Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: TP.HCM quyết định lùi giờ học là hợp lý

THÀNH CHUNG - NGỌC AN,
Chia sẻ

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết việc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM khảo sát ý kiến và quyết định việc lùi giờ học theo đa số (93% đồng thuận) là phương án hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: TP.HCM quyết định lùi giờ học là hợp lý - Ảnh 1.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chiều 29-10, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc thay đổi giờ học của học sinh.

Trong đó hiện nay có một số ý kiến cho rằng việc giờ vào học và tan học của học sinh chưa phù hợp, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh và gây khó cho cha mẹ học sinh khi đưa đón. Từ đó phóng viên đề nghị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết ý kiến về vấn đề này?

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết việc điều chỉnh giờ học của học sinh tưởng chừng là nhỏ nhưng lại có tác động rất lớn.

Theo ông Sơn, số giờ ngủ của học sinh rất quan trọng đối với việc học tập và việc này đã có những nghiên cứu kỹ.

Cụ thể việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh. Theo nhiều nghiên cứu, học sinh Việt Nam và nhiều nước có xu hướng đi ngủ muộn.

"Như vậy việc đi học sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập. Tất nhiên việc này còn tùy theo từng địa phương, tùy theo thời tiết theo mùa", ông Sơn nói.

Ông dẫn ví dụ ở châu Âu, học sinh, kể cả sinh viên, đều vào học rất muộn. Còn ở Việt Nam thời tiết mùa đông và mùa hè khác hẳn nhau.

Cạnh đó việc giờ học của con còn liên quan đến giờ làm của cha mẹ, giờ hành chính của các địa phương.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ theo quy định về phân cấp quản lý nhà nước, việc quyết định giờ học của địa phương. Đồng thời cơ bản thời gian qua, các địa phương đã quy định tương đối phù hợp.

Ông Sơn cũng dẫn lại việc vừa qua có nhiều ý kiến của phụ huynh TP.HCM và Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có quyết định điều chỉnh khung thời gian.

Nếu giờ vào học chưa hợp lý, ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, gây khó khăn cho giờ đi lại, làm việc của cha mẹ học sinh thì nhất thiết cần phải điều chỉnh.

"Cách làm của TP.HCM là khảo sát ý kiến và quyết định theo đa số (93% đồng thuận). Theo tôi đây là phương án hợp lý. Tất nhiên tùy từng địa phương, tùy tình hình giao thông, Hà Nội khác, nông thôn rất khác, vì vậy các địa phương nên có những khảo sát, đánh giá kỹ", ông Sơn nêu.

Trong trường hợp liên quan đến giao thông như ở Hà Nội, ông Sơn cho rằng nên ưu tiên giờ của học sinh trước, từ đó tính toán điều chỉnh giờ làm việc của công chức, viên chức.

"Chúng ta ưu tiên cho học sinh vì việc này tuy nhỏ nhưng có tác động rất lớn đến sức khỏe, kết quả học tập của học sinh về sau", ông Sơn nói thêm.

Trả lời về các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết để đảm bảo nguồn cung ứng, từ đầu năm 2022, Bộ Y tế đã tập trung mọi nguồn lực vào việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Do vậy đến nay đã gia hạn được hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc có hiệu lực đến hết năm 2022.

Tính tại thời điểm hiện tại đang có hơn 21.800 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 700 hoạt chất các loại nên cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường.

Trong thời gian tới, thứ trưởng Bộ Y tế đã nêu nhiều giải pháp, trong đó có việc báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật dược theo hướng gia hạn tự động giấy đăng ký lưu hành thuốc nhằm cải cách tối đa thủ tục hành chính.

Chia sẻ