Thứ vừa túi tiền nhưng lại khiến thế giới trả giá đắt đang phủ kín cát sa mạc, hàng thải của thế giới sẽ đi về đâu?

Khánh Ly,
Chia sẻ

Không còn đất hay cát, khu vực Atacama ở Chile bị phủ kín bởi những núi quần áo bỏ đi, tạo nên một cảnh tượng kỳ lạ ở nơi được biết đến là sa mạc khô cằn nhất trên thế giới.

Trong ngành may mặc, chủ nghĩa tiêu dùng lan tràn tạo ra những tác động xã hội được nhiều người biết đến, như vấn đề lao động trẻ em trong các nhà máy hoặc mức lương ít ỏi. Song, những ảnh hưởng tai hại đối với môi trường lại ít được công khai.

Chile đã trở thành trung tâm nhập quần áo cũ (secondhand) và quần áo không bán được. Chúng được sản xuất tại Trung Quốc và Bangladesh, được bán đi khắp châu Âu, châu Á và Mỹ. Đồ cũ sau đó được chuyển đến Chile và được bán lại trong khu vực Mỹ Latinh.

Khoảng 59.000 tấn quần áo cập cảng Iquique, thuộc khu thương mại tự do Alto Hospicio ở Bắc Chile mỗi năm. Một phần trong số đó được các thương lái từ thủ đô Santiago mua lại. Phần còn lại hầu hết được bán sang các quốc gia Mỹ Latinh khác. Tuy nhiên, ít nhất 39.000 tấn hàng không bán được cuối cùng nằm lại trong các bãi rác trên sa mạc.

Ông Alex Carreno, cựu nhân viên khu vực nhập khẩu của cảng, trả lời hãng tin AFP rằng: "Quần áo đến từ khắp nơi trên thế giới. Những thứ không được bán đến Santiago hay gửi đi các nước khác sẽ nằm lại khu tự do". Quần áo chất đống ở đó vì không ai chấp nhận trả thuế để mang chúng đi.

Ông Franklin Zepeda, người sáng lập EcoFibra – một công ty sản xuất tấm panô từ quần áo bỏ đi, nói rằng: "Vấn đề là quần áo không phân huỷ sinh học và có các sản phẩm hóa học, nên chúng không được chấp nhận tại các bãi rác thành phố".

Thứ vừa túi tiền nhưng lại khiến thế giới trả giá đắt đang phủ kín cát sa mạc, hàng thải của thế giới sẽ đi về đâu? - Ảnh 1.

Một nhà máy ở Chile tái chế quần áo đã qua sử dụng để làm các tấm panô. Ảnh: AFP

Theo một báo cáo năm 2019 của Liên Hợp Quốc, sản lượng quần áo trên toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2014. Thời trang nhanh có giá hợp túi tiền của người tiêu dùng, nhưng lại khiến cả thế giới trả giá đắt vì chúng cực kỳ có hại cho môi trường.

Rác thải từ ngành công nghiệp này chiếm 20% tổng lượng rác thải trên toàn thế giới. Một báo cáo tương tự cho biết ngành sản xuất quần áo và giày dép tạo ra 8% lượng khí nhà kính toàn cầu.

Hiện tại, tốc độ mua quần áo của người tiêu dùng không hề chậm lại. Theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Ellen McArthur Foundation có trụ sở tại Vương quốc Anh, sản lượng quần áo đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 15 năm từ 2004 đến 2019. Công ty tư vấn McKinsey cũng ước tính rằng trong năm 2014, người tiêu dùng trung bình mua nhiều quần áo hơn 60% so với năm 2000.

Cho dù quần áo được chôn lấp hay chất đống trên mặt đất, chúng đều gây ô nhiễm môi trường. Chúng thải ra các chất gây ô nhiễm vào không khí hoặc các mạch nước ngầm. Quần áo làm bằng sợi tổng hợp hoặc được xử lý bằng hoá chất có thể mất 200 năm để phân huỷ. Chúng cũng độc hại tương đương với lốp xe cũ hoặc nhựa bỏ đi.

Tuy nhiên, không phải tất cả quần áo đều trở thành rác thải. Một số người nghèo trong khu vực 300.000 dân này đã đến các bãi rác để tìm một số thứ cần thiết hoặc bán lại chúng cho khu vực lân cận.

Monica Zarini, người làm các vật dụng từ quần áo tái chế, cho biết rằng việc quảng cáo thời trang nhanh đã thuyết phục mọi người rằng quần áo khiến chúng ta thu hút hơn, sành điệu hơn và thậm chí chữa khỏi những lo âu.

Mặc dù vậy, mọi thứ đang thay đổi. Theo bà Rosario Hevia, chủ cửa hàng tái chế quần áo trẻ em và là người sáng lập Ecocitex, mọi người đã tiêu thụ quần áo trong nhiều năm mà không ai quan tâm đến việc ngày càng có nhiều rác thải được tạo ra. Nhưng hiện tại, theo bà, mọi người đang bắt đầu tự vấn bản thân.

Tham khảo Business Insider, The Straitstimes

Chia sẻ