đấy” sau những lần làm ca đêm. Chị than thở: “Hai mắt lúc nào cũng thâm đen, chả khác gì con gấu trúc. Giờ mắt tôi yếu lắm, ra ngoài nắng là cứ nheo lại, các vết nhăn cũng nhiều. Có lúc đứng trước gương, tôi ngỡ mình ngoài 40 tuổi rồi. Chỉ “ước” làm thế nào để vết thâm mờ đi, không thì mặt lúc nào cũng u tối, chả có sức sống”.

Tuy nhiên, điều làm chị Đào lo lắng hơn là con gái thứ hai của vợ chồng chị năm nay lên 6 tuổi, nhưng gần đây đã xuất hiện vết thâm đậm quanh mắt. Theo chị Đào, cháu bé không bị chấn thương gì cả, ăn ngủ điều độ nên việc cháu có quầng thâm quanh mắt khiến vợ chồng chị rất ngạc nhiên. “Tôi đang tính, khi nào cho cháu đi khám xem sao, cứ để như thế vợ chồng tôi cũng không yên tâm”, chị Đào cho hay.

Trao đổi về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Duy Bích (Khoa Mắt, Bệnh viện E Trung ương) cho biết: Có nhiều nguyên nhân gây ra quầng thâm ở mắt như do va đập trực tiếp vào phần quanh mắt gây vỡ các mạch máu xung quanh mắt, chúng tích tụ thành vết thâm hoặc do căng thẳng thần kinh, thiếu ngủ gây ra mệt mỏi làm máu không lưu thông. Quầng thâm cũng có thể xuất hiện ở những người có làn da mỏng và không được che chắn (đeo kính bảo vệ mắt) khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, làm tăng sắc tố melanin gây đen da. Bên cạnh đó, mắt bị thâm quầng còn do nội tiết của từng người. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, đây cũng được coi là triệu chứng biểu hiện sự suy giảm chức năng của một số bộ phận trong cơ thể, như gan, thận, thậm chí là hoạt động của tim.

BS Nguyễn Duy Bích phân tích: “Khi chức năng gan, thận bị suy yếu, sẽ gây nên rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, làm tổn thương đến các mạch máu, dẫn đến hiện tượng thâm quầng mắt. Tương tự, khi bị suy tim sẽ khiến chức năng tuần hoàn bị suy yếu, làm khả năng co bóp của tim cũng kém đi. Khi đó, máu sẽ bị ứ đọng ở vùng ngoại vi gây nên hiện tượng da tím tái toàn thân. Sở dĩ, vùng da bên dưới mắt có biểu hiện thâm rõ nhất, do đây là nơi có rất nhiều mạch máu lưu thông và cũng là vùng da thuộc loại nhạy cảm nhất trên cơ thể nên rất dễ chịu tác động khi cơ thể bị suy giảm một chức năng nào đó”.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu có quầng thâm quanh mắt thì nên đi khám tại các cơ sở y tế. Ảnh minh họa
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu có quầng thâm quanh mắt thì nên đi khám tại các cơ sở y tế (Ảnh minh họa)

Trẻ nhỏ bị quầng thâm mắt, cần đưa bé đi khám ngay

Theo BS Nguyễn Duy Bích, việc vết thâm xuất hiện nhiều xung quanh mắt không phụ thuộc vào giới tính. Do đó, nhiều người cho rằng, nữ giới thường có xu hướng bị quầng thâm nhiều hơn so với nam giới là không chính xác. Ngoài ra, quầng thâm ở mắt cũng ít có yếu tố di truyền. Chẳng hạn, không phải bố mẹ đều bị quầng đậm dưới mắt là con sinh ra cũng bị tương tự. Điều này phụ thuộc vào nội tiết tố, thói quen sinh hoạt, thời gian và các tác động từ bên ngoài.

