Thời tiết khó lường
Thời tiết biến động không ngừng được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới: nắng nóng gay gắt ảnh hưởng tới Nam Âu và Bắc Phi, bão lớn quét qua Tây và Bắc Âu, tuyết rơi trái mùa ở Mỹ, cháy rừng và hạn hán theo sau hiện tượng La Nina...
Báo The Guardian (Anh) cho biết trong tuần này, nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng tới Nam Âu và Bắc Phi.
Nhiều nơi ở Tây Ban Nha đạt nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 5, bao gồm TP Jaén in Andalucia ghi nhận mức 40,3 độ C hôm 20-5, theo Cơ quan Quản lý thời tiết Aemet của Tây Ban Nha. Tại Bắc Phi, TP Sidi Slimane - Morocco trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử: 45,7 độ C.
Các nhà khoa học tin rằng mức độ nghiêm trọng và thời gian xảy ra các đợt nắng nóng dự kiến tăng lên trong tương lai bởi khí hậu toàn cầu ấm hơn. Ở Tây và Bắc Âu, bão mạnh gây ra gió lớn, mưa xối xả, mưa đá và lốc xoáy hồi cuối tuần trước. TP Paderborn, miền Tây nước Đức, hứng lốc xoáy khiến 43 người bị thương.
Thời tiết lạnh giá bất thường ở bang Colorado - Mỹ năm nay. Ảnh: AP
Tại bang Colorado - Mỹ, một trận tuyết rơi trái mùa xảy ra hôm 21-5. Ngoài ra, đợt không khí lạnh làm cho nhiệt độ giảm mạnh 30 độ C trong vòng chưa đầy 36 giờ, dẫn đến tuyết rơi trên nhiều khu vực của Mỹ. Ở Đông Nam nước Mỹ và Mexico, cơn bão bụi tràn qua Đại Tây Dương đến bang Florida khiến bầu trời xám xịt và giảm chất lượng không khí.
Trong khi đó, AP hôm 28-5 dẫn lời các nhà khí tượng học cảnh báo siêu hạn hán ở phương Tây sẽ không biến mất cho đến khi hiện tượng La Nina - liên quan tới hạn hán, cháy rừng ở miền Tây nước Mỹ và gây ra nhiều cơn bão ở Đại Tây Dương hơn - xảy ra.
Dòng chảy kép La Nina hiện tại đã lập kỷ lục về sức mạnh hồi tháng trước và được dự báo có khả năng kéo dài trái mùa (vào mùa đông) năm thứ ba liên tiếp.
Người đứng đầu văn phòng dự báo La Nina và El Nino của Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, bà Michelle L’Heureux, chỉ ra rằng các hiện tượng giống La Nina đang xảy ra thường xuyên hơn trong 40 năm qua.
Nhà khoa học Azhar Ehsan, Trường ĐH Columbia (Mỹ), nhận định rằng nắng nóng nguy hiểm ở Ấn Độ và Pakistan trong tháng này và hồi tháng 4 có liên quan tới La Nina. Một nghiên cứu kinh tế năm 1999 cho thấy hạn hán từ La Nina khiến nông nghiệp Mỹ thiệt hại từ 2,2 - 6,5 tỉ USD, cao hơn nhiều so với 1,5 tỉ USD do El Nino gây ra.
Ở những nơi khác trên thế giới, lở đất và lũ lụt khiến ít nhất 31 người tại Đông Bắc Brazil thiệt mạng. Hôm 28-5, bang Pernambuco - Brazil cho biết hơn 1.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì lũ lụt. Khoảng 32.000 gia đình đang sống trong các khu vực có nguy cơ sạt lở đất hoặc lũ lụt ở bang này.