Thông tin mới từ Bộ GD-ĐT: Sẽ xây dựng ma trận đề thi THPT quốc gia 2020

T.N,
Chia sẻ

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sáng nay (25/3), Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD-ĐT thông tin về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.

Sáng nay 25/3, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 sở GD-ĐT, trong đó có trao đổi và thống nhất về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Theo đó, Bộ GD-ĐT vẫn giữ mốc thời gian dự kiến là ngày 8-11/8. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ xây dựng ma trận đề thi THPT quốc gia, công bố đề thi tham khảo sau khi có chương trình được tinh giản, giảm tải.

Trao đổi trong hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay: "Thông tin Thứ trưởng cho biết sẽ xây dựng ma trận đề thi căn cứ vào chương trình đã tinh giản khiến chúng tôi yên tâm".

Ông Hiếu cho rằng, học sinh từ lớp 1-11 còn có thời gian rà soát chương trình, bổ sung kiến thức vào năm học sau. Tuy nhiên, học sinh lớp 12 thì không còn thời gian và sẽ phải thi THPT quốc gia.

Thông tin mới từ Bộ GD-ĐT: Sẽ xây dựng ma trận đề thi THPT quốc gia 2020 - Ảnh 1.

Sẽ xây dựng ma trận đề thi THPT quốc gia năm 2020 (Ảnh minh họa).

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cũng cho rằng cấp tiểu học, THCS thì Bộ GD-ĐT có thể định hướng để các Sở chủ động rà soát, tinh giản để giảm gánh nặng cho Bộ. Riêng bậc THPT thì Bộ GD-ĐT cần rà soát, giảm tải để thống nhất trên cả nước. 

"Việc rà soát của Bộ sẽ ở cả lớp 10,11,12 vì liên quan tới đề thi THPT quốc gia có thể rơi vào chương trình của cả ba lớp này, bà Thuận cho hay.

Cũng trong buổi hội nghị sáng nay, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, cho biết việc rà soát để giảm tải đang được Bộ GD-ĐT gấp rút triển khai. Về nguyên tắc rà soát sẽ dựa vào chương trình đối chiếu với SGK để giảm bớt các nội dung nâng cao, sao cho đảm bảo yêu cầu tối thiểu nhưng có thể thực hiện trong bối cảnh hiện tại.

Bên cạnh đó, các tiểu ban cũng hướng đến việc tích hợp các bài học trong SGK theo chủ đề. Thường việc tích hợp vẫn nằm trong chương/mục SGK nhưng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, thuận lợi cho thiết kế các bài học qua Internet và truyền hình như đang triển khai hiện nay. Ngoài ra, những phần kiến thức hiện đang trùng lặp giữa các môn học sẽ được lược bớt.

>> Xem thêm: Nóng: 63 Sở GD-ĐT đang họp trực tuyến để bàn giảm tải chương trình cho học sinh TẠI ĐÂY

Chia sẻ