Đối với trường hợp quầng thâm xuất hiện ở trẻ nhỏ, BS Nguyễn Duy Bích lý giải: “Vùng da dưới mắt trẻ bị thâm cảnh báo trẻ đang gặp một số vấn đề từ bệnh lý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Chẳng hạn, trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt… cũng khiến vùng da dưới mắt trẻ bị thâm. Một số trường hợp trẻ bị dị ứng thuốc cũng xuất hiện một vết thâm đen bên dưới mắt. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng chức năng tim, gan, thận của trẻ cũng đang gặp vấn đề”.

Do đó, theo BS Nguyễn Duy Bích, nếu thấy trẻ nhỏ có biểu hiện mắt xuất hiện quầng thâm trong thời gian dài, kèm theo các triệu chứng chán ăn, người gầy gò, xanh xao, ngủ kém, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám và điều trị kịp thời nếu phát hiện bệnh.

Theo BS Nguyễn Duy Bích, đôi mắt khỏe trước hết phải có thị lực tốt, không mắc các bệnh liên quan đến mắt như: Cận thị, viễn thị, loạn thị… Bên cạnh đó, một đôi mắt trong, sáng, không có nhiều quầng thâm cũng được coi là đôi mắt đẹp, mang tính thẩm mỹ cao. Vì vậy, để giữ cho mắt luôn khỏe đẹp, cần có chế độ sinh hoạt điều độ, hợp lý, nhất là không để mắt làm việc liên tục trong một thời gian dài và trong môi trường thiếu ánh sáng cần thiết.

Chẳng hạn, đối với những người có đặc thù công việc gắn liền với máy tính, nên dành một khoảng thời gian để cho mắt nghỉ ngơi. Tuân thủ theo nguyên tắc “20 - 20 - 20” nghĩa là cứ 20 phút nhìn vào máy tính phải cho mắt nghỉ 20 giây. Trong khoảng thời gian này, hướng mắt nhìn vào một đối tượng khác cách xa 20 feet (6m). Cách này sẽ giúp giảm căng thẳng cho đôi mắt, tránh trường hợp mắt bị mờ do tập trung nhìn quá lâu vào màn hình điện tử.

Ngoài ra, khi mắt bị mệt mỏi, nên massage xung quanh vùng mắt. Việc làm này vừa giúp mắt thư giãn, dễ chịu, vừa giúp các mạch máu quanh mắt lưu thông tốt hơn, giảm nguy cơ bị quầng thâm dưới mắt. Bảo vệ đôi mắt khỏi các tác động xấu bằng cách đeo kính hoặc bôi kem chống nắng. Có thể kết hợp dùng thêm kem đặc trị thâm vùng mắt để hỗ trợ giảm quầng thâm.

BS Nguyễn Duy Bích cũng khuyến cáo, ngủ đủ giấc, tránh các lo âu, căng thẳng cũng phần nào giúp loại bỏ được vết quầng thâm, chống mệt mỏi trên đôi mắt. Bên cạnh đó, nên uống nhiều nước và ăn nhiều hoa quả tươi để bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết cho đôi mắt luôn khỏe đẹp. Đồng thời, nên đi khám và kiểm tra mắt định kỳ để được phát hiện và xử lý kịp thời nếu có dấu hiệu mắc các bệnh liên quan đến đôi mắt.

Quầng thâm nhiều dưới mắt là người... lận đận?

Nhiều người thường truyền tai nhau, những người có đôi mắt thâm đen thường gặp tài vận không tốt, lận đận cả trong chuyện gia đình và các mối quan hệ ngoài xã hội. Chia sẻ về vấn đề này, BS Nguyễn Duy Bích cho rằng, đây là quan niệm liên quan đến vấn đề tướng số. Còn theo chuyên môn y học hiện đại, chưa có cơ sở nào cho mối liên hệ trên.

Thực chất, quầng thâm của mắt chỉ là do nội tiết tố, thói quen xấu trong sinh hoạt, hoặc là dấu hiệu cảnh báo chức năng của một số bộ phận trong cơ thể đang bị suy giảm. Vết thâm có thể mờ đi hoặc đậm dần lên tùy thuộc vào cơ địa của từng người hoặc do tác động của thời gian, sự can thiệp của thuốc, mỹ phẩm hoặc các biện pháp khác.

Chia sẻ