Thói quen vừa ăn, vừa nói khiến bệnh nhân suýt chết
Quá trình phẫu thuật cấp cứu phát hiện một chiếc xương cá đâm xuyên ruột ra ổ bụng bệnh nhân. Nguyên nhân là do người bệnh có thói quen vừa ăn, vừa nói chuyện nên nuốt phải xương.
Ngày 4/12, thông tin từ Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bị nhiễm trùng rất nặng, nguy kịch tính mạng.
Đó là trường hợp của bà L.T.T (63 tuổi, ngụ tại tỉnh Tiền Giang). Khoảng 3 tuần trước khi nhập viện, bà T có cảm giác đau ở bụng, cơn đau tăng dần đến mức không thể chịu đựng được. Do vị trí đau ở vùng bụng dưới, bệnh nhân cho rằng mình bị bệnh phụ khoa nên chiều 30/12, người nhà đã đưa bà đến Bệnh viện Hùng Vương cấp cứu trong tình trạng lơ mơ.
Tại khoa Cấp cứu, bác sĩ ghi nhận nhịp tim bệnh nhân rất nhanh. Thăm khám lâm sàng cho thấy, bà T có những biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng ở mức nghiêm trọng. Trên hình ảnh siêu âm, bác sĩ phát hiện vùng bụng bệnh nhân có nhiều ổ mủ với dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết nặng, đe dọa tính mạng.
Khi hội chẩn, PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương đã lập tức chỉ định thực hiện phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân ngay trong đêm. Cùng với các bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Chợ Rẫy cũng chi viện các bác sĩ ngoại khoa để thực hiện cuộc mổ.
Trong hơn 4 giờ khẩn trương trong phòng mổ, ê kíp bác sĩ của hai bệnh viện đã hút ra gần 2 lít dịch có mủ xanh đặc, rất hôi từ ổ bụng bệnh nhân. Quá trình mổ ghi nhận, buồng trứng và ống dẫn trứng bên trái của người bệnh bị phình to 15cm, chứa toàn mủ đặc, dính sát vào đoạn cuối của ruột già.
Các bác sĩ đã tiến hành bóc tách, cắt toàn bộ khối áp xe và phát hiện mảnh xương cá dài 3,5cm đâm xuyên ruột chui vào ổ bụng.
Do lỗ thủng ruột và viêm phúc mạc lan tỏa nặng, sau phẫu thuật, tình trạng nhiễm trùng của người bệnh vẫn ở mức độ nặng. Bệnh nhân đã được chuyển từ Bệnh viện Hùng Vương sang Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.
Ngày 4/12, tình trạng nhiễm trùng ở người bệnh đã được kiểm soát tốt, sức khỏe của bệnh nhân đang dần bình phục.
Trao đổi với bác sĩ sau cơn “thập tử nhất sinh”, bệnh nhân T cho biết, bà thường có thói quen vừa ăn cơm vừa trò chuyện. Bà không biết đã nuốt phải chiếc xương cá khi nào.
Theo các bác sĩ, hóc xương làm thủng các cơ quan nội tạng là tai nạn thường gặp. Xương cá khi đi vào đường tiêu hóa có thể đâm thủng dạ dày, thủng ruột gây rất nhiều nguy hiểm. Việc can thiệp, điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng khi hóc hoặc nuốt xương cá, cần đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